Sớm khắc phục nguồn nước ô nhiễm thạch tín

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê của cơ quan liên quan, nguồn nước ngầm của nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang nhiễm thạch tín (asen) khá cao. Thế nhưng, sự hiểu biết của người dân về chất độc này còn rất hạn chế. Bởi vậy, việc tìm giải pháp loại bỏ thạch tín ra khỏi nguồn nước đang trở nên cấp thiết...

Sớm khắc phục nguồn nước ô nhiễm thạch tín ảnh 1
Bộ lọc thạch tín lắp đặt thử nghiệm tại các gia đình trên địa bàn tỉnh được người dân đánh giá cao.

Hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép

Báo cáo quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh thực hiện năm 2008 cho thấy, mức độ ô nhiễm asen trong nước giếng khoan ở mức tương đối cao, vượt hàm lượng cho phép khi sử dụng ăn uống, tập trung ở các huyện: Đức Thọ, Lộc Hà, Hương Sơn và Nghi Xuân.

Mức độ ô nhiễm asen (hàm lượng asen lớn hơn 0,01 mg/l) ở các giếng khoan vượt ngưỡng cho phép khoảng 30% và khoảng 50-60% nguồn nước có sử dụng bể lọc. Tuy nhiên, khả năng xử lý của hệ thống lọc chỉ đạt khoảng 80%, như vậy, khoảng 20% nước sau lọc vẫn có hàm lượng asen trên ngưỡng cho phép.

Tỷ lệ mẫu nước ngầm sau xử lý lắng lọc chưa đạt tiêu chuẩn nước ăn uống ở mức 16,7% (Lộc Hà); 9,6% (Đức Thọ); 16,1% (Hương Sơn); 14% (Nghi Xuân). Đặc biệt, ở nhiều xã, tỷ lệ này trên 40% như: Thạch Bằng (Lộc Hà), Đức Vĩnh, (Đức Thọ)... Một số điểm cá biệt có nồng độ asen lên đến xấp xỉ 1 mg/l.

Hiện nay, người dân ở những khu vực này vẫn đang sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Điều đáng nói, nhiều người dân vẫn rất mù mờ về khái niệm và tác hại của thạch tín.

Tại thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng (Lộc Hà), hầu hết người dân ít biết về chất độc này. Anh Trần Công Quế chia sẻ: “Chúng tôi không biết thạch tín là gì nhưng nguồn nước ngầm đúng là đang có vấn đề. Nếu nhìn bằng mắt thường, nước vẫn rất trong và sạch, nhưng khi đun sôi, dưới đáy nồi thường lắng lại chất màu trắng (người dân hay gọi là cao vôi vì giống như vôi), còn nấu nước chè cũng đóng váng như màu gỉ sắt”.

Giải pháp khả thi

Thực tế cho thấy, việc loại bỏ asen ra khỏi nguồn nước là vấn đề cấp bách. Ông Nguyễn Huy Trọng - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) cho biết, đơn vị vừa phối hợp Viện Khoa học Vật liệu - Viện KH&CN Việt Nam triển khai đề tài khoa học “Hoàn thiện và triển khai thiết bị hấp phụ asen bằng vật liệu nano hệ Fe - Mn tại các hộ gia đình trong tỉnh Hà Tĩnh” (giai đoạn II). Mục đích nhằm triển khai thiết bị lọc asen trên địa bàn Hà Tĩnh và hướng dẫn sử dụng thiết bị lọc asen có hiệu quả, đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của asen.

Trước đó, trong khuôn khổ của đề tài “Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu nano dùng trong thiết bị hấp phụ asen và triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” (giai đoạn I), chúng tôi đã phối hợp lắp đặt một số bộ lọc asen cho các hộ, được người dân đánh giá cao và có nguyện vọng tiếp tục được cung cấp thêm. Đề tài này được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đánh giá xuất sắc, đồng thời, được đề nghị tiếp tục hoàn thiện, triển khai.

Ở giai đoạn I, các nhà khoa học đã triển khai lắp đặt 150 thiết bị hấp phụ thạch tín và đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm tại một số hộ thuộc các huyện Lộc Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân. Kết quả phân tích cho thấy, các thiết bị hoạt động tốt, nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Chi phí sản xuất các thiết bị không cao.

Tình hình ô nhiễm thạch tín đến mức báo động. Các cấp, ngành, doanh nghiệp cần sớm vào cuộc, sản xuất đại trà và đưa các thiết bị hấp phụ thạch tín đến người dân; đánh giá, khoanh vùng những nơi có nguồn nước ô nhiễm vượt mức cho phép, nâng cao hiểu biết của nhân dân về tác hại của thạch tín và phương pháp xử lý; quản lý, xử lý những điểm có mức độ ô nhiễm cao.

Theo Cục Y tế dự phòng, trong nước uống, asen là chất không mùi, không màu, không vị nên nếu không có phương tiện thử, người dân không thể biết. Sử dụng nước nhiễm asen trong thời gian dài có thể gây ung thư gan, da, phổi hoặc đái tháo đường, tim mạch, khuyết tật bẩm sinh.

Nếu uống nước có nồng độ asen 0,3 mg/l trở lên sẽ mắc các bệnh ung thư sau 3-4 năm. Phát hiện người nhiễm asen là việc rất khó do những triệu chứng chỉ xuất hiện sau 10-15 năm. Biểu hiện phổ biến nhất của tình trạng nhiễm độc asen là ngứa ngáy, mệt mỏi và thay đổi sắc tố da.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast