Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế

Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Việc tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được Bộ Chính trị quyết định sau khi xem xét đề nghị từ Ban chỉ đạo thực hiện quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021, thì phải vừa tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, đồng thời tiếp tục giảm biên chế theo chỉ tiêu của giai đoạn trước. Những nơi giảm biên chế vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả giai đoạn 2022-2026.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế

Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, tháng 4/2022. Ảnh: Thái Anh

Bộ Chính trị yêu cầu, trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt chỉ tiêu. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp ủy đánh giá tổng thể tình hình, làm cơ sở tham mưu, hướng dẫn giao biên chế với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, huyện. Sau khi có hướng dẫn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy giao biên chế công đoàn theo quy định trong tổng biên chế được giao.

Kết luận nêu rõ, biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp theo quy định, từ ngân sách chi thường xuyên.

Bộ Chính trị uỷ quyền cho Ban chỉ đạo xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng khi cần thiết (khoảng 0,5% tổng biên chế). Các cơ quan được giao thẩm quyền quản lý biên chế chịu trách nhiệm triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng biên chế của các đơn vị trực thuộc.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ được giao rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, quy định của Đảng về quản lý biên chế.

Ban Tổ chức Trung ương thì phải hoàn thành danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quản lý biên chế; định kỳ hoặc khi cần thiết báo cáo Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo.

Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10%. Đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, được khuyến khích chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng từ nguồn thu sự nghiệp.

Theo kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 2, tổng biên chế đến cuối tháng 6/2021 giảm 20% so với biên chế được giao năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Theo Viết Tuân/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast