Trời "xấu" làm khó sản xuất lạc xuân!

(Baohatinh.vn) - Thời vụ gieo trỉa lạc xuân đã chính thức khép lại (20 - 25/2), trong khi tiến độ gieo trỉa của toàn tỉnh chỉ mới đạt 85% kế hoạch. Những đợt rét kèm theo mưa phùn vẫn “ghé thăm” khiến đồng lạc bị ngâm nhão không thể xới xáo được. Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch gieo trỉa lạc xuân năm nay đang hiện hữu trong nỗi lo của bà con nông dân...

Nhiều địa phương đang "vắt chân lên cổ" chạy nước rút thời vụ gieo trỉa lạc xuân.
Nhiều địa phương đang "vắt chân lên cổ" chạy nước rút thời vụ gieo trỉa lạc xuân.

Bắt đầu xuống đồng làm lạc xuân từ 25/1, nhưng đến nay, toàn huyện Kỳ Anh mới chỉ gieo trỉa được 72% diện tích (kế hoạch 2.800 ha). Ngoài nguyên nhân tập quán sản xuất theo từng vùng thì khó khăn lớn nhất là thời tiết bất lợi. Ông Phan Công Toàn - Phó phòng Nông nghiệp Kỳ Anh cho biết: “Kế hoạch xuống giống lạc xuân của huyện chia làm 2 đợt, thường các xã vùng ngoài (Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Xuân) bắt đầu từ trước tết, còn những xã vùng trên (Kỳ Thượng, Kỳ Trung, Kỳ Sơn…) phải đến sau tết mới tiến hành làm đất. Tuy nhiên, 2 đợt rét sau Tết Nguyên đán kèm theo mưa phùn kéo dài khiến cho tiến độ làm đất bị kéo chậm. Không chỉ vậy, số lạc đã gieo trỉa từ đợt trước sinh trưởng kém do gặp rét”.

Kỳ Anh là địa phương có diện tích lạc đứng đầu toàn tỉnh (2.800/17.585 ha), ở những vùng có diện tích lớn, trung bình mỗi xã có thể đạt 200-300 ha. Nỗi lo không hoàn thành kế hoạch cây trồng chủ lực trong vụ xuân đang khiến bà con nông dân vùng đất lạc đứng ngồi không yên, tức tốc đổ dồn xuống đồng “chạy nước rút” trong mấy ngày qua. Thế nhưng, theo dự tính của phòng chuyên môn thì ít nhất phải 10 ngày nữa, Kỳ Anh mới hoàn thành gieo trỉa lạc xuân.

Cùng nằm trong “tốp” có diện tích lạc lớn nhất tỉnh, Thạch Hà cũng chỉ vừa “cán” mốc 75% kế hoạch với 1.600 ha. Từ khi ra tết, trời không có lấy đủ 1 tuần hửng nắng, những giồng đất cứ được cày xới kỹ lại bị ngâm nước mưa dầm, không thể gieo trỉa được. Nghỉ tay máy cày, uống vội ngụm nước, anh Nguyễn Quang Quyền (Thạch Lạc) cho biết: “Nhà tôi làm 4 sào, từ trong tết đến giờ, đồng lạc nhà tôi đã cày lại 2 lần rồi, thế mà, đến hôm nay, tôi mới gieo trỉa được vì đất còn ướt quá. Để đẩy nhanh tiến độ, cứ làm đất tới đâu gieo trỉa tới đó. Mong tuần tới sẽ thuận trời, nếu không, nhiều gia đình sẽ không hoàn thành diện tích”. Hôm chúng tôi đến, dù trời vẫn rắc mưa nhè nhẹ nhưng vẫn không làm mất đi không khí lao động khẩn trương, sôi nổi của bà con nông dân.

Tính đến thời điểm này, ngoài các địa phương có tập quán làm sớm lạc xuân như Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ và Nghi Xuân, Lộc Hà, thì hầu như các huyện còn lại đều đang nằm trong tình thế “vắt chân lên cổ” chạy thời vụ. Hiện, toàn tỉnh chỉ mới gieo trỉa xong hơn 14.000 ha với các loại giống chủ yếu: L14, L23.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì mặc dù thời tiết vụ xuân không mưa nhiều nhưng các đợt mưa kéo dài lại tập trung vào thời điểm xuống giống các cây trồng quan trọng (trong đó có lạc) và khoảng cách các đợt mưa ngắn nên ảnh hưởng đến thời vụ gieo trỉa cũng như quá trình sinh trưởng của cây. Quan trọng hơn, đó là tập quán ở một số địa phương vẫn thường làm muộn hơn so với kế hoạch của tỉnh, do đó, khó tránh khỏi bị động của thời tiết.

Dự báo thời tiết trong những ngày tiếp theo, Hà Tĩnh vẫn có mưa phùn và sương mù. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chạy nước rút cho đồng lạc vụ xuân. Ngoài việc tận dụng mọi thời gian thì tốt nhất bà con nông dân nên làm luống cao để tránh tích tụ nước ảnh hưởng đến việc nảy mầm của hạt giống; đồng thời tăng cường bón phân chuồng để tăng màu mỡ cho đất, tích lũy dinh dưỡng nuôi cây trong quá trình sinh trưởng về sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast