Tái cơ cấu ngành thủy sản: Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Đó là mục tiêu đặt ra trong lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS). Theo đó, thủy sản phải được tập trung phát triển theo hình thức thâm canh, công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định đối tượng nuôi

Đối tượng được ưu tiên số 1 để tập trung đầu tư phát triển trong NTTS của Hà Tĩnh thời gian tới là tôm. Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, tôm được khẳng định là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Nhờ nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát nên vài năm gần đây, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ sau vài vụ. Chỉ tính riêng năm 2014, trên địa bàn tỉnh có thêm 13 tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm trên cát; diện tích tăng gấp 2 lần so với năm 2013 (hơn 60 ha).

Tái cơ cấu ngành thủy sản: Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ảnh 1
Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương thu hoạch tôm.

Điều đáng phấn khởi là tất cả các cơ sở nuôi mới đều thành công về năng suất và sản lượng, tạo được niềm tin cho người nuôi. Mỗi cơ sở lãi từ 500-700 triệu đồng/ha, đặc biệt, có những cơ sở lãi 1-2 tỷ đồng/năm. Nuôi tôm trên ao đất thâm canh cũng phát triển khá, tăng 87 ha so với năm 2013.

Được xem là vật nuôi chủ lực của tỉnh, từ nay đến năm 2020, tôm sẽ được tập trung phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Theo đó, diện tích nuôi tôm sẽ phát triển thêm 1.000 ha vào năm 2020. Mỗi năm, phấn đấu nuôi tôm công nghệ cao trên cát từ 100-200 ha; chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh trên ao đất thành thâm canh, công nghiệp, công nghệ cao mỗi năm 50-100 ha và đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống đáp ứng 100% nhu cầu trên địa bàn... Mục tiêu đặt ra là tổng sản lượng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt 30.000 tấn, giá trị sản xuất trên 5.000 tỷ đồng.

Những đối tượng khác được lựa chọn là các loài cá có giá trị kinh tế cao như chẽm, bơn, mú, hồng mỹ, diêu hồng... nuôi bằng lồng bè trên sông, hồ chứa, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Đến năm 2020, sản lượng nuôi các đối tượng này đạt 6.000 tấn, giá trị sản xuất hơn 320 tỷ đồng.

Phát triển liên kết vùng

Tổ chức lại sản xuất theo phương châm doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành thủy sản. Phát triển liên kết sẽ tạo điều kiện cho các hộ nuôi lựa chọn được nguồn giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp và hỗ trợ về kỹ thuật, thị trường để cùng nhau phát triển. Do đó, cần phải tổ chức lại các cơ sở NTTS manh mún, nhỏ lẻ theo hình thức liên kết các hộ dân và doanh nghiệp thông qua các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp chủ đạo làm đầu kéo, liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, tư thương thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tổ chức phát triển sản xuất một số khâu trong chuỗi giá trị.

Theo ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giải pháp cốt lõi mà ngành quan tâm nhất vẫn là liên kết vùng trong sản xuất. Những năm tới, các vùng nuôi tập trung được liên kết với nhau thông qua các hiệp hội, hội nghề nghiệp... để liên kết với các doanh nghiệp mạnh, có uy tín, tạo nên khối lượng sản phẩm lớn, đồng nhất chất lượng, có sức cạnh tranh cao và ổn định. Các địa phương có diện tích nuôi tôm sẽ được chia thành 2 vùng liên kết. Trong đó, liên kết vùng giữa nuôi tập trung trong ao đất và liên kết giữa các vùng nuôi tôm trên cát.

Cụ thể, tại một số huyện có diện tích nuôi lớn như Nghi Xuân sẽ liên kết vùng nuôi tập trung ao đất giữa các xã Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội (có quy mô 500 ha, đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 205 tỷ đồng); liên kết giữa các vùng nuôi tôm trên cát tập trung tại các xã Xuân Yên, Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Liên, Cương Gián với tổng diện tích 197 ha. Huyện Cẩm Xuyên sẽ liên kết giữa các xã Cẩm Phúc, Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hưng với diện tích trên 120 ha thành vùng nuôi tập trung trong ao đất; liên kết giữa các vùng nuôi tôm trên cát tập trung tại các xã Cẩm Hòa, Cẩm Dương với tổng diện tích 342 ha theo quy hoạch...

Theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2015, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích ruộng trũng, ruộng muối, đất trồng rừng sản xuất kém hiệu quả sang đầu tư phát triển NTTS.

Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế (tôm và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao). Theo đó, hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất: đường giao thông, điện, hệ thống xử lý rác thải, cấp thoát nước, đê bao, cống chính cho các vùng nuôi tập trung, đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất theo hướng tập trung công nghiệp, tăng năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Trong đó, mở rộng nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao trong lồng bè, ao hồ và xây dựng được chuỗi liên kết với các đầu mối tiêu thụ.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast