Việt Nam nghiên cứu làm thịt nhân tạo từ tế bào gốc

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh bước đầu nghiên cứu làm thịt nhân tạo, hướng đến nguồn thực phẩm tốt cho người ăn kiêng, ăn chay, mắc các bệnh như suy thận, gout...

Thông tin được PGS.TS Trần Lê Bảo Hà, Trưởng Phòng Thí nghiệm kỹ nghệ mô và vật liệu y sinh của trường, chia sẻ tại Hội nghị Tế bào gốc TP Hồ Chí Minh, ngày 9/12.

Nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào thực hiện khoảng hai năm nay, bằng cách sinh thiết miếng thịt bò và đưa vào phòng thí nghiệm để nuôi cấy. Bước đầu, nhóm đã tạo ra được giá đỡ bằng kỹ thuật in sinh học 3D, tạo được độ dai của miếng thịt.

“Đây chỉ là nghiên cứu bước đầu, rất sơ khởi, còn để nghiên cứu ra thịt nhân tạo thì phải qua rất nhiều bước, tốn nhiều kinh phí”, phó giáo sư Hà nói, đồng thời đặt vấn đề “có nên tiếp tục nghiên cứu hay không, liệu người Việt Nam có ủng hộ tiêu thụ thịt nhân tạo”.

Việt Nam nghiên cứu làm thịt nhân tạo từ tế bào gốc

PGS.TS Trần Lê Bảo Hà chia sẻ tại Hội nghị Tế bào gốc, ngày 9/12. Ảnh: Hồng Võ

Thịt nhân tạo là sản phẩm được tạo ra từ phòng thí nghiệm bằng cách nuôi cấy và nhân số lượng lớn các tế bào gốc có nguồn gốc từ chính động vật. Sau đó, những tế bào gốc này được biệt hóa thành các sợi cơ trưởng thành và giữ ở điều kiện phát triển thành mô cơ chuyên biệt. Chỉ cần sinh thiết một phần nhỏ từ động vật... cho vào phòng thí nghiệm để nuôi cấy thành thịt nhân tạo.

Do được nuôi trong phòng thí nghiệm nên môi trường nuôi sạch, không gây ô nhiễm môi trường và tạo ra thực phẩm sạch. Việc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm còn giúp điều chỉnh được hàm lượng các chất dinh dưỡng trong thịt nhân tạo như mong muốn. Với quy trình công nghệ, chất lượng thịt sẽ đảm bảo, nhanh hơn so với chăn nuôi truyền thống, đáp ứng được nhu cầu tăng cao khi dân số thế giới ngày càng tăng mà ngành công nghiệp sản xuất thịt tươi truyền thống có thể không đáp ứng được.

Sản phẩm từ thịt nhân tạo không phải từ việc giết động vật như những loại thịt nuôi nên sẽ là thực phẩm, là nguồn dinh dưỡng cho những người ăn chay. Ngoài ra, người nuôi còn có thể tạo ra những loại thịt nhân tạo với hàm lượng dinh dưỡng phù hợp những người bị mắc các bệnh như suy thận, bệnh gout...

Theo phó giáo sư Hà, ý tưởng đưa thịt nhân tạo vào bữa ăn của con người bắt đầu từ năm 1927. Trải qua nhiều nghiên cứu, đến năm 1997 thế giới đã có sản phẩm thịt nhân tạo từ cá. Sau đó, có nhiều nghiên cứu, bằng sáng chế tạo ra thịt nhân tạo từ heo, bò, hải sản, gia cầm... Gần đây, nhiều công ty kinh doanh về thịt nhân tạo đầu tư lớn cho công nghệ sản xuất thịt này.

Hiện, nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc... đã sản xuất được thịt nhân tạo. “Hy vọng trong tương lai, khi đi siêu thị tại Việt Nam, người dân có thể thấy hai gian hàng, một gian hàng thịt nhân tạo và một gian hàng thịt động vật để lựa chọn”, phó giáo sư Hà nói.

Theo PGS.TS.BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc là một lĩnh vực còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Đây được gọi là “phát hiện của thế kỷ” với rất nhiều ứng dụng hiệu quả vào y sinh học và thẩm mỹ.

Những năm qua, nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, một số loại ung thư như ung thư máu, các chứng bệnh về xương khớp... đã được ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công tại nhiều bệnh viện nước ta. Tế bào gốc cũng đã được ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam trong việc trẻ hóa da, chống lão hóa, nâng cao hệ miễn dịch phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ...

Theo Lê Phương/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast