Kỳ thủ Lê Quang Liêm: Dấu ấn từ bản lĩnh

Tối 31/7 vừa qua, kỳ thủ Lê Quang Liêm đã hoàn tất chuỗi 10 trận bất bại tại giải cờ vua Siêu đại kiện tướng Dortmund (Đức) bằng trận hòa với kỳ thủ sinh năm 1994 - Anish Giri người Hà Lan sau 38 nước đi, qua đó bảo vệ thành công ngôi á quân. Một thành tích được xem là một kỳ tích bởi trước khi tham dự giải, giới chuyên môn đánh giá Quang Liêm lọt vào tốp 3 cũng là một thành công.

Những nước cờ không có cả trong... máy tính

Dù không quy tụ đầy đủ các kỳ thủ trong tốp 10 thế giới nhưng với những gương mặt góp mặt tại giải lần này, Siêu kiện tướng Dortmund được đánh giá là một trong những giải có chất lượng hàng đầu thế giới.

Điểm lại các gương mặt, Wladimir Kramnik (Nga, hạng 5 thế giới) chính là kỳ thủ được đánh giá cao nhất. 10 lần vô địch giải là một kỷ lục sẽ còn rất lâu mới có kỳ thủ khác vượt qua. ĐKVĐ Ruslan Ponomariov (Ukraina, hạng 10 thế giới) chính là đối thủ cạnh tranh ngôi vị á quân với Quang Liêm tại giải lần này. Chuyên gia cờ nhanh Nakamura (hạng 6 thế giới) là một trong những kỳ thủ xuất sắc nhất của Mỹ trong vòng 100 năm trở lại đây. Thần đồng Hà Lan Anish Giri (hạng 40 thế giới) từng sinh ra và lớn lên ở Nga nên được thừa hưởng những tố chất chơi cờ đặc biệt của người Nga. Cách đây 4 năm, anh trở thành Đại kiện tướng cờ vua trẻ nhất trong lịch sử thế giới.

Nếu nhận được sự quan tâm đầy đủ, Quang Liêm hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng lọt vào tốp 10 thế giới. Ảnh: V.V
Nếu nhận được sự quan tâm đầy đủ, Quang Liêm hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng lọt vào tốp 10 thế giới. Ảnh: V.V

Tham dự giải lần này với tư cách đương kim á quân và ĐKVĐ Aeroflot, Lê Quang Liêm (hạng 27 thế giới) đã khiến chính các đối thủ phải kính nể bởi bản lĩnh cũng như những nước cờ hiểm hóc của anh. Bước ngoặt của Quang Liêm chính là 2 lần cầm hòa với Kramnik (nâng lên 4 trận hòa trong 4 lần gặp nhau).

Ở trận đấu lượt đi với Kramnik, Quang Liêm đã không mắc một lỗi nào, dù là nhỏ nhất. Trong ván cờ này, Kramnik thấy mình đang bất lợi khi nguy cơ có thể là thua một tốt nên là mạnh dạn đánh chiến thuật hy sinh tượng để có một trận hòa trước Liêm. Ván đấu dù hòa nhưng trên thực tế, Quang Liêm được giới chuyên môn và người xem đánh giá là nhỉnh hơn.

So với giải năm ngoái, năm nay, Quang Liêm mạnh hơn hẳn về trình độ khai cuộc tốt và những nước cờ mang tính đột phá. Chẳng hạn như trận gặp Ponomariov ở lượt đi, khi trên đồng hồ còn 27 phút, Quang Liêm đã chơi một nước cờ khiến đối thủ phải mất tới 25 phút để nghĩ ra được cách đáp trả, nhưng cũng không chính xác, tạo ra ưu thế lớn cho Quang Liêm.

TTK Liên đoàn cờ VN Lương Trọng Minh nhận xét: “Quang Liêm có một khả năng chuyển quân, yếu tố rất quan trọng trong mỗi ván đấu, thật đáng kinh ngạc. Ngay cả các máy tính cũng chưa bao giờ đề cập tới những nước cờ mà Quang Liêm đã sử dụng tại giải lần này”.

Tấn công tốp 10 thế giới

Lê Quang Liêm: “Đây là giải đấu quy tụ rất nhiều đối thủ mạnh và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được học hỏi ở họ. Dù là đương kim á quân nhưng tôi cho rằng việc bảo vệ được vị trí này là một thành công lớn khi tôi chỉ được xếp làm hạt giống số 4 của giải”.

Từ vị trí tốp 80 thế giới, Quang Liêm đã có mặt trong tốp 30 hiện tại. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Quang Liêm hoàn toàn có thể tiến sâu hơn nữa, cụ thể là một vị trí trong tốp 10. Những kỳ thủ thường bước vào đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình thường phải bước qua tuổi 23 trở đi. Như vậy, Quang Liêm vẫn chưa tới giới hạn của mình và cơ hội để anh thăng tiến trên BXH là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa giấc mơ lọt vào tốp 10 lại không hề đơn giản. Tất cả phải đòi hỏi phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa Nhà nước và gia đình để Quang Liêm bứt phá mạnh mẽ.

Trong thời gian qua, ngoài những hỗ trợ có giới hạn của phía đơn vị chủ quản TPHCM, gia đình Liêm đều phải tự bỏ tiền túi để cho con có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, cọ xát. Như giải Siêu kiện tướng Dortmund vừa kết thúc, gia đình Liêm cho biết cũng phải tham dự với kinh phí tự túc. Đó là chưa kể, mong muốn có HLV ngoại kèm cặp riêng cũng không được đáp ứng.

Một quan chức của Liên đoàn cờ VN cho biết: “Chỉ cần gia đình Liêm có đề xuất, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho Liêm”. Tuy nhiên, ai cũng biết đây chỉ là lời nói để mà nói bởi cả môn cờ năm nay chỉ có ngân sách khoảng 80.000 USD thì lấy đâu ra những khoản tiền khổng lồ để thuê HLV ngoại. Cựu TTK Liên đoàn cờ Việt Nam Đặng Tất Thắng thừa nhận: “Liêm cần có một HLV ngoại giỏi hỗ trợ chuyên môn song khả năng kinh phí của bộ môn không cho phép. Chúng tôi đã đề xuất lên lãnh đạo Tổng cục TDTT xin tiền đầu tư cho Liêm đến cả nghìn lần, nhưng vẫn chưa được duyệt”.

Vậy là, trong nỗ lực tấn công tốp 10 thế giới thời gian tới của Quang Liêm, vai trò của ngành thể thao vẫn chỉ mang tính “động viên là chính”.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast