Vũ khí chống vệ tinh Nga có nguy hiểm như Mỹ nói?

Việc Nga đẩy mạnh phát triển vũ khí chống vệ tinh đang là mối đe dọa đối với Mỹ. Vậy vũ khí Nga có thực sự nguy hiểm như Mỹ nói?

Theo Business Insider, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vừa cáo buộc Nga và Trung Quốc đang phát triển nhiều chương trình vũ khí bí mật nhằm đẩy mạnh khả năng chống vệ tinh.

Tướng không quân Mỹ John E. Hyten, người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, đã cáo buộc Nga và Trung Quốc đang tạo ra các loại vũ khí để triển khai lên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Ông John E. Hyten khẳng định: "Trong tương lai không xa, Nga và Trung Quốc có thể sử dụng các vũ khí này để đe dọa các tàu vũ trụ của chúng ta trên không gian vũ trụ. Cần phải ngăn cản và Mỹ sẽ làm điều đó, đảm bảo mọi người đều biết rằng, chúng ta đang chuẩn bị tốt cho xung đột".

vu khi chong ve tinh nga co nguy hiem nhu my noi

Sự phát triển vũ khí chống vệ tinh của Nga đang khiến Mỹ thấy bị đe dọa.

Sự lo lắng của Mỹ trước sự tiến bộ của vũ khí chống vệ tinh Nga không phải là thừa bởi theo nhận định của tờ Bưu điện Washington, trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay phát triển thì người Nga đã bắt đầu đưa công nghệ vũ khí không gian vào thực chiến.

Theo tình báo Mỹ, điều làm nên sự nguy hiểm của vũ khí chống vệ tinh của Nga là bởi trong tương lai không xa, các tàu ngầm của Hải quân Nga còn được trang bị loại vũ khí có khả năng bắn hạ vệ tinh.

Thông tin này được tờ Bưu điện Washington dẫn lời Phó tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Victor Bursuc cho biết, công nghệ bắn hạ vệ tinh từ tàu ngầm đã tồn tại, không chỉ các nhà khoa học Nga mà cả ở nước ngoài cũng đang phát triển và đây là một trong những vũ khí tương lai dành cho tàu ngầm.

Hiện nay, tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Nga có thể bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Ngoài ra, Nga cũng đã thử thành công tên lửa 40N6E dành cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph. Loại tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao trên 100km.

Và từ cuối năm 2016, Nga đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không mới là loại S-500 có thể bắn hạ mục tiêu ở quỹ đạo gần trái đất và đây sẽ là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.

Nói về loại tên lửa trang bị cho tàu ngầm Nga trong tương lai, hồi giữa năm 2016, trang Sputnik dẫn nguồn tin từ Hải quân nước này tiết lộ, Moscow sẽ phát triển bản phóng ngầm từ nguyên mẫu chương trình tên lửa 79M6 phát triển dành cho tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Tuy nhiên, từ đó đến nay Nga vẫn không tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào về chương trình tên lửa diệt vệ tinh dành cho tàu ngầm.

Được biết, chương trình phát triển tên lửa chống vệ tinh 79M6 được Liên Xô phê duyệt vào năm 1980. Tên lửa đánh chặn 79M6 là loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn. 79M6 có chiều dài gần 10 mét, đường kính 740mm, trọng lượng phóng 4,5 tấn. Tên lửa có thể tiêu diệt vệ tinh ở độ cao từ 120-600km.

Theo thiết kế, tiêm kích MiG-31 sẽ đưa tên lửa 79M6 lên độ cao từ 15-18km, sau đó MiG-31 sẽ thực hiện một động tác cơ động và phóng tên lửa. Tên lửa có thời gian bay đến mục tiêu từ 100-380 giây, nó được trang bị đầu đạn phân mảnh để tiêu diệt mục tiêu.

Máy bay sẽ đưa tên lửa lên độ cao 15 - 18 km để phóng. Sau khi tên lửa được phóng đi, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 sẽ kết hợp với trạm vô tuyến mặt đất để dẫn đường đến mục tiêu.

Tên lửa có thời gian bay đến đích từ 100 đến 380 giây tùy thuộc vào độ cao của mục tiêu. Một đầu đạn phân mảnh sẽ vô hiệu hóa hoạt động của vệ tinh. Hỏa tiễn có thể diệt vệ tinh ở độ cao từ 120 - 600 km, giai đoạn 2 của chương trình sẽ đánh chặn các vệ tinh ở độ cao tới 1.500 km.

Theo bản thuyết minh thiết kế, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới trang bị tên lửa 79M6 có thể hạ 24 vệ tinh trong vòng 36 giờ.

Và theo thông tin mới nhất được tình báo Mỹ công bố cho biết, hồi cuối năm 2016, Nga âm thầm thử nghiệm hệ thống phòng thủ A-235 Nudol - vũ khí có thể dễ dàng bắn rụng những mục tiêu ở khoảng 1.500km và tầm cao 800km.

Theo nguồn tin tình báo Mỹ, đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ cuối năm 2015, lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga thử nghiệm thành công với hệ thống đánh chặn Nudol tối tân này.

Trang Business Insider cho biết, hiện Nga vẫn hoàn toàn bảo mật về sức mạnh và những thông tin của Nudol tuy nhiên, theo những thông tin thu thập được, tính báo Mỹ cho rằng, chỉ với 20 quả tên lửa của Nudol, Moskva đủ sức làm tê liệt toàn bộ vũ khí Mỹ.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast