Giáo dục mầm non - Những luồng gió mới

(Baohatinh.vn) - Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học trên địa bàn TP Hà Tĩnh được các cấp chính quyền, toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đổi thay rõ nét nhất là bậc học mầm non với sự phong phú trong các loại hình trường học và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

“Làn gió mới” từ mầm non tư thục

Mô hình “tiên phong” trong lĩnh vực này đó chính là Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du. Cách đây hơn 15 năm, khi số trường mầm non trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay thì sự xuất hiện của ngôi trường tư thục được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa là một quyết định hết sức táo bạo. Theo cô Nguyễn Thị Bích Hảo - Hiệu trưởng nhà trường: “Vì 100% nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn do cá nhân đầu tư nên việc thu hút học sinh cũng như gây dựng niềm tin của người dân vào những ngày đầu thực sự rất khó khăn. Xác định, để phát triển bền vững thì nhà trường phải luôn bám sát phương châm “lấy chất lượng làm đầu, lấy trẻ làm trọng tâm”, nên việc lựa chọn giáo viên có trình độ, tâm huyết được đặc biệt quan tâm”.

Giáo dục mầm non - Những luồng gió mới ảnh 1
Chất lượng giáo dục bậc mầm non trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao một phần nhờ sự có mặt của các cơ sở đào tạo theo hình thức xã hội hóa.

Sau 15 năm thành lập, Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du đã tạo được dấu ấn riêng bằng kết quả thực tiễn. Chỉ tính riêng năm học 2015-2016, toàn trường nhận hơn 700 cháu trong độ tuổi từ 24-72 tháng. Với 4 phòng học và 1 khu vận động vừa đầu tư đưa vào sử dụng đầu năm học mới, hiện, toàn trường có 18 nhóm học, trong đó, khu nhà trẻ 3 nhóm, mầm non 15 nhóm. Được biết, để xây dựng được mô hình đạt chuẩn quốc gia mức 1 như Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du hiện nay ước tính cần trên 30 tỷ đồng.

Thành công của Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du đã chứng minh hiệu quả của xã hội hóa đầu tư giáo dục ở cấp học này. Nhiều tổ chức, cá nhân sau một thời gian nắm bắt nhu cầu thực tiễn đã nhận thấy đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục khác như Hoa Sen, Hoa Mai. Gần đây nhất là sự có mặt của Trường Mầm non tư thục Trí Đức với tổng nguồn vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng vừa đi vào hoạt động. Với quy mô ban đầu 10 phòng học, trong năm học đầu tiên, trường sẽ thu hút khoảng 300 em thuộc 3 lứa tuổi. Với mô hình giảng dạy hướng tới tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Tĩnh mà nhà đầu tư đang từng bước áp dụng, nhiều phụ huynh hy vọng đây sẽ là bước tạo nền hiệu quả để con trẻ trưởng thành toàn diện.

Theo ước tính, những năm qua, TP Hà Tĩnh đã kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bậc mầm non. Kết quả này vừa góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách và giúp ngành Giáo dục thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo niềm tin và cơ hội cho nhân dân trên địa bàn.

Sự cạnh tranh lành mạnh

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Toàn thành phố hiện có 16 trường mầm non công lập với tổng số 140 lớp khối mầm non và 22 lớp khối nhà trẻ. Trong năm học 2015-2016, các trường mầm non công lập trên địa bàn thu hút được 4.709 em, chiếm gần 85% tổng số trẻ mẫu giáo trong độ tuổi và 3.210 em trong độ tuổi nhà trẻ. Đảm nhận việc giáo dục tại các trường hiện nay là 430 giáo viên với 389 người có định biên. Chất lượng giáo dục của các trường công lập từng bước được nâng lên. Đồng thời, công tác chăm sóc sức khỏe cho các em cũng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm còn 6,5%”.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là nội dung rất quan trọng ở các trường mầm non.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là nội dung rất quan trọng ở các trường mầm non.

Mặc dù tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt thấp nhưng hệ công lập lại vượt trội hơn tư thục khi có cả trường đạt chuẩn ở mức 2 đó là mầm non I (phường Nam Hà) và trong thời gian tới sẽ là Trường Mầm non Bình Hà (phường Nguyễn Du). Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ở một số trường địa bàn trung tâm thì cũng phải nhìn nhận một số trường tại các vùng ven thành phố chưa được quan tâm đầu tư về hạ tầng. Thực tế hiện nay, mỗi năm, ngân sách thành phố chi cho việc tu sửa tất cả các trường mầm non chỉ vào khoảng 1,7-2 tỷ đồng, chưa đảm bảo nguồn lực để cải thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các trường mầm non.

Sự phát triển của các trường mầm non tư thục đang đặt ra cho khối công lập bài toán không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín để cạnh tranh một cách lành mạnh. Ngay cả với Trường Mầm non Bình Hà vừa mới được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân sách của UBND tỉnh, thành phố với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng, quy mô 10 lớp học, dẫu có thể được xếp vào top đầu về cơ sở vật chất nhưng vẫn đang đứng trước thách thức không nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu.

Cô Bùi Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Hà cho biết: “Mặc dù công tác kêu gọi học sinh tạm thời thuận lợi với 280 em ở năm học trước và 340 em vào năm học này, tuy nhiên, phải khẳng định, do không quá thuận lợi về vị trí, hệ thống cây xanh nên trường vẫn chưa có sức hút với các bậc phụ huynh so với Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du chỉ cách đó khoảng 500m. Đó là chưa kể các trường tư thục khác cũng có vị trí khá gần với trường hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, trường sẽ khẳng định được chất lượng trong thời gian không xa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast