Tỉnh thứ 7 của cả nước hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày này, ngành Giáo dục Hà Tĩnh lại có thêm niềm vui mới. Qua kiểm tra đối chiếu theo quy trình, tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã khẳng định Hà Tĩnh đủ các điều kiện được công nhận đạt chuẩn. Với kết quả này, Hà Tĩnh trở thành tỉnh thứ 7 của cả nước và là tỉnh đầu tiên của khu vực Trung bộ hoàn thành chương trình phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Đi qua những nốt trầm…

Dẫn chúng tôi thăm các phòng học, bếp ăn, khuôn viên sân trường, cô Nguyễn Thị Luyện - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Gia Hanh (Can Lộc) không giấu nổi niềm vui: “Có được cơ sở khang trang, khuôn viên xanh, sạch, đẹp như ngày hôm nay, ngoài bàn tay cần cù chăm sóc của đội ngũ giáo viên (GV) nhà trường còn có sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân trong việc đóng góp ngân sách để đầu tư cho bậc học đầu đời. Chất lượng nuôi dạy trẻ trên địa bàn nhờ đó ngày càng được cải thiện”.

Giờ vui chơi của các cháu trường Mầm non xã Sơn Trường (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình
Giờ vui chơi của các cháu trường Mầm non xã Sơn Trường (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình

Còn nhớ, năm 2010 trở về trước, bức tranh về GDMN ở Gia Hanh nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn còn nhuốm vẻ u buồn. Khi đó, bậc học này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều lớp học ở khu vực nông thôn còn gửi nhờ hội quán thôn, xóm và trong mắt của nhiều người, GV mầm non cũng chẳng khác người trông trẻ là mấy.

“Riêng ở Gia Hanh, 13 lớp học là 13 hội quán, việc học của các cháu không phụ thuộc vào giáo án hay lịch trình mà phụ thuộc vào hoạt động của thôn. Ví như hôm nay có cuộc họp xóm, hoặc tập văn nghệ, hoặc họp các tổ chức, đoàn thể… là các cháu lại phải nghỉ học. Sau mỗi cuộc họp ấy, ngoài việc dọn dẹp hội quán để phù hợp cho một lớp học, các cô lại tất bật nhặt nhạnh, gom góp một số đồ phế thải để làm và bổ sung vào số lượng đồ chơi nghèo nàn trong góc học tập của các cháu. Nghĩ lại đến giờ khóe mắt vẫn còn cay” - cô Nguyễn Thị Luyện chia sẻ.

Bậc học đầu đời ở vùng trà sơn, nơi có gần 50% đồng bào có đạo đã thực sự bước sang trang mới khi được chính quyền, giáo xứ và người dân địa phương quan tâm. Cùng với nguồn ngân sách của xã, mỗi người dân Gia Hanh tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng. Hơn 4 tỷ đồng được huy động để đầu tư vào các hạng mục xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bếp ăn đảm bảo 100% học sinh được bán trú đã làm nên cơ ngơi khang trang, sạch đẹp cho 2 cụm học. Đời sống của GV mầm non cũng bắt đầu qua những nốt trầm khi trường được chuyển sang công lập, có biên chế. Ngoài chế độ tiền lương theo quy định, các cô còn có thêm 70% lương từ chế độ của xã miền núi khó khăn. Sự quan tâm và chế độ đãi ngộ là nguồn động viên lớn để các cô cống hiến cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ.

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”

Trong chuyến làm việc vừa qua, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Vụ phó Vụ GDMN Lý Thị Hằng dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra tại 6 huyện: Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Vũ Quang và 12 xã, phường, thị trấn. Đoàn đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Hà Tĩnh trong việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt là vấn đề xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Số lượng GV cũng được đáp ứng đầy đủ, đạt chuẩn đào tạo 100%, việc thực hiện chế độ, chính sách cho GV tương đối đảm bảo, công tác xã hội hóa được thực hiện tốt. Đó cũng là những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng GDMN, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp hơn so với chuẩn đề ra và tạo điều kiện để 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, được ăn bán trú.

Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non Lý Thị Hằng: Hà Tĩnh đủ các điều kiện được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi
Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non Lý Thị Hằng: Hà Tĩnh đủ các điều kiện được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi

Chỉ trong 3 năm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, toàn tỉnh đã huy động hơn 3.000 tỷ đồng xây mới, sửa chữa và nâng cấp phòng học, phòng chức năng và mua sắm thiết bị tối thiểu, thiết bị làm quen tin học - ngoại ngữ, đồ chơi ngoài trời; bồi dưỡng GV và chi trả lương cho giáo viên mới vào biên chế và chế độ ăn trưa cho gần 9.000 học sinh lớp 5 tuổi thuộc các đối tượng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho trẻ 5 tuổi. Chỉ tính riêng tiền hỗ trợ các cô may đồng phục đứng lớp, tỉnh đã bỏ ra 1,3 tỷ đồng.

Cũng trong 3 năm gần đây, tỉnh đã chuyển đổi 210/267 trường mầm non bán công sang công lập, tuyển dụng gần 1.000 GV vào biên chế, 100% GV hợp đồng được hưởng lương theo thang bảng lương, được hưởng các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn. Dự kiến, đầu năm nay, tỉnh sẽ chuyển 55 trường bán công còn lại sang loại hình công lập. Với tư duy “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, nhiều địa phương đã dành đất, dành tiền, mua sắm thiết bị, đồ chơi cho các trường, quan tâm đời sống GV, tiêu biểu là TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Kỳ Anh, Thạch Hà… Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 trường mầm non đạt chuẩn, trong đó 2 trường đạt chuẩn mức độ II.

Công tác xã hội hóa giáo dục bậc học MN cũng thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Nhiều trường mầm non được xây dựng bằng tâm huyết của những người con xa quê và doanh nghiệp trong tỉnh. Nhiều bộ thiết bị, đồ chơi, đàn oóc-gan, quần áo ấm, chăn màn, sữa… của các cháu được các tổ chức, cá nhân tự nguyện mua sắm. Nhiều thực phẩm được chính phụ huynh mang đến từ vườn rau nhà mình…

Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ GD&ĐT về phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở Hà Tĩnh không chỉ mang lại niềm vui cho những người làm giáo dục mà còn là sự ghi nhận tâm huyết, công sức của các cấp chính quyền, của toàn dân ở một địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng đã không tiếc sức người, sức của đầu tư cho thế hệ măng non. Kết quả ấy cũng đã góp phần viết tiếp trang truyền thống của giáo dục Hà Tĩnh - một trong những địa phương luôn khẳng định mình ở tốp dẫn đầu của cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast