Nắm lạt tre của Bác

(Baohatinh.vn) - Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.

Từ cuộc vận động rộng lớn và sâu sắc, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, được toàn Đảng, toàn dân tích cực hưởng ứng.

Nhân đây, tôi xin kể lại một câu chuyện nhỏ trong tiết kiệm chi tiêu công quỹ của Bác Hồ.

nam lat tre cua bac

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm 1961.

Khi đang công tác ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị), tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp bằng phương pháp y học cổ truyền, trong đó có đồng chí Hồ Viết Thắng - nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực lúc bấy giờ.

Có lần, tôi hỏi anh Thắng: “Anh hay được gặp, làm việc với Bác, sao không thấy kể những mẩu chuyện về Bác Hồ”? Đồng chí Thắng nói: “Từ Việt Bắc về Hà Nội, mình nhiều lần được làm việc với Bác Hồ. Có lần, Bác gọi lên hỏi về tình hình lương thực vụ giáp hạt năm đó, dân no đói thế nào? Có đủ gạo bán cho dân không? Mình báo cáo với Bác, Bác rất vui. Nhìn trên bàn làm việc của Bác có một nắm lạt tre, mình nghĩ, chắc Bác để đập ruồi, nhưng nhìn lên tường đã thấy cái vỉ ruồi treo ở đó. Mình không dám hỏi Bác về nắm lạt tre trên bàn. Công việc xong xuôi, được Bác bắt tay ra về".

Lần thứ hai, Bác gọi vào hỏi vụ chiêm vừa qua thu hoạch thế nào, vừa báo cáo với Bác, mình vừa nhìn nắm lạt tre trên bàn. Xong việc, Bác nói: “Chú có vẻ thắc mắc về nắm lạt tre trên bàn làm việc của Bác, phải không?”. Mình trả lời: “Thưa Bác, cháu không hiểu”... Bác nói tiếp: “Hàng ngày, các báo gửi đến cho Bác đọc để góp ý kiến, đọc xong, Bác gói riêng từng loại báo để trả lại cho ban biên tập. Nếu lấy tiền ngân sách để mua lạt buộc thì tốn tiền của dân, trong Phủ Chủ tịch có bụi tre, Bác chặt mấy cành tre non chẻ nắm lạt, khi đọc xong, buộc lại để chú Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác) mang đi trả lại cho các báo”. Lúc đó, mình nghĩ bụng, Bác trăm công nghìn việc lớn, mà còn nghĩ đến và làm những việc như vậy, Người thật là vĩ đại.

nam lat tre cua bac

Học Bác bằng những việc làm dù nhỏ nhưng thiết thực, phụ nữ xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) nuôi lợn nhựa tiết kiệm góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Có lần đồng chí Vũ Kỳ nằm viện, tôi hỏi chuyện nắm lạt tre của Bác Hồ, đồng chí nói ngay: “Anh Hồ Viết Thắng kể chứ gì?” - Tôi trả lời: “Vâng”. Đồng chí Vũ Kỳ lại nói: “Hôm ấy, tôi có mặt”, rồi nói tiếp: “Một hôm, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác bảo chú cảnh vệ xuống nhà bếp mượn cho Bác cái dao, nếu có rựa thì tốt. Đồng chí cảnh vệ mang cây dao thái thịt ra, Bác bảo không được, lấy dao thái thịt chặt tre thì hỏng mất. Bác trực tiếp vào nhà bếp mượn chú cấp dưỡng cái dao chặt xương, rồi ba Bác cháu đi thẳng ra bụi tre trong Phủ Chủ tịch.

Đồng chí cảnh vệ hỏi: “Bác chặt gì để cháu chặt cho?”, Bác bảo: “Chú chặt cành tre non dưới thấp”. Thấy đồng chí cảnh vệ lúng túng, Bác lại cầm lấy dao từ tay chú cảnh vệ nói: “Chặt tre phải chặt xiên mới nhanh, nhất là tre đang non càng dễ chặt; còn chặt ngang thì lâu”. Rồi Bác cầm dao chặt cành tre, chia thành 2 khúc, rồi Bác chẻ lạt. Đồng chí cảnh vệ xin làm, Bác bảo: “Chú nhìn Bác làm một lần rồi lần sau chú làm giúp Bác”. Thấy Bác chẻ lạt, tôi và đồng chí cảnh vệ đứng nhìn lo lắng sợ Bác đứt tay thì khuyết điểm to, nhưng chẻ xong nắm lạt mà tay Bác không việc gì, hai chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, Bác bảo tôi cầm lạt về văn phòng, chú cảnh vệ mang dao trả cho nhà bếp. Bác ra chỗ tập thể dục”.

Đồng chí Vũ Kỳ nói tiếp: “Bác Hồ của chúng ta như vậy đó Hướng ạ”. Việc gì cũng biết, cũng làm được. Hồi ở Việt Bắc, Bác còn cuốc đất tăng gia, còn bày cho chúng tôi cách bón phân cho ngô, rau… Từ việc lớn đến việc nhỏ, cái gì Bác cũng biết trước, đi trước, làm trước. Có lần lãnh đạo Bộ Ngoại giao sang báo cáo tình hình thế giới, Bác bảo sự việc Bác biết rồi, chú chỉ nói cách giải quyết cho Bác biết thôi. Có lần đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an đến báo cáo với Bác về trật tự an ninh, Bác nói: “Chú nói việc này với Bác hơi chậm, Bác đã nắm được rồi”. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ngồi im lặng. Rồi Bác hỏi tiếp: “Chú đã giải quyết xong chưa, cho Bác biết ý kiến giải quyết của chú”…

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vĩ đại, trong sáng, là di sản văn hóa của Việt Nam, sẽ trường tồn với non sông, đất nước này. Tôi nghĩ rằng, không chỉ có thế hệ hôm nay học tập, làm theo tấm gương vĩ đại ấy để xây dựng và bảo vệ đất nước mà mãi mãi các thế hệ mai sau cũng phải học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast