Nhiều mặt hàng bắt đầu tăng giá

Trên thị trường Hà Tĩnh, bắt đầu từ đầu tháng 1-2010, nhiều mặt hàng đã tăng giá so với những tháng cuối năm 2009. Xu thế tăng giá này có nhiều nguyên nhân: Tăng giá do mùa tết; tăng giá do nguyên liệu nhập vào tăng, và tăng giá do những nguyên nhân khác.

Dẫn đầu và tăng đều, tăng mạnh nhất trên thị trường hiện nay là giá sữa. Từ ngày 1-1-2010, hầu hết các hãng sữa thông dụng đều lần lượt tăng giá. Nếu tính từ đầu năm 2009, đây là lần tăng giá sữa thứ 4 và đã đội giá tăng lên khoảng 25% so với đầu năm 2009. Một số hãng sữa chưa chính thức tăng nhưng cũng đã có thông báo cho các đại lý là sẽ tăng trong thời gian tới; thậm chí, có hãng thông báo sẽ tăng đến 19,6%.

Sữa là mặt hàng tăng giá mạnh nhất và Nhà nước vẫn chưa có chính sách gì để kiềm chế sự tăng giá vô lý của mặt hàng này.

Sữa là mặt hàng tăng giá mạnh nhất và Nhà nước vẫn chưa có chính sách gì để kiềm chế sự tăng giá vô lý của mặt hàng này.

Tại cửa hàng Thủy Hùng trên đường Xuân Diệu - TP Hà Tĩnh, sữa bột Dielac Diecerna HT 400g, giá nhập vào đã lên đến 75 ngàn đồng/hộp, tăng 7,6 ngàn; sữa bột Dielac Pedia HT 900g, tăng 12,8 ngàn đồng/hộp; sữa Gian can Hg 525 giá nhập vào 200 ngàn đồng/hộp, tăng 11,4 ngàn đồng. Sữa nước đậu nành Famy 200ml/hộp, tăng từ 125 lên 141 ngàn đồng/thùng 50 hộp; sữa Mè đen Vinasoy giá nhập vào 112 ngàn đồng/thùng 36 hộp...

Lý giải cho việc tăng giá này, các hãng sữa cho rằng, tăng giá sữa là do nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra tại một số công ty phân phối sữa ngoại trên thị trường Việt Nam cho thấy, giá sữa ngoại bán lẻ tại thị trường nước ta tăng cao gấp 2 lần giá vốn nhập vào. Thậm chí, sữa Nestlé Gau có loại nhập vào với giá 72.361 đồng nhưng được bán ra với giá 220 ngàn đồng!

Một số mặt hàng khác như bánh kẹo, bia, nước giải khát cũng bắt đầu tăng nhẹ và dự đoán sẽ tiếp tục tăng đến tết Nguyên đán. Bia lon Hà Nội (loại 24 lon/thùng) hiện có giá 195 ngàn đồng, tăng 10 ngàn so với năm ngoái; bánh Kinh Đô cũng tăng trung bình khoảng 5 ngàn/hộp; xã phòng Omo tăng khoảng 5-6% so với tháng trước...

Trong khi các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến, đường, sữa... tăng và tăng khá cao thì gạo nếp, thực phẩm tươi sống các loại chưa có biểu hiện tăng giá; các mặt hàng khác trên thị trường cơ bản cũng đang ổn định. Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến tết Nguyên đán Canh Dần, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tăng giá, trong đó, đường và sữa là hai mặt hàng có thể tăng khá cao.

Hiện các hãng sữa Cô gái Hà Lan, Fiso, Hancofood... tăng trung bình 10% ; sữa bột của hãng Abbott tăng ở mức 7%; các loại sữa nước, sữa tươi tăng 2-3%... Sau sữa, nhiều mặt hàng khác như dầu ăn, đường, bánh kẹo... cũng đã bắt đầu tăng giá. Dầu ăn Meizan đậu nành (loại chai 5 lít) giá những tháng cuối năm 2009 nhập vào chỉ 95 ngàn đồng/chai, nay tăng lên 119.500 ngàn đồng/chai; loại 1 lít, tăng từ 18 ngàn lên thành 25 ngàn đồng/chai. Dầu đậu nành Simply chai 1 lít có giá 30 ngàn đồng, tăng so với trước 5 ngàn đồng. Giá đường trắng hiện tại ở mức 18-19 ngàn đồng/kg, tăng khỏang 2 ngàn đồng so với tháng trước.

Riêng sữa, mặc dù tăng cao, thậm chí sữa ngoại bán ra cao gấp đôi lần giá nhập, nhưng Nhà nước cũng không thể điều chỉnh giá, vì theo quy định, sữa không phải là mặt hàng buộc đăng ký giá bán với cơ quan quản lý; mặt khác, mỗi lần tăng giá, các hãng sữa chỉ tăng khỏang 10%, trong khi đó, Pháp lệnh về giá quy định, chỉ khi mức tăng vượt quá 20% thì cơ quan chức năng mới có quyền can thiệp, yêu cầu hạ giá. Và, điều này cũng có nghĩa, người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục bỏ ra một khoản tiền vô lý cho việc mua sữa.

Mặc dù các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tăng giá nhưng chắc rằng, các mặt hàng thông dụng trong ngày tết sẽ không có sự tăng giá quá cao. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, ngày nay, người dân cũng không quá thiên về ăn uống mà thiên về vui chơi, giải trí trong các ngày tết là chính; thứ nữa, Sở Công thương đã đốc thúc các doanh nghiệp huy độn vốn mua hàng dự trữ để phục vụ nhân dân dịp tết và đến nay các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hoá lớn, tương đương giá trị 140 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, siêu thị Co.opMart ra đời tại TP Hà Tĩnh cũng góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, bản thân tại siêu thị đã có trên 20 ngàn mặt hàng, giá trị khoảng 20 tỷ đồng; và, Co.opMart gồm có hệ thống bán lẻ ở 41 tỉnh, thành phố với giá quy định nên các đơn vị khác cũng khó có thể bán được với giá cao hơn giá siêu thị...

Sở Công thương Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Phòng Công thương, UBND các địa phương, Chi cục quản lý thị trường... tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, không để các doanh nghiệp găm hàng, bán hàng quá cao, nhằm trục lợi trong dịp tết cổ truyền dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast