Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lốc xoáy, triển khai ứng phó mưa lũ sau bão số 5

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tốt các tình huống, không để xảy ra bất ngờ, bị động, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhân dân Hà Tĩnh.

Chiều nay (18/9), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn công tác đã tới xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) kiểm tra tình hình thực tế ảnh hưởng của trận lốc xoáy khiến nhiều ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng.

Đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Thị Tính (SN 1961, thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián) – một trong những hộ dân có nhà bị tốc mái do lốc xoáy gây ra.

Theo bà Tính, sau khi lốc xoáy đi qua, gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc lợp lái mái nhà.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lốc xoáy, triển khai ứng phó mưa lũ sau bão số 5

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thăm hỏi, động viên gia đình bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy.

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho biết, trận lốc xoáy xảy ra lúc 5h30" sáng nay đã khiến 75 nhà dân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các lực lượng công an, quân sự, đoàn viên thanh niên tới hỗ trợ người dân lợp lái mái nhà bị hư hỏng, thu dọn các vật dụng.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của UBND huyện Nghi Xuân, xã Cương Gián cùng các lực lượng trong việc khắc phục hậu quả của lốc xoáy, giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lốc xoáy, triển khai ứng phó mưa lũ sau bão số 5

Các lực lượng giúp người dân Cương Gián lợp lái mái nhà.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Hà Tĩnh dù không nằm trong tâm bão nhưng tới 15h chiều nay, ghi nhận lượng mưa trên toàn tỉnh khá lớn, nhất là tại Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và các địa phương ven biển. Do đó, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống rất cao.

UBND tỉnh trước đó cũng đã có công điện cho các địa phương ứng phó với bão số 5 và theo kịch bản đã chuẩn bị trước, yêu cầu các địa phương phải triển khai lực lượng quán xuyến hết tất cả các tình huống, đặc biệt là những địa điểm có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, phải quản lý tới từng địa bàn, từng hộ dân với phương châm 4 tại chỗ.

Đặc biệt là không để hộ dân nào nằm trong nguy cơ, mà thiếu đi sự quan tâm của các cấp chính quyền, dẫn tới rủi ro.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lốc xoáy, triển khai ứng phó mưa lũ sau bão số 5

Nhiều tuyến đường ở TP Hà Tĩnh ngập nặng do mưa lớn chiều 18/9.

Theo dự báo, từ chiều tới đêm nay, lượng mưa vẫn còn diễn ra khá, vì vậy các địa phương, nhất là vùng ven biển và miền núi phải cảnh giác cao nhất với các điểm có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các khu nuôi trồng thuỷ hải sản bị ngập.

Các địa phương cần phải quán triệt nghiêm túc, đảm bảo chuẩn bị hết các tình huống, không để xảy ra thiên tai bất ngờ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của rìa Bắc cơn bão số 5 kết hợp không khí lạnh nên từ ngày 17/9 đến 16 giờ ngày 18/9/2020, toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông.

Lượng mưa đo được tại các trạm từ 7 giờ ngày 17/9 đến 14 giờ ngày 18/9 như sau: Linh Cảm 183mm, Hương Sơn 159mm, Chu Lễ 215,3mm, Hòa Duyệt 296mm, cẩm Nhượng 157mm, Kỳ Anh 88mm, TP Hà Tĩnh 178mm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang; ngập úng vùng trũng, vùng đô thị, đồng bằng ven biển, đặc biệt tại TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên.

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast