Mỹ- Israel gia tăng căng thẳng sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ- Israel đang ngày càng bộc lộ rõ sau thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 hồi tuần trước.

Trong khi Tổng thống Mỹ Obama quyết tâm bảo vệ đến cùng một cách tiếp cận ngoại giao cho vấn đề này, thì Thủ tướng Israel Netanyahu cũng bắt đầu các chiến dịch công kích trên truyền thông Mỹ.

Mỹ- Israel gia tăng căng thẳng sau thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1

Quan hệ Mỹ - Israel dậy sóng sau tuyên bố của Tổng thống Obama ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran - P5+1

Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Obama nhiều lần khẳng định cam kết đối với an ninh Israel, Thủ tướng Netanyahu vẫn tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Iran. Thậm chí, ông này hôm qua còn tuyên bố sẽ vận động các nhà lập pháp Mỹ để Iran không thể có “một lộ trình tự do để sở hữu bom hạt nhân”: “Tôi không tìm cách giết chết bất kỳ thỏa thuận nào, song sẽ phản đối đến cùng một thỏa thuận tồi. Như các bạn nói đây là một quyết định lịch sử, một thỏa thuận lịch sử, song đây cũng có thể là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử. Bởi nó sẽ cho phép Iran có thời gian để phát triển cơ sở hạt nhân. Đây là mối lo ngại đối với Israel, đối với khu vực và hòa bình thế giới.”

Theo chính phủ Israel, những đảm bảo của Tổng thống Mỹ đối với an ninh Israel là không đủ. Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran phải thay đổi về cơ bản và đối với Israel, lựa chọn sử dụng quân sự vẫn đang được cân nhắc. Nước này, hôm qua cũng đã gửi tới chính quyền Mỹ một loạt yêu cầu với thỏa thuận cuối cùng đang được Iran và các nước phương Tây soạn thảo, đặc biệt trong đó có yêu cầu Iran phải công nhận Nhà nước Israel.

Tuy nhiên, trong một phản ứng ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Obama đã tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố, yêu cầu này vượt quá khuôn khổ các cuộc thảo luận đang diễn ra và thậm chí còn cho rằng, Israel đã mắc phải một “sai lầm phán đoán cơ bản”. Theo ông, nếu yêu cầu phải đưa việc công nhận Nhà nước Israel vào trong thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc các bên sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, trừ khi bản chất chính quyền Iran thay đổi hoàn toàn. Trước đó, phát biểu trên Thời báo New York, ông Obama nhấn mạnh: Không có công thức nào, không có giải pháp hữu hiệu nào hơn để ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân ngoài sáng kiến ngoại giao được thực hiện đến nay.

Sau hàng loạt sự kiện xảy ra tại Trung Đông, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Israel đang ngày càng trở nên lạnh nhạt. Từ tiến trình hòa bình Trung Đông, tới những chính sách cực đoan của Israel đối với các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palextin và hiện nay là vấn đề hạt nhân Iran, lập trường của Mỹ và Israel đang ngày càng xa nhau. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là cả Mỹ và Israel dù không bằng lòng với nhau nhưng cũng không thể quay lưng, bởi các lợi ích chiến lược. Ngay như trong chính nước Mỹ, các nhóm vận động hành lang hay các nhóm nghị sĩ ủng hộ Israel vẫn rất mạnh. Thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, ông McConnell hôm qua chỉ trích sự nhượng bộ của chính quyền Mỹ đối với Iran và khẳng định, Quốc hội phải có tiếng nói trong thỏa thuận cuối cùng đang được soạn thảo. Dự kiến ngày 14/4 tới, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật buộc mọi thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran đều phải được Quốc hội thông qua.

Chính vì thế, dù tỏ ra cứng rắn, song tới nay, chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra kiên nhẫn với Israel khi thừa nhận việc theo đuổi giải pháp ngoại giao với Iran đã gây ra sự căng thẳng với Israel, nhưng Mỹ sẽ sát cánh bên Israel nếu đồng minh Do Thái bị tấn công. Theo chính phủ Mỹ tất cả các tùy chọn trừng phạt vẫn sẵn sàng một khi Iran vi phạm các điều khoản thỏa thuận. Người phát ngôn chính phủ Mỹ Josh Earnest nói: “Chúng tôi vẫn đang đàm phán về lộ trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Chính phủ Mỹ vẫn không thay đổi lập trường rằng, không phải là khôn ngoan và cũng không phải vì lợi ích của cộng đồng quốc tế nếu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sớm hơn một ngày. Các lệnh trừng phạt chỉ được dỡ bỏ một khi chúng ta nhận được những cam kết rõ ràng và có thể kiểm chứng của Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.”

Theo các nhà phân tích, tiến tình đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran là phép thử tốt nhất cho học thuyết ngoại giao mà ông Obama đang theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2009. Nếu thành công thì đây sẽ là dấu ấn rõ nét nhất trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, song nếu thất bại, thì điều này lại đặt chính quyền của ông Obama trước nhiều thách thức. Và đây cũng là một phần lý do khiến chính quyền Mỹ không thể không đặt ra một kế hoạch B, trong trường hợp đàm phán về thỏa thuận cuối cùng thất bại và khi đó Mỹ sẽ không thể bỏ qua vai trò của Israel.

Theo Thu Hoài/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast