Cần cơ chế pháp luật rõ ràng để tránh oan sai từ giai đoạn điều tra

(Baohatinh.vn) - Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trên địa bàn Hà Tĩnh, sáng 14/1, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức họp Đoàn giám sát để thống nhất một số nội dung và tổ chức, triển khai hoạt động giám sát.

Cần cơ chế pháp luật rõ ràng để tránh oan sai từ giai đoạn điều tra ảnh 1

Từ 1/10/2011 đến 30/9/2014, TAND 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết 1.590/1.594 vụ sơ thẩm với 3.264/3.279 bị cáo; có 497 vụ, 797 bị cáo có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Số vụ án bị cấp phúc thẩm hủy để xét xử lại là 8 vụ, 13 bị cáo.

TAND tỉnh đình chỉ xét xử phúc thẩm 150 vụ, 235 bị cáo; y án 121 vụ, 191 bị cáo; án cải sửa 168 vụ, 258 bị cáo; hủy án 3 vụ, 6 bị cáo.

Trong 3 năm qua, TAND tỉnh Hà Tĩnh không có bản án, quyết định phúc thẩm nào bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; không có bản án quyết định phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.

Cần cơ chế pháp luật rõ ràng để tránh oan sai từ giai đoạn điều tra ảnh 2
Việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được trả tự do sau hơn 10 năm thụ án gây chấn động dư luận thời gian gần đây. Ảnh: SK&ĐS

Tại buổi làm việc, ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề pháp luật hình sự và tố tụng hình sự hiện nay thể hiện quyền tư pháp của tòa án còn hạn chế. Trong hoạt động xét xử, tòa án bị phụ thuộc vào giới hạn xét xử, không có thẩm quyền điều tra; nếu sau 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, viện kiểm sát vẫn chưa bổ sung đầy đủ, tòa phải đưa vụ án ra xét xử có thể dẫn đến oan, sai trong vụ án hình sự.

Quy định về phạm vi điều chỉnh ghi rõ đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án nhưng không quy định đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nên cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn khi công khai xin lỗi trên báo chí hoặc xác định mức thu nhập. Ngoài ra, quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường không sát với thực tế thi hành Luật; về thủ tục giải quyết bồi thường còn tồn tại nhiều hạn chế.

Để góp phần hạn chế oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng nhấn mạnh phải xác định rõ cơ sở phân định trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, trách nhiệm liên đới giữa cơ quan tiến hành tố tụng đã gây ra oan sai; thủ tục, trình tự giải quyết bồi thường thiệt hại phải đơn giản, rõ ràng, thuận tiền và nhanh chóng, phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính và tư pháp nhằm bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giảm thiểu tổn thất mà người bị oan, sai phải gánh chịu; cần có cơ chế chính sách pháp luật rõ ràng, minh bạch; tránh oan sai ngay từ giai đoạn điều tra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast