Giải quyết thực trạng đất giao trái thẩm quyền: Gỡ trước, rối sau!

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6.153 hộ được giao đất không đúng thẩm quyền và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD). Thực trạng các tồn đọng giao đất không đúng thẩm quyền kéo dài từ năm này qua năm khác gây ra những ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát sinh trên tồn đọng cũ

Theo quy định của Luật đất đai, việc giao đất làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (thành phố, thị xã). Hàng năm trên địa bàn Hà Tĩnh, UBND cấp huyện đã giao đất làm nhà ở với mức bình quân cho 30-35 hộ/xã với số tiền sử dụng đất thu được chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách. Thời gian qua, ở một số địa phương do nhu cầu phát triển hạ tầng, xây dựng trụ sở nên UBND cấp xã đã giao đất làm nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân sai thẩm quyền và thu tiền sử dụng đất trái quy định, điều này đã làm thất thu ngân sách, nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt, người được giao đất không được giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật đất đai.

Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Võ Tá Đinh, việc giải quyết các tồn động do giao đất trái thẩm quyền đã được UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và Sở, ban ngành liên quan xử lý. Trước năm 2000, toàn tỉnh có 4619 hộ tồn đọng. Sau khi thực hiện số chỉ thị 30 của UBND tỉnh về việc tập trung giải quyết tồn đọng các trường hợp sử dụng đất được giao sai thẩm quyền, tỉnh đã giải quyết cho 2500 trường hợp đủ điều kiện (trong đó khu vực đô thị có 1115 hộ, khu vực nông thôn có 1345 hộ), còn 2119 hộ tại 92 xã chưa được giải quyết do chưa đảm bảo các điều kiện hoặc đang có vướng mắc.

Nhiều hộ gia đình được cấp đất ở tại khu vực phía nam cầu Bến Thủy đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có GCNQSD đất

Nhiều hộ gia đình được cấp đất ở tại khu vực phía nam cầu Bến Thủy đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có GCNQSD đất

Tuy nhiên, sau khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 84/2007/NĐ-CP, quy định cụ thể việc giải quyết cấp GCNQSD đất cho các trường hợp được cấp đất sai thẩm quyền thì các địa phương trên địa bàn đã căn bản giải quyết cho các trường hợp đủ điều kiện để được cấp GCNQSD. Riêng huyện Cẩm Xuyên đã cấp GCNQSD cho 1806 hộ tại 27/27 xã, thị trấn. Tưởng rằng việc giải quyết các tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền sẽ từng bước được giải quyết theo lộ trình và các quy định, hướng dẫn của Luật đất đai, nghị định của Chính phủ, song, trên thực tế, các địa phương chưa giải quyết tồn đọng một cách quyết liệt, dứt điểm và tình trạng giao đất, thu tiền đất trái thẩm quyền vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo số liệu báo cáo của 12 huyện, thành phố, thị xã đến 31/12/2011, trên địa bàn Hà Tĩnh có 6.153 hộ được giao đất không đúng thẩm quyền chưa được cấp GCNQSD đất tại 161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2004 trở về trước, tức là trước khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành. Một số địa phương có số lượng đất giao trái thẩm quyền cao như: Cẩm Xuyên ( 1368 hộ), Thạch Hà (917 hộ), Lộc Hà (783 hộ), Nghi Xuân (654 hộ)…

Nguyên nhân khiến cho việc giải quyết tồn đọng các trường hợp đất giao trái thẩm quyền không được thực hiện dứt điểm trước hết do chính quyền các cấp chưa chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai; khi giao đất xong thiếu trách nhiệm trong việc xử lý, lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSD đất, khi giao đất tại thực làm hình thức, không cụ thể, buông lỏng công tác quản lý nên để tình trạng các hộ sau khi được giao đất lấn chiếm sử dụng vượt diện tích được giao xẩy ra.

Thêm vào đó vai trò kiểm tra, hướng dẫn xử lý của các cơ quan chuyên môn còn hạn chế nên việc phát hiện, xử lý các tồn đọng chưa được kịp thời, nhất là việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, các nhân liên quan, vì vậy không những không giải quyết được các tồn đọng cũ mà còn để phát sinh thêm nhiều trường hợp giao đất trái thẩm quyền. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về giải quyêt tồn đọng đất sai thẩm quyền chậm được hướng dẫn, trong khi đó nội dung hướng dẫn chưa cụ thể, chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề đạt ra trong thực tiễn…

Cần có cơ chế, chính sách giải quyết thỏa đáng

Trong số những đơn vị có tình trạng tồn đọng đất giao trái thẩm quyền chưa được giải quyết trên địa bàn Nghi Xuân thì câu chuyện tháo gỡ những vướng mắc liên quan để giải quyết tồn đọng đất giao trái thầm quyền ở Thị trấn Xuân An không hề đơn giản. Theo ông Nguyễn Duy Khương – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, các trường giao đất trái thẩm quyền ở Xuân An chủ yếu được giao trong giai đoạn trước năm 1997, trong số 105 hộ được giao đất đất trái thẩm quyền có 56 hộ được giao trước ngày 15/10/1993 tại khu vực chân cầu Bến Thủy nhưng bị tạm đình chỉ do thay đổi quy hoạch, 26 hộ đã nộp tiền sử dụng đất nhưng có đất để bố trí, 10 hộ tự lấn chiếm và 24 hộ đang sử dụng đất và nhà ở trên đất của nhà máy đóng tàu Bến Thủy và công ty 473 trước đây để lại (do 2 đơn vị này không còn nhu cầu sử dụng đã trả lại đất và bán hóa tài sản trên đất cho các hộ sử dụng trong giai đoạn từ 1994-1997, hiện các hộ đã sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch). Đối với các trường hợp được giao đất không phù hợp với quy hoạch tại khu vực chân cầu Bến Thủy, UBND thị trấn đã thu thập hồ sơ, và đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân.

Tuy nhiên, theo ông Khương quá trình giải quyết các trường hợp tồn động của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những hộ gia đình đồng ý di dời, không phải bồi thường mà chỉ bố trí đất ở nơi khác thì quỹ đất của thị trấn lại không còn mà quy hoạch mới thì chưa được phê duyệt, thành ra không thể bố trí đất cho các trường hợp trên. Còn những hộ gia đình yêu cầu bồi thường (vì trước đó họ đã nộp tiền và có giấy thu) thì chúng tôi cũng không biết căn cứ vào đâu mà bồi thường vì giá trị đất đất những năm 90 của thế kỷ trước không còn phù hợp với mức giá hiện nay, nếu áp giá hiện hành thì thị trấn lấy đâu ra nguồn để đền bù cho bà con. Riêng các trường hợp sử dụng đất được giao trái thẩm quyền nhưng phù hợp với quy hoạch thì UBND thị trấn sẽ đề nghị UBND huyện cho xử lý, áp dụng theo các quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các hộ gia đình sớm có GCNQSD đất, để các hộ gia đình thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi về việc xử lý tồn đọng các trường hợp giao đất trái thẩm quyền trên địa bàn, trưởng phòng Tài nguyên môi trường các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc đều cho rằng, tình trạng tồn đọng các trường hợp cấp đất trái thẩm quyền khá lớn, lại liên qua đến các quy định của Luật đất đai, cơ chế tài chính vì vậy cần phải có cơ chế cụ thể, mang tính pháp lý cao để các địa phương có cơ sở thực thi vì vậy các huyện đang chỉ đạo các xã tổng hợp, thống kê tình trạng sử dụng đất sai thẩm quyền theo biểu bẫu của địa bàn mình, chờ có chính sách chỉ đạo, hướng dẫn của cấp tỉnh để giải quyết.

Rõ ràng, tình trạng giao đất cấp đất trái thẩm quyền trên địa bàn tỉnh ta đã tồn tại, kéo dài hàng chục năm, trong khi UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo các địa phương giải quyết triệt để thì chính quyền các địa phương đang loay hoay đi tìm phương án xử lý, hoặc chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Do đó nếu không sớm ban hành được chính sách hợp lý để xử lý dứt điểm tình trạng nói trên thì con số các hộ gia đình được giao đất trái thẩm quyền không chỉ dừng lại ở 6.153 trường hợp

Được biết hiện nay, Sở TN&MT Hà Tĩnh đang xây dựng phương án xử lý cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, các nhân được giao sai thẩm quyền trình UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, để nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý giải quyết tình trạng nêu trên, theo quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở Tài Nguyên và Môi trường cần tăng cường trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và giám sát của mình, cũng như cần có sự phối hợp với các sở, ngành liên quan tìm ra hướng giải quyết thấu đáo thực trạng đất giao trái thẩm quyền trong thời gian qua.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast