Bộ GTVT tiếp tục trình phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ cơ bản giải quyết được "mục tiêu kép".

Bộ GTVT tiếp tục trình phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ cơ bản được hoàn thành vào cuối năm 2021. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa có Tờ trình tới Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Giải quyết được “mục tiêu kép”

Theo đó, thực hiện ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã tiếp tục trình tới Quốc hội triển khai 3 dự án thành phần đầu tư công (gồm các đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội và 5 dự án thành phần theo hình thức PPP (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước (gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km).

Sau khi điều chỉnh, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam vào khoảng 100.816 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị là 67.923 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 15.435 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 7.781 tỷ đồng; chi phí dự phòng 8.354 tỷ đồng…

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải tính toán vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 78.461 tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí 55.000 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phần vốn còn thiếu khoảng 23.461 tỷ đồng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công). Với số vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng dự án và quy định của pháp luật.

“Việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ cơ bản giải quyết được ‘mục tiêu kép.’ Đó là vừa giải quyết được khó khăn, vướng mắc về huy động vốn tín dụng, tạo điều kiện giải ngân nhanh khối lượng vốn đầu tư công lớn, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng nhanh chi tiêu đầu tư, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào khai thác dự án phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Để chuẩn bị cho phương án chuyển đổi sang đầu tư công, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ động triển khai trước các thủ tục cần thiết, để ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư có thể hoàn thiện thủ tục và khởi công, giải ngân vốn đầu tư các gói thầu đầu tiên của các dự án chuyển đổi trong tháng 9/2020 và khởi công toàn bộ các gói thầu còn lại trong tháng 10-11/2020.

Theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, đến cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành và thông xe các dự án thành phần Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn; các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ hoàn thành cơ bản nền đường và các công trình trong năm 2021 (ngoại trừ một số công trình hầm và cầu lớn), phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022; riêng đối với cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất kỹ thuật phức tạp sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Sẽ ảnh hưởng doanh thu các trạm BOT quốc lộ 1

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần.

Thừa nhận việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công cũng có những hạn chế nhất định như sử dụng vốn đầu tư công nhiều hơn, phải bổ sung khoảng 23.461 tỷ đồng, Bộ trưởng Thể nhìn nhận việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ ảnh hưởng đến doanh thu các dự án trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành. Bởi, chủ các phương tiện sẽ lựa chọn đường cao tốc để lưu thông nếu không phải trả phí hoặc có thể tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm tiếp theo.

Bộ GTVT tiếp tục trình phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng doanh thu thu phí và phương án tài chính. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 3 dự án đầu tư công đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14).

“Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo,” người đứng đầu ngành giao thông cho hay.

Nhấn mạnh việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công cần bổ sung nhu cầu vốn (khoảng 7.350 tỷ đồng) trong kế hoạch năm 2020 để triển khai thi công công, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang bổ sung cho dự án, ứng trước dự toán ngân sách năm sau theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast