Vài điều về Hoa Tiên truyện & Mai đình mộng ký

(Baohatinh.vn) - Trong lịch sử văn học nước ta, truyện Nôm là một hiện tượng đặc biệt, có giá trị văn hóa hết sức to lớn, góp phần quan trọng làm nên nền văn học Việt Nam nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong số những tác giả đã có công lao, đóng góp lớn cho sự phát triển của văn học chữ Nôm, mà cụ thể là truyện thơ Nôm có Nguyễn Huy Tự với tác phẩm Hoa Tiên truyện và Nguyễn Huy Hổ với Mai đình mộng ký. Đây là hai tác giả khá đặc biệt. Họ là hai cha con, thuộc cự tộc họ Nguyễn Huy tại làng Trường Lưu.

vai dieu ve hoa tien truyen mai dinh mong ky

Nguyễn Huy Tự được biết đến là một người tài hoa, là con rể của Tiến sỹ Nguyễn Khản ở Tiên Điền, đỗ Hương cống năm 17 tuổi, sau được ban tiến triều ứng vụ, liệt ngang hàng Tiến sỹ, làm quan đến chức Đốc đồng, về sau có ra giúp nhà Tây Sơn nhưng ít lâu rồi mất. Nguyễn Huy Hổ là con thứ của Nguyễn Huy Tự với bà kế thất là Nguyễn Thị Đài, tinh thông văn chương, y lý, thiên văn, địa lý nhưng không đi thi. Mặc dù có cha từng giúp nhà Tây Sơn nhưng Nguyễn Huy Hổ vẫn được các đời vua triều Nguyễn sau này trọng dụng. Năm 40 tuổi, ông được vua Minh Mạng triệu vào kinh bốc thuốc chữa bệnh, đồng thời, cùng với các triều thần khác đi tìm thế đất tốt để nhà vua lo phần mộ an táng sau này.

Góp phần quan trọng tạo nên thành tựu của văn học Việt Nam trung đại, nhiều giá trị của Hoa Tiên và Mai đình mộng ký có ý nghĩa xã hội, văn hóa sâu sắc. Có thể coi đây là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử truyện Nôm Việt Nam, đặc biệt là với truyện Nôm bác học.

Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, việc nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống cũng như việc phổ biến hai tác phẩm này còn hạn chế, thậm chí có khi bị lãng quên. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng viết: “Đối với quần chúng đông đảo, Hoa Tiên ít được biết. Có lẽ một phần vì lời văn không đại chúng. Nhưng chưa chắc đó đã là lý do chính”. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh thì cho rằng: “Nguyên bản Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự thì từ lâu đã không được phổ biến rộng rãi, có thể là do tác gia không cho phép vì ông coi đây là “sự sai lầm” của mình”. Còn về Mai đình mộng ký, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã phải than thở: “Ai cũng biết Kiều, nhiều người biết Hoa Tiên. Đến như Mai đình mộng ký thì không mấy ai được đọc, trừ một số ít người ở La Sơn và Can Lộc. Một áng văn hay như vậy mà bị mai một trong gần trăm rưỡi năm, kể cũng hơi lạ! Chúng ta há không nên sửa lại sự bất công ấy hay sao”.

Sinh thời, Nguyễn Huy Tự không muốn nhiều người đọc tác phẩm của mình, còn trong phần kết Mai đình mộng ký, Nguyễn Huy Hổ đã gửi gắm tâm sự: Hoàn thiên tẩu bút một thơ/ Quê đâu chữa đó là nhờ tao nhân. Cả Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ đều đã gặp nhau ở cái đức khiêm tốn của người xưa và có lẽ cũng vì thế mà tác phẩm của hai ông chưa được công chúng biết đến rộng rãi, chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc. Và điều này đang là một trăn trở, nhiệm vụ đặt ra cho chính những người làm công tác nghiên cứu văn hóa tại địa phương, thậm chí với cả hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast