Bảo hộ SHTT sản phẩm công nghiệp nông thôn: Sớm một ngày hay một điều!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù chưa xảy ra tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng một số sản phẩm công nghiệp cùng chủng loại lại na ná nhau về nhãn hiệu làm người sử dụng... “rối như tơ vò”. Thực tế, những hiểu biết về bảo hộ SHTT của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang có giới hạn nên chưa phát huy hết lợi thế của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Rất dễ nhầm lẫn

Sở hữu trí tuệ được hiểu đơn giản là chủ thể sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng SHTT của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này. Theo đó, SHTT đối với các sản phẩm công nghiệp được gọi là quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…

Bảo hộ SHTT sản phẩm công nghiệp nông thôn: Sớm một ngày hay một điều! ảnh 1

Sau khi được đăng ký sở hữu trí tuệ, sản phẩm kẹo cu đơ Phong Nga đã đủ điều kiện có mặt tại các siêu thị trên địa bàn Hà Tĩnh.

Những năm qua, công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh có sự tăng trưởng đáng kể về giá trị sản xuất, góp phần quan trọng phát triển KT-XH toàn tỉnh cũng như khu vực nông thôn. Sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh ngày càng được cải tiến về hình thức, mẫu mã, chủng loại, có thể cạnh tranh với thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, nhiều vi phạm về SHTT của các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ta đang diễn ra.

“Nhiều lần mua nước mắm chai của Thạch Kim sử dụng trong gia đình dù kiểu dáng, bao bì, nhãn mác tương tự nhau, khi nhìn qua cứ tưởng là một nhà sản xuất nhưng để ý kỹ lại là 2 thương hiệu khác biệt. Điều này gây nhầm lẫn, phân tâm cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm” - chị Nguyễn Thị Nguyệt (TP Hà Tĩnh) cho biết.

Khi tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, giữa một “rừng” sản phẩm công nghiệp nông thôn đang được tiêu thụ trên thị trường như nước mắm, kẹo cu đơ, gạo… thấy mỗi loại một thương hiệu khác nhau nhưng rất giống về bao bì (hoa văn, cỡ chữ, màu sắc), tên gọi… Trao đổi về nguyên nhân xuất hiện tình trạng này, ông Trần Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Sở hữu trí tuệ - Quản lý công nghệ (Sở KHCN) chia sẻ: “Bản sắc thương hiệu chỉ xuất hiện trong tâm trí của khách hàng mục tiêu khi mà họ bị hấp dẫn bởi giá trị mà thương hiệu ấy mang lại. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp đều cố gắng xây dựng cho thương hiệu của mình một bản sắc riêng, không bị pha trộn hay gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong việc này. Điều đó lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp ra đời sau thường ăn theo thương hiệu có uy tín trước đó để đặt tên cho nhãn hiệu của mình, hoặc lấy tên nhãn hiệu gần giống với tên của thương hiệu nổi tiếng đã được người tiêu dùng tin cậy”.

Xu thế của thời hội nhập

Hiện, Hà Tĩnh đã công nhận 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn, trong đó, có 7 sản phẩm thuộc nhóm chế biến nông sản; 10 sản phẩm thuộc nhóm chế biến lâm sản; 4 sản phẩm thuộc nhóm chế biến thủy sản và 9 sản phẩm thuộc nhóm sản xuất, chế tạo cơ khí. Các sản phẩm đã thực hiện quy định của pháp luật về SHTT như đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, mã số, mã vạch như chè xanh lăn, trà gừng, kẹo cu đơ Phong Nga, gạo Đức Lâm, gạo RVT, nước khoáng Sơn Kim, các sản phẩm gỗ, mây tre đan, cao su tự nhiên, nước mắm, bột cá… nhờ đó, các sản phẩm này đã được đưa vào hệ thống siêu thị để tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Phong - chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga chia sẻ: “Sau khi được giới thiệu đăng ký quyền SHTT theo pháp luật, sản phẩm đã khẳng định thương hiệu rõ ràng và duy nhất trên thị trường, không lẫn lộn với những thương hiệu khác. Do vậy, sản phẩm của chúng tôi đã đủ điều kiện để đưa vào hệ thống siêu thị trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quảng bá sản phẩm”.

“Bảo hộ SHTT là xu thế của thị trường hội nhập nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, vấn đề này chưa thật sự được chú trọng (ở cả chủ cơ sở sản xuất và cơ sở công nghiệp nông thôn địa phương) đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng sản phẩm của Hà Tĩnh nói chung và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nói riêng”, ông Nguyễn Đức Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết.

“Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nâng cao nhận thức người sản xuất, nhà kinh doanh về bảo hộ SHTT, đăng ký thương hiệu, thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn thuộc đối tượng thụ hưởng từ Quỹ Khuyến công; hướng dẫn chủ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia chương trình thương hiệu quốc gia do Bộ Công thương tổ chức…”, ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast