Con gái người trồng mai

Nhà văn trẻ Hoàng Hiền
Nhà văn trẻ Hoàng Hiền

Mai cười khi làn gió thoảng qua lay lay những bông mai nở sớm, gió tình tứ vuốt ve những cánh mỏng mịn như sa tanh, âu yếm hôn lên vô vàn nụ mai be bé chờ ngày bung sắc và hơn hết là chờ người chủ thực sự đón mai về - họ mới là người trưng mai trước cửa, vắt lên mình mai những dây ruy băng đủ màu và những chiếc đèn nhấp nhánh… Hơn trăm gốc mai cha con Hạ đang chăm sóc chỉ đang tạm ngụ cư ở nơi này. Nơi sáng sáng ba cầm kìm tỉ mỉ tỉa những cành sâu, bứt từng chiếc lá và vắt tiếng thở dài qua đêm khi một cây mai cá biệt nở nghịch mùa.

Hạ từng nhiều lần nói với ba:

- Sao ba không đặt tên con là Xuân để mai ở lại với con một mùa? Ba đặt con tên Hạ hèn chi chỉ chăm mai nhà người ta!

Hạ chỉ nói thế thôi chứ nhiều lần Hạ cũng reo lên trong ngực khi đi ngang một ngôi nhà nào đó kịp thấy một dáng mai quen. Có lúc Hạ tưởng mai đang mơ màng thở dưới bàn tay vuốt ve của Hạ, có lúc Hạ nhắm mắt, bậm môi, khẽ rùng mình khi đôi tay lên gân bấm một nhánh mai mới nhú lên “phá tướng”.

Hạ không gọi mai là cây, Hạ gọi là mai, chỉ mai thôi. Như tên người yêu vậy, ba cười:

- Con gái lớn bằng nhường ấy, cứ theo ba bấm nhánh, tỉa cành thế này mai mốt bắp tay như lực sĩ đi thi thể hình giật giải hen? Không biết có ai rước đi không nữa? Không khéo ba phải nuôi, mai phải nuôi tới già!

Hạ ngúng nguẩy:

- Kệ con!

Đôi tay nàng lại múa trên những gốc mai như những dải lụa mơn man đến từng búp mai nho nhỏ nhưng có những đêm nằm trong buồng, nghe gió hào hển vỗ vào mái tôn vội vã Hạ cứ nghĩ đến lúc mình sẽ xa ba, xa mai. Hạ không biết làm sao ba bứt lá kịp mùa, làm sao một mình ba thay được chậu cho những gốc mai lớn khi đôi tay ba ngày càng run, khi đôi kính ba đeo cứ vô tình tăng độ…

Hạ bảo mai là kẻ bạc tình, nuôi cho lớn, chăm cho đẹp rồi Tết nhất vui vầy về ở với người ta bỏ lại ba con Hạ với mảnh vườn buồn hiu, trống đến nao lòng. Khi ấy nền đất vẫn còn in rõ những chân chậu to, chậu nhỏ như để lại những lỗ hổng của mảnh tim vườn và hơn hết là bỏ lại hai chiếc bóng đi ra đi vào đủ hình hài trên nền đất không có bóng mai chen. Những đêm ấy, ba ngồi ngật ngử trước hiên bảo: nghe mai nhớ vườn gửi hương về.

Những ngày giáp Tết, trời đêm đột nhiên oi ả, khu vườn nằm lọt thỏm ở cuối con ngõ vắng vùng ngoại ô. Hồi chiều có cơn giông đi ngang bẻ mất một số nụ mai tức tưởi. Đêm ấy ba lại mất ngủ, có lẽ chỉ để: canh cơn giông… Hạ lại nghe ba càm ràm:

- Con gái gì mà tết nhất đến nơi cứ ru rú ở nhà. Hay là đi dạy lại đi, học hai mươi mấy năm tính bỏ phí sao con?

- Con không bỏ!

- Thế chừng nào thì theo?

- Chừng nào ba hết trồng mai thuê, chừng nào ba lấy vợ.

- Lo cho thân bây đó, con gái có thì, ba già rồi, vợ con chi nữa. Bây nói thế má mày lại buồn.

Ba vừa nói vừa nhìn lên tấm ảnh trên nóc tủ, nơi má đang cười.

- Má lúc nào chẳng cười, ba đừng lo…

Ba lặng im, kéo một đợt ho cho đủ dài để nàng ngừng ngang câu nói. Câu chuyện giữa hai ba con vẫn thường kết thúc hẫng như thế. Hồi còn nhỏ Hạ hay hỏi ba tới cùng, cái gì cũng hỏi, ba lảng đi chỗ khác Hạ đi theo hỏi cho bằng được. Bây giờ lớn rồi, phải khác chứ!

Hạ trở mình thật khẽ, nghe ba nén một tiếng thở dài.

Qua đêm!

Hạ trở dậy sớm, bắc ấm nước sôi để lát nữa pha trà. Hạ biết thế nào hôm nay cũng có vài người ghé lại thăm mai vì cơn giông chiều qua. Ngoài vườn, những nụ non khe khẽ cong mình đón nắng, đêm đã khéo léo vuốt ve những nỗi đau rớm nhựa chiều qua. Một thứ mùi âm ẩm của những chất hoai mục và của mùi đất ẩm xông lên đầu rất hắc. Hạ khoanh tay trên gối nhìn củi nổ tanh tách nghĩ ngợi mông lung. Hạ tự hỏi khi ngắm những nụ mai bụ bẫm, những cánh mai nở vàng có ai nhớ đến ba con Hạ, có từng nghĩ mai đẹp vì có một phần cái mùi khó chịu đang ôm chặt lấy khu vườn kia? Hạ lại nhìn xuống đôi tay mình, ngày xưa cầm phấn, cầm bút nó cũng mềm mại, thanh thanh. Giờ thì không nhận ra nữa, mấu tay đã sần lên giống như gốc mai già, gân cũng nổi, chai tay cũng đã dầy, khiêng chậu không còn thấy đau, xách nước không còn thấy rát. Hạ giấu bàn tay vào trong lòng, củi bập bùng cháy men ra ngoài bếp. Hạ giật mình khi ba hỏi:

- Nước sôi chưa?

Thường hai mươi tháng chạp người ta đã đến nhận hoa, người tỏ vài lời ngợi khen khi thấy những nụ mai múp míp, có khi biếu cây thuốc chai rượu gọi là lì xì, lại có người dù thấy nụ nhiều, dáng đẹp vẫn dài môi ỏng eo. Hạ nghe mà bực mình, còn ba chỉ cười, làm dâu trăm họ đâu có dễ.

- Đã thế con khỏi lấy chồng, chẳng phải làm dâu nữa ba à.

Thế mà mỗi lần cầm thiệp mời của đám bạn Hạ lại mất ngủ, lại có cảm giác mình vừa bị phản bội, nhất là những người trước đây đã từng tán tỉnh Hạ dù Hạ chẳng có mảy may cảm tình với người ta.

Đến ngày cúng ông Táo, người ta sẽ nhận hết mai, ba con sẽ Hạ thảnh thơi sắm Tết, thảnh thơi mà buồn. Người ta thường than Tết qua mau, nghỉ Tết ít riêng ba con Hạ thấy Tết dài lê thê, buồn tay buồn chân lắm, gần hết tháng giêng người ta mới quay lại gửi mai. Khi ấy mai đã bung hết cánh, gần tàn. Việc đầu tiên và xót nhất là Hạ phải cắt hết bông, phải làm thế để thân cây không nuôi bông uổng phí mà tích nhựa sống cho mùa sau. Nàng xót nên gom hết những bông mai nở muộn ủ rượu mai cho ba. Để những đêm ba mươi ba ngồi trầm ngâm nghe hương mai thanh thanh trong chung rượu nhỏ chờ đến gần giao thừa ba đi ra ngõ đợi chuông đổ mười hai tiếng thì bước vào vườn tự xông đất nhà mình. Khi ấy thế nào ba cũng càm ràm không biết bao giờ mới có thằng rể xông đất cho ba…

***

Hai mươi tám Tết

Thấy ba cứ tần ngần mãi bên gốc mai cuối cùng. Hạ thắc thỏm:

- Người ta không đến nhận càng tốt, mình sẽ có mai trưng Tết ba à!

Nói vậy mà Hạ lại rơi vào tâm trạng khó tả, Hạ lại mong họ đến nhận mai để thấy cây mai năm ngoái đã được ba tạo dáng mới, họ sẽ hãnh diện trưng chậu mai trước nhà, mai ở nhà người ta còn có khách ra vào ngắm nghía chứ ba con Hạ có ai ghé thăm đâu... Hạ nhìn bên hông chậu thấy đề tên Bác Tâm. Ba Hạ thì cứ đi ra đi vào nói cách đây chừng gần tháng bác Tâm còn tới thăm mai. Ông ấy nghệ sĩ lắm, sao mà quên mai được, hay là có chuyện gì với bác ấy rồi.

Hạ nói cho có chuyện:

- Chắc bác ấy bận, mà còn hai ngày nữa mới đến Tết mà ba.

Chiều 30

Chậu mai vẫn ngơ ngác đứng ngóng ở góc sân, Hạ không biết nên buồn hay nên vui. Ba đã sắp xong mâm qủa trên bàn thờ má, ngồi ngó chênh chênh ra cổng buồn buồn.

Hạ ngồi bên cửa sổ nhìn khu vườn thấm dần bóng chiều, Hạ nói khẽ:

- Ba! Để mai chênh vênh một mình thế kia mãi, hay thôi cứ khiêng vào cửa ha ba?

Thấy ba ngó mình lom lom, Hạ lảng đi.

- Con nghĩ chắc sẽ mưa nên…

Ba ngắt lời:

- Ra phụ ba một tay.

Chậu mai vừa đặt ngay ngắn bên hiên thì có tiếng xe đậu xịch trước cổng, theo sau chiếc xe ấy là chiếc xe ba gác bành bành nhả những âm thanh khuyết thiếu. Ba vội vàng bước ra, không phải bác Tâm mà là một chàng trai trẻ, chẳng hiểu sao khi thấy anh ta ba quay lại nhìn Hạ khe khẽ cười.

- Cháu là Phan. Cháu…

- Cháu là con của bác Tâm phỏng?

- Dạ! Ba cháu mới được xuất viện chiều qua, lu bu quá nên giờ cháu mới tới được.

Ba Hạ lo lắng hỏi thăm liên hồi còn Hạ tần ngần đứng nhìn mai không nỡ dứt.

Ba Hạ xởi lởi.

- Muộn cũng đã muộn rồi, ngồi uống với bác chung rượu, gọi là tất niên cho bác vui…

Hạ đã mang ra bình rượu thứ hai mà Phan vẫn chưa chịu về. Ba lại còn huyên thuyên đủ thứ về Hạ, Hạ đứng bên vách nghe được mà đỏ mặt.

- Ba làm như con gái ba mất giá lắm không bằng.

Hạ cứ hậm hực mãi thế cho đến lúc phụ Phan đưa chậu mai lên chiếc xe ba gác, Hạ rút vội ngón tay rớm máu vì bị chậu đè. Rất tự nhiên Phan vội nắm lấy tay Hạ, nàng giật vội tay lại, chạy vào buồng rưng rức khóc…

Tiếng xe xa dần, Hạ nhìn mãi ra cửa sổ làm như ánh mắt biết níu lại… gốc mai. Ba Hạ đặt tay lên vai nàng.

- Sang năm, con đi dạy đi. Nếu không ba cũng dẹp hết, không chăm mai nữa.

Hạ lặng đi, ba coi đó như một cách vâng lời.

Màn đêm đã buông - đêm ba mươi đấy, có lẽ hơi qúa chén hồi chiều mà ba đã ngủ yên trong buồng. Hạ thì cứ ngồi mãi nơi chiếc ghế đá trong khu vườn trống, chẳng quan tâm đến cái lạnh đang thấm vào thịt da con gái… Nàng nghĩ gì chẳng rõ, chỉ thấy đối mắt đẹp và buồn nhìn mãi vào khoanh đất trống nơi gốc mai cuối cùng vừa trở về nhà. Nàng chỉ giật mình khi ánh đèn xe máy quét một vệt dài vào khu vườn. Nàng ngỡ ngàng khi Phan xuất hiện ở cổng với một chậu mai nho nhỏ. Anh chàng đưa tay vỗ vỗ lên trán nhìn nàng hóm hỉnh:

- Anh đã tìm từ chiều đến giờ, quả thật không có ai chăm mai khéo như em và ba.

Nàng đỏ mặt, tiếng nói nhẹ đi như một hơi thở:

- Anh cẩn thận quá, trễ lắm rồi mà.

Phan hỏi nhỏ:

- Tay em… còn đau không?

Đã lâu lắm ngoài ba không có ai hỏi Hạ những câu như thế, đột nhiên Hạ thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng, nàng định mím môi nói câu gì đó để tỏ ra cứng cỏi, rằng vết thương đó không nhằm nhò gì nhưng không thốt được thành lời. Hạ quay đi nơi khác, cố nhìn vào khoảng tối mênh mông… Phan đã đặt chậu mai trước cửa. Mai khe khẽ rung mình. Nàng đưa tay lên ngực chặn lại một cảm giác khó tả cứ dâng lên khi nàng nhìn Phan loay hoay sửa đi sửa lại chậu mai trước cửa, Phan quay lại bắt gặp ánh nhìn ấy anh khẽ mỉm cười ý chừng muốn hỏi: Anh đặt thế này được chưa?

Nàng thấy tay chân mình thừa thãi. Ba “cứu nguy” bằng một tràng ho dài. Phan đứng ở cửa nói vọng vào.

- Bác ơi! Con mới tới!

Đã lâu lắm, thời khắc chuyển giao của một năm nhà lại có ba người. Nàng nghe rõ tiếng chuông nhà thờ ở đâu vọng lại, cũng thời khắc ấy nàng quay sang nhìn ba khi Phan hỏi:

- Em có muốn đi xem pháo bông không?

Ngoài kia dường như đang có hàng trăm đôi tay vô hình so dây cho những bản đàn rạo rực, dịu dàng và ngây ngất.

Vừa lúc đó, xuân sang.

Hoàng Hiên

Nguồn: nhavantphcm

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast