Chú trọng công tác tuyên truyền về biển, đảo

Bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực hiện chủ trương của Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh, Trường Quân sự Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng.

Thượng tá Nguyễn Quốc Châu - Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự tỉnh cho biết: “Sau khi có kế hoạch, nhà trường đã tập trung nghiên cứu các tài liệu tuyên truyền về biển đảo. Tuy nhiên, do hạn chế về tài liệu, nên chúng tôi phải mất khá nhiều công sức để tìm kiếm và hoàn thiện chuyên đề dưới dạng đề tài tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và đã được Ban Giám hiệu nhà trường, Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh thông qua và đánh giá cao về chất lượng của đề tài, phù hợp để đưa vào tuyên truyền, giáo dục về quyền, chủ quyền biển đảo cho các đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh”.

Đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam kiểm tra công tác xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo tại Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Toàn
Đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam kiểm tra công tác xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo tại Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Toàn

Trường đã mở nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức về QPAN, đặc biệt chú trọng chuyên đề về tuyên truyền biển, đảo. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, nội dung, chương trình bài giảng được các giáo viên (GV) minh họa bằng sơ đồ hoặc hình ảnh cụ thể, do vậy, học viên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Những vấn đề cơ bản về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết cơ bản những vấn đề về biên giới, biển đảo cũng như chức năng, nhiệm vụ và phạm vi phụ trách của các lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo cũng đã được quán triệt một cách sâu sắc đến các học viên.

Bắt đầu từ quý II/2013, Trường Quân sự tỉnh đã lồng ghép chuyên đề chủ quyền biển đảo vào nội dung bồi dưỡng kiến thức QPAN cho 1 lớp cán bộ thuộc đối tượng 2 (khóa 58) gồm 61 người; 6 lớp đối tượng 3 (khóa 54-59) gồm: 689 người; mở 26 lớp bồi dưỡng với hơn 1.500 học sinh, sinh viên (HSSV) các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tham gia; bồi dưỡng đối tượng 4, 5 cho cán bộ công tác tại các cơ quan, phường, xã ở các địa phương như Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh được 15 lớp gồm 1.100 người tham gia…

Thạc sỹ Biện Văn Quyền - Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, 2 trường đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong công tác tuyên truyền giáo dục QPAN, qua đó, các SV được tiếp xúc với những tài liệu, chứng cứ lịch sử để khẳng định quyền và chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các buổi học này đã giúp SV hiểu rõ hơn về vai trò của thanh niên, SV Việt Nam trong nhận thức của mình về biển đảo.

Phút thư giãn của người lính đảo. Ảnh: P.V
Phút thư giãn của người lính đảo. Ảnh: P.V

Cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nhà trường chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, GV, tuyên truyền viên nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo công tác tuyên truyền biển đảo, nhất là những vấn đề cơ bản của “Công ước quốc tế về Luật biển 1982”, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Đồng thời, bồi dưỡng phương pháp sư phạm, nâng cao kỹ năng báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, gắn với tuyên truyền về biển, đảo.

Bên cạnh đó, Trường còn tham mưu làm tốt việc phát triển kinh tế gắn với củng cố QPAN trên biển, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với thực hiện nhiệm vụ QPAN; tham mưu cho tỉnh thành lập lực lượng dân quân tự vệ biển, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhất là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong việc huy động lực lượng, phương tiện thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Đại tá Hồ Sỹ Thu - Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh cho biết: “Trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện các tư liệu, bằng chứng để càng ngày càng có tư liệu mới nhằm khẳng định quyền, chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ, GV có kinh nghiệm để trang bị đầy đủ nhất về lĩnh vực này cho các đối tượng và tiến tới sẽ có những hình ảnh thiết thực, những bản đồ nhỏ, sơ đồ nhỏ để cấp phát cho các đối tượng làm cẩm nang, góp phần trang bị kiến thức tối đa để các đối tượng làm tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho quần chúng nhân dân hiểu”.

Chú trọng trong công tác tuyên truyền biển, đảo sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và QPAN, góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền, vai trò của biển, đảo, khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Qua đó, làm cho các hoạt động hướng về biển, đảo có ý nghĩa sâu rộng, hiệu quả và thiết thực hơn.

Ông Trần Hậu Tám - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo

Gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn ra phức tạp. Do đó, việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền và chủ quyền biển đảo Việt Nam cho LLVT và toàn thể nhân dân càng có ý nghĩa quan trọng. Theo tôi, cần tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam, bảo vệ tài nguyên môi trường trên biển, truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo của các thế hệ cha anh đi trước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của LLVT và nhân dân ta hiện nay. Đồng thời, phải làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về việc giải quyết tranh chấp biển đảo trên phương diện hòa bình, hữu nghị theo đúng Luật biển và luật pháp quốc tế.

Phương pháp tuyên truyền cần phải linh hoạt, có tính sáng tạo. Ngoài thông tin trên các phương tiện truyền thông, cần tăng cường thông báo thời sự chuyên đề cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, LLVT, CCB, các hội viên, đoàn viên, HSSV... tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu gặp gỡ liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Sinh viên Nguyễn Thị Dung - Trường Đại học Hà Tĩnh: Những buổi học ngoại khóa về biển đảo có ý nghĩa rất quan trọng

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có biển đảo là trách nhiệm của mọi người, đặc biệt thế hệ trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN mới đây, chúng tôi đã tiếp thu và hiểu rõ các chính sách, chủ trương, đường lối của Nhà nước ta về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta nên tổ chức thêm những buổi học ngoại khóa về biển đảo trong nhà trường và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thanh thiếu niên, HSSV. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu một cách sâu sắc và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast