Tập trung khống chế dịch LMLM ở Thạch Hà và Can Lộc

Trong vòng một tuần, tại các huyện Thạch Hà và Can Lộc đã có hơn 100 con gia súc bị mắc bệnh LMLM. Mặc dù công tác dập dịch được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tập trung nhưng vẫn có chiều hướng lây lan...

Ngày 27 - 9, gia đình ông Đặng Văn Linh, xóm Khang, xã Thạch Liên (Thạch Hà) có 1 con bê biểu hiện đi nhắc, miệng sùi bọt mép, bỏ ăn... Nhận được tin báo, thú y xã đã xuống kiểm tra và xác định gia súc trên có triệu chứng của bệnh LMLM.

Chốt kiểm soát gia súc ra vào địa bàn tại xã Thạch Kênh tiếp tục được duy trì

Chốt kiểm soát gia súc ra vào địa bàn tại xã Thạch Kênh tiếp tục được duy trì

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, trâu, bò của một số hộ dân liền kề nhà ông Linh cũng có biểu hiện tương tự. Tính đến ngày 6 - 10, xã Thạch Liên đã có 63 con gia súc của 54 hộ thuộc các xóm Khang, Ninh, Đông Nguyên, Tây Nguyên, Thọ và Hanh; xã Thạch Kênh có 7 con gia súc bị mắc bệnh.

Cùng thời điểm này, dịch LMLM đã xảy ra ở Can Lộc vớió 29 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó: Mỹ Lộc 22 con và Sơn Lộc 7 con.

Nguyên nhân dịch LMLM xuất hiện và bùng phát tại 4 xã thuộc 2 huyện trên được xác định đều là ổ dịch cũ của bệnh LMLM type O; thời tiết giao mùa, không khí ẩm ướt. Điều đáng nói là tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm tại các địa phương này quá chậm (kế hoạch của tỉnh thì đến hết tháng 9 -2010 phải hoàn thành xong tiêm phòng đợt II nhưng các xã lại chưa triển khai).

Nhận được tin báo, Chi cục thú y phối hợp với Trạm thú y các huyện Thạch Hà, Can Lộc cùng với chính quyền các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch như: tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo tình hình dịch để tập trung phòng chống; lập cam kết với các chủ hộ không thả gia súc bị bệnh ra ngoài; cách ly gia súc ốm và đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn xã có dịch; lập 10 chốt gác kiểm soát không cho vận chuyển trâu bò ra vào tại các địa bàn vùng dịch.

Gia súc mắc bệnh LMLM của gia đình bà Nguyễn Thị Bầng, xóm Khang (xã Thạch Liên) đang được chữa trị.

Gia súc mắc bệnh LMLM của gia đình bà Nguyễn Thị Bầng, xóm Khang (xã Thạch Liên) đang được chữa trị.

Sau khi phát hiện gia súc bị bệnh LMLM, cán bộ thú y xã báo cáo lên Trạm thú y huyện đồng thời hướng dẫn cho người dân cách chữa trị. Tuy nhiên, công tác phòng chống dập dịch đã gặp nhiều khó khăn do thời điểm đó trời mưa liên tục nên việc tiêu độc khử trùng, phun thuốc, rắc vôi bột tại các vùng dịch phải thực hiện nhiều lần.

Ngoài các biện pháp khống chế dịch, cơ quan thú y phối hợp chính quyền địa phương đã tiến hành tiêm vắc xin với kết quả: xã Thạch Liên đạt 75,23% tổng đàn, xã Thạch Kênh đạt 65,10% tổng đàn, xã Mỹ Lộc đạt 41,46% tổng đàn và xã Sơn Lộc đạt 19,35% tổng đàn.

Sau hơn một tuần tập trung dập dịch, số trâu bò bị bệnh đang dần hồi phục. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống dịch vẫn đang được các cơ quan chức năng tăng cường kiếm soát. Các chốt gác không cho vận chuyển buôn bán gia súc vào vùng bị dịch vẫn được duy trì, cắt cử người canh gác 24/24h.

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, tình hình dịch LMLM gia súc trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Mức độ lây lan dẫn đến dịch bùng phát dịch có khả năng rất cao do khó kiểm soát việc quản lý vận chuyển, buôn bán gia súc trên địa bàn tỉnh. Gia súc dù đã được tiêm phòng dịch LMLM nhưng phải 15 ngày sau mới có thể miễn dịch nên trong thời gian đó gia súc vẫn có thể bị mắc bệnh LMLM. Từ nhận định trên, Chi cục thú y tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, nhất là không chế không để dịch lây lan sang các địa phương lân cận.

Các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch ở từng hộ chăn nuôi nhằm quản lý tốt đàn gia súc mắc bệnh nhưng không tiêu hủy; phát hiện nhanh và xử lý kịp thời khi có ổ dịch mới phát sinh hoặc dịch còn ở diện hẹp. Cùng đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn; chấn chỉnh công tác kiểm dịch nội địa cũng như qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Chi cục thú y cũng đề nghị các địa phương tập trung tiêm phòng gia súc đợt II, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15 - 10.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast