Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài cuối): Cần những bước đi chiến lược

(Baohatinh.vn) - Phát triển cụm công nghiệp (CCN) ở Hà Tĩnh đang đứng trước cơ hội mới: các dự án CN trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn sẽ tạo sức hút cho lĩnh vực CN phụ trợ và sản xuất nông nghiệp đang chuyển mạnh sang hướng hàng hóa với nhu cầu bức thiết về CN chế biến. “Đề án phát triển CCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” vừa được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2013 đang mở rộng đường để phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc.

>> Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài 1): Sức sống mới cho sản xuất, kinh doanh

>> Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài 2): Khi cụm công nghiệp không được lấp đầy

Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên thu hút nhiều DN vào hoạt động sản xuất.
Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên thu hút nhiều DN vào hoạt động sản xuất.

Đầu tư hướng vào trọng điểm

Theo khảo sát của ngành chức năng, trong tổng diện tích 489 ha các CCN theo quy hoạch, mới có 283 ha có thể cho thuê và trong số 129 dự án đăng ký vào cụm mới có 80 dự án đi vào hoạt động. Phần lớn các CCN có tỷ lệ lấp đầy thấp. Một số CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa triển khai đầu tư hạ tầng hoặc đầu tư hạ tầng nhưng chưa có dự án đầu tư như các CCN: Bắc Hương Khê, huyện Vũ Quang, Kỳ Ninh, Kỳ Hưng (Kỳ Anh). Thực tiễn này đang đặt ra yêu cầu về việc đánh giá, rà soát lại hiệu quả hoạt động của từng CCN để loại bỏ các CCN “treo”, tránh lãng phí quỹ đất và xây dựng quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn với những định hướng chiến lược.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ, bước đi đầu tiên đó là hoàn thành quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 trên địa bàn tỉnh để làm rõ hình hài các cụm một cách có trọng tâm, trọng điểm. Các lĩnh vực trọng điểm phát triển CCN được xác định là CN phụ trợ tại các vùng phụ cận khu kinh tế, khu CN và CN chế biến ở gần vùng nguyên liệu hoặc làng nghề TTCN để thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Theo định hướng này, hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các CCN cũng được vạch rõ lộ trình với thứ tự ưu tiên cụ thể trong từng giai đoạn.

Đa dạng hóa nguồn đầu tư hạ tầng

Thực tiễn cho thấy, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các CCN thiếu sức hút DN vào SXKD. Bởi vậy, giải pháp về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng CCN được tỉnh xác định là tăng cường bố trí ngân sách hàng năm, đồng thời có sự phân cấp giữa ngân sách các cấp để đầu tư gắn với sự phát triển của địa phương; tranh thủ nguồn vốn xây dựng hạ tầng CCN và các nguồn vốn phát triển CN-TTCN từ ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, lộ trình đầu tư hạ tầng CCN đã được xây dựng theo hướng ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các CCN có tỷ lệ lấp đầy cao, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phục vụ nhu cầu SXKD trong xây dựng nông thôn mới, phát triển CN phụ trợ.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Trung Phước thì nguồn đầu tư ngân sách cho CCN hàng năm được bố trí khá hạn chế, bởi vậy, việc xã hội hóa huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng cụm là yếu tố then chốt. Trên thực tế, các DN hoạt động trong CCN ở tỉnh ta chủ yếu là DN nhỏ và vừa với số vốn đầu tư không lớn. Bởi vậy, để nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng phát huy hiệu quả, cần chú trọng việc thu hút số lượng lớn DN vào hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN.

Làng nghề sản xuất chăn, nệm Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.
Làng nghề sản xuất chăn, nệm Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, đến năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng CCN là 102 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp 62 tỷ đồng và nguồn vốn từ DN, vốn khác khoảng 40 tỷ đồng. Đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 386 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách 208 tỷ đồng và nguồn vốn DN, vốn vay 178 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng chiếm hơn 40% tổng nguồn đầu tư nên giải pháp cần quan tâm là phải huy động được sự tham gia của DN theo hình thức kinh doanh hạ tầng CCN.

Trên thực tế, toàn tỉnh hiện có 2 DN kinh doanh hạ tầng với số vốn đầu tư 68 tỷ đồng là CCN Kỳ Hưng và CCN sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống bò sữa Sơn Lễ (Hương Sơn). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý, giám sát, phối hợp của chính quyền địa phương đối với các CCN đầu tư theo hình thức này để thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa.

Động lực từ chính sách

Mặc dù tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư đến với Hà Tĩnh nói chung, nhưng đến cuối năm 2013, hệ thống chính sách đặc thù cho phát triển CCN mới chính thức được HĐND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và đầu tư SXKD trong CCN, ngoài việc ưu tiên mức hỗ trợ san lấp, GPMB cao hơn, tỉnh còn hỗ trợ thêm việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung trong CCN và chi phí thực hiện công trình xử lý môi trường của dự án. Đặc biệt, chính sách mới ban hành tập trung nguồn lực cho các dự án sản xuất di dời vào CCN.

Các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh khi thực hiện di dời dự án vào CCN, ngoài được hưởng các chính sách đối với dự án SXKD, còn được hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời; hỗ trợ về vốn đầu tư xây dựng tại cơ sở mới trong cụm: được ưu tiên vay vốn ưu đãi và được hỗ trợ lãi suất cho số vốn vay để trực tiếp xây dựng dự án SXKD trong CCN.

Chính sách mới ban hành đang yêu cầu sự tập trung chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc của các địa phương, ngành chức năng để tạo cú hích mạnh mẽ hơn trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển CCN trên địa bàn. Lộ trình đặt ra là đến năm 2015, toàn tỉnh có 19 CCN với tổng diện tích khoảng 488 ha, giá trị sản xuất CN đạt trên 2.500 tỷ đồng; thu hút các DN, các cơ sở sản xuất với tỷ lệ lấp đầy đạt 45-50% diện tích đất có thể cho thuê; giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động… Đến năm 2020, có 25 CCN với tổng diện tích 631 ha; giá trị sản xuất CN đạt trên 7.000 tỷ đồng; thu hút các DN, cơ sở sản xuất với tỷ lệ lấp đầy 60-70% diện tích đất có thể cho thuê; giải quyết việc làm cho khoảng 6.000-8.000 lao động…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast