Bóng đá Việt Nam, cái gì cũng nhất

Cuộc tổng kết mùa giải 2011 tổ chức ở Hà Nội đã diễn ra trong bối cảnh nhiều người giờ đây không còn tự huyễn hoặc với nhau là giải đấu của chúng ta hấp dẫn nhất khu vực.

Trước đây, chúng ta đánh giá nó hấp dẫn nhất chỉ dựa vào vài yếu tố, rằng lượng khán giả đông nhất và có những ngôi sao Thái về đầu quân. Thực tế, lượng khán giả đông nhất ấy là một thành tích có công rất lớn của các giám sát trận đấu chứ không phải khán giả bởi các vị này thường phải đếm cả ngàn, cả vạn người chỉ trong vài tích tắc trước khi trèo lên chỗ ngồi của mình với biện pháp rất “tiện” là liếc mắt 4 phía khán đài xem có bao nhiêu người. Và việc các cầu thủ Thái tới chơi bóng, trong đó có Kiatisuk Senamuang thì giống như vụ cầu thủ người Cameroon Samuel Eto’o chuyển từ giải vô địch Italia đến Nga, chỉ đơn thuần là do tiền.

Sau chiến tích giành AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam tự nhận mình là đội tuyển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: VSI
Sau chiến tích giành AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam tự nhận mình là đội tuyển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: VSI

Việc nhận thức lại này mất cả một quá trình khi chúng ta mãi mới chịu chấp nhận thực tế là chưa có CLB nào của Việt Nam làm nên trò trống ở giải châu lục, và chúng ta thường thất bại khi phải đối đầu trực tiếp với các CLB của khu vực.

Sau chức vô địch Đông Nam Á 2008, chúng ta cũng tự nhận mình là đội tuyển mạnh nhất khu vực nhưng cũng tập thể đó đã thua thảm trước Philippines ở vòng bảng và thua tan nát trước Malaysia ở bán kết.

Ngay cả trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), một hệ thống tính toán khá cứng nhắc và ít tính thuyết phục, nhưng mỗi khi đội tuyển tăng bậc là lại được ca tụng ầm ĩ và coi như thước đo chuẩn mực, thì kể từ ngày tái hội nhập cách nay 2 thập niên, chúng ta chưa từng một lần đứng trên người Thái và thường bị Indonesia lẫn Singapore qua mặt.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến báo điện tử VnExpress, ông Falko Götz đã nhận được câu hỏi giống như sự khẳng định là đội tuyển U23 Việt Nam hiện đang có “những cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất Đông Nam Á”.

Câu hỏi đó khiến ông Götz nhận ra một điều là chúng ta rất thích mình là nhất và ông phải “chỉnh” lại rằng đúng là U23 Việt Nam hiện đang có những cầu thủ chạy cánh khéo léo nhưng nhất khu vực hay chưa thì phải chờ đến SEA Games mới biết.

Chúng ta cũng có vài cái nhất nhưng đều trên khía cạnh thiếu tích cực như chuyện có gần hai chục cầu thủ nhập tịch dù trong số đó rất nhiều người không quá xuất sắc và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa nhận được sự chấp thuận để đưa các cầu thủ dạng này khoác áo đội tuyển quốc gia, hay chúng ta đang chi trả một lượng tiền khổng lồ để chuyển nhượng các cầu thủ cả nội lẫn ngoại, tiếp tục chứng kiến một thị trường hầu như không chịu sự điều chỉnh của luật.

Có một điều được đề cập mà không cần có cuộc tổng kết là hầu như không có sự định hướng ở tầm vĩ mô để điều chỉnh thực tế gần chục năm qua V-League, danh hiệu vua phá lưới chỉ thuộc về cầu thủ ngoại. Trong khi ấy, 2 chân sút tạm chia nhau ngôi đầu danh hiệu này ở Thai League đều là những cầu thủ bản địa là Roonachai và Sarayoot, còn chân sút Leandro người Brazil phải đứng thứ ba.

Không còn đánh giá giải thành công tốt đẹp mới chỉ là sự thay đổi (mang tính gượng ép), và không còn tự huyễn hoặc bóng đá Việt Nam là nhất khu vực có thể giúp những người có trách nhiệm phải tỉnh ra.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast