Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng

Công tác kiểm tra, giám sát là bộ phận quan trọng không thể tách rời trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực cầm quyền của Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân xã Xuân Thành (Nghi Xuân)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân xã Xuân Thành (Nghi Xuân)

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng và hạt nhân chính trị ở cơ sở, nối liền Đảng với nhân dân, trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào quần chúng, nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên nên luôn phải quan tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Trong những năm qua, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra ở cơ sở đã được quán triệt khá đầy đủ, kịp thời Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát nên đã có những bước chuyển biến rõ về nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng của từng địa phương, đơn vị và tiến hành thực hiện tương đối toàn diện theo quy định của Điều lệ Đảng; các cuộc kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng và xem xét thi hành kỷ luật đảng cơ bản đảm bảo nguyên tắc, thủ tục.

Tuy nhiên, qua tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 17 –NQ/TU, ngày 14/9/2004 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ luật của Đảng, có thể nhận thấy công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập chưa được khắc phục. Đó là: nhận thức, hiểu biết về công tác kiểm tra, giám sát, cả về đường lối, quan điểm, chủ trương và các hướng dẫn, nghiệp vụ nhìn chung còn đơn giản, sơ sài, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; có nơi còn buông lỏng, thậm chí không tiến hành công tác kiểm tra, giám sát hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên, chỉ làm theo từng vụ việc, cú nhát, chất lượng, hiệu quả thấp.

Cũng phải nói thêm rằng, ở cơ sở công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với mọi hoạt động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng bởi tình làng, nghĩa xóm, anh em, họ hàng, tình đồng chí, đồng nghiệp nên thường có tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh trong cán bộ được phân công nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và sự nặng nề, không chấp hành trong đối tượng được kiểm tra, giám sát. Điều đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Những hạn chế nói trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn không ít bất cập, nhất là trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngay tại cơ sở, cùng với việc tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức, các tổ chức cơ sở đảng cần phải đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bằng các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Thường xuyên tổ chức nghiên cứu, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng.

Hai là, tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng để các đảng ủy, chi ủy cơ sở, từng cấp ủy viên, chi ủy viên nắm vững và thực hiện tốt Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Ba là, các tổ chức đảng cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong giai đoạn này, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với trọng tâm là việc khắc phục, sửa chữa các vấn đề đã được kết luận qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; việc gương mẫu đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm đối với cán bộ, đảng viên. Kịp thời xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với đảng viên ngay tại cơ sở, tránh để dây dưa, kéo dài, vượt cấp.

Bốn là, phát huy vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra cơ sở trong tham mưu, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Lựa chọn và ưu tiên cán bộ có năng lực, có uy tín làm công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Những tổ chức cơ sở gặp khó khăn, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đảng bộ, chi bộ cơ sở tháo gỡ.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân nơi cán bộ, đảng viên cư trú đối với công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong việc tham gia giám sát cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở phải thường xuyên lắng nghe góp ý, phản ánh của nhân dân về tình hình cán bộ, đảng viên và tổ chức Ðảng, trong đó có dấu hiệu vi phạm để xem xét, giải quyết kịp thời.

UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast