Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia: Không thể chậm trễ!

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thương hiệu gạo quốc gia theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương. Đến thời điểm này, đây là việc không thể trì hoãn.

Xây dựng thương hiệu giúp định vị hạt gạo Việt Nam
Xây dựng thương hiệu giúp định vị hạt gạo Việt Nam

Xuất khẩu gạo liên tục gặp khó

Trong những năm gần đây, tình hình xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam liên tục suy giảm mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu năm 2012, XK gạo tăng trưởng mạnh và đạt mức cao nhất với 7,7 triệu tấn, giá trị 3,45 tỷ USD thì bắt đầu sang năm 2013, XK gạo bắt đầu giảm dần cả về lượng và giá trị. Cụ thể, năm 2013, XK gạo đạt 6,6 triệu tấn, giá trị 2,95 tỷ USD và năm 2014 đạt 6,5 triệu tấn, trị giá 2,84 tỷ USD. XK gạo gặp khó được lý giải do bị cạnh tranh gay gắt với các nước cùng tập trung vào XK gạo như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn được cho là do gạo Việt chưa có thương hiệu.

Tình hình XK gạo của Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục được dự báo có nhiều khó khăn. Minh chứng là ngay từ tháng đầu năm 2015, XK gạo chỉ đạt 312 nghìn tấn, trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Chưa kể, khó khăn về thị trường cũng là trở ngại vô cùng lớn cho XK gạo khi mới đây, thị trường gạo số 1 của Việt Nam là Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan. Mexico cũng là thị trường có tiềm năng nhưng từ tháng 1/2015, nước này chính thức đánh thuế nhập khẩu (NK) gạo 20% và lúa 9% để bảo hộ sản xuất trong nước.

“Ngành sản xuất, XK gạo Việt Nam hiện bộc lộ nhiều bất cập. Bởi thứ nhất, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Thứ hai ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo nên giá gạo XK không ổn định” - VFA cho hay.

Xây dựng thương hiệu - không thể trì hoãn

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo chỉ có thể thực hiện nếu Việt Nam quan tâm ngay từ khâu giống. GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, giống lúa được chọn phải có đặc tính nổi bật mà nước khác không có, hoặc nước khác có nhưng mình làm tốt hơn. Người nông dân cũng phải nắm được quy trình trồng, từ dùng lượng hạt giống ra sao, bón phân loại nào, bón như thế nào… Lúa phải thu hoạch đúng lúc chín, rồi sấy ở thiết bị sấy đúng kỹ thuật, sau đó mang xay, đánh bóng, phân loại hạt và lấy gạo 100% hạt nguyên đi đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh khâu giống, mắt xích quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu gạo chính là DN. Ông Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng, khâu giống là đầu tiên, nhưng mắt xích quan trọng nhất là DN chứ không phải nhà nước hay người nông dân. DN phải chủ động tìm hiểu nhu cầu cụ thể của từng thị trường, từ đó đặt người nông dân trồng đúng loại lúa đó, giám sát việc trồng và đầu tư công nghệ xay xát, bảo quản sao cho ra được loại gạo chất lượng nhất.

Bộ Công Thương khẳng định, để phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới, các hoạt động xúc tiến thương mại là việc làm thường xuyên và cấp bách trong khoảng thời gian 3 - 5 năm tới. Do vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét dành nguồn kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng từ năm 2015 - 2020 dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường XK gạo.

Việc xây dựng thương hiệu gạo không thể “một sớm một chiều” là có thể thành công nhưng đã đến lúc các bộ, ngành cần vào cuộc để nhanh chóng định vị được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast