Thôn “Tiên phong”

Không phải tự nhiên tôi lại gọi thôn Hoàng Hoa (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) với một cái tên khác như thế. Là vì, về thị trấn Thiên Cầm, hỏi bất cứ phong trào gì của thị trấn người ta cũng chỉ về thôn Hoàng Hoa. Nào là xây dựng khối đại đoàn kết, thực hiện chuyển đổi ruộng đất, phát triển mô hình kinh tế, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ...

Cách UBND thị trấn khoảng 3 km về hướng Tây Nam, thôn Hoàng Hoa nằm yên ả giữa những cánh đồng. Vừa đặt chân tới thôn, chúng tôi đã cảm nhận được vẻ thanh bình và ấm áp của một vùng quê trù phú. Những vườn cây xanh mướt, hoa trái sum suê; từng đàn lợn ủn ủn trong chuồng…Và con người thì chăm chỉ, hiền lành, mến khách.

Vườn chuối của thôn trưởng Nguyễn Văn Trường

Trong ngôi nhà khang trang, thôn trưởng Nguyễn Văn Trường kể cho tôi nghe về câu chuyện của thôn. Cách đây khoảng 5, 7 năm về trước, thôn còn nghèo lắm. Người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào đồng ruộng, độc canh cây lúa. Nhiều nhà chưa đủ lúa để ăn. Cả làng còn trên 40% hộ nghèo. May nhờ… UBND thị trấn đã đưa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về XĐGN, XNTTDN, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi ruộng đất… về thôn. Từ đó, như gió xuân về đất nở hoa. Các chủ trương, chính sách từng bước được đưa vào cuộc sống người dân. Bắt đầu từ cải tạo vườn tạp. Ông thôn trưởng và Bí thư Chi bộ thôn là những người tiên phong thực hiện chủ trương này. Vườn ông thôn trưởng có khoảng 3 sào, 2/3 ông trông chuối lấy quả, còn 1/3 ông thâm canh đủ loại, hết rau đến đậu, bầu… theo vòng quay “mùa nào rau nấy”.

Ông tính sơ qua cho tôi nghe. Vườn chuối, mỗi tháng cho thu nhập 2 lần vào ngày rằm và mồng một; có những phiên chợ mang về tới 1,5 triệu đồng. Còn rau, ngoài phục vụ gia đình và chăn nuôi, cũng cho thu nhập khá. Riêng bù rợ, mùa vừa rồi chỉ hái đọt bán đã cho tới 3 triệu đồng… Thu nhập từ vườn, mỗi năm cho gia đình ông từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi lợn và làm ruộng. Hai đứa con trai của ông đi xuất khẩu lao động mỗi năm gửi về gần 1 tỷ đồng.

Mô hình kinh tế “tiên phong” của ông Bí thư Nguyễn Hồng Mạnh lại khai thác một lợi thế khác. Ông Mạnh tập trung cho vườn ươm và chăn nuôi. Chuồng của ông lúc nào cũng có trên dưới chục con lợn, trong đó có vài con lợn nái; ít con bò. Còn vườn ươm, ông làm không đủ bán vì nhu cầu mua khá lớn. Ông bà còn làm thêm hơn mẫu ruộng. Ông Mạnh cho biết: “Làm kinh tế tổng hợp, cái này nó hỗ trợ được cái kia nên chúng tôi có thể tận dụng được mọi nguồn lợi. Mỗi năm, ít nhất, chúng tôi cũng thu được từ 30 đến 40 triệu đồng”.

Riêng vườn ươn này, cho anh Nguyễn Khắc Văn thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm

Từ những mô hình kinh tế “tiên phong” ấy, dần dần đã được nhân rộng ra toàn thôn. Đến nay, hầu hết thôn Hoàng Hoa nhà nào cũng biết khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai để làm kinh tế với đa dạng loại hình. Người già làm theo cách già, người trẻ làm theo sức trẻ. Ông bà Nguyễn Văn Phước đã hơn 80 tuổi, nuôi một đứa cháu tàn tật. Hai ông bà suốt ngày chăm sóc khu vườn chuối, cam, rau, vừa đảm bảo được kinh tế, vừa có điều kiện để trông coi cháu. Còn anh Nguyễn Khắc Văn (còn trẻ) nên anh “vươn” dài hơn. Anh vừa ươm cây, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vừa làm lúa, lạc… cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Anh Văn chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây đều phát huy tiềm năng sẵn có, biết gầy giống, từ ít chuyển sang nhiều nên vấn đề về vốn đầu tư không mấy quan tâm. Nhà tôi cũng đã đi lên như thế. Giờ thì … ai cần tiền chúng tôi đã có cho vay, rất vô tư, không lấy lãi”.

Thôn trưởng Nguyễn Văn Trường phấn khởi: Ngoài phát triển kinh tế tại địa phương, thôn còn có một nguồn thu ngoại tệ khá lớn. Hiện, thôn có gần 30 con em đi lao động tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thu về bình quân hàng năm 200 triệu đồng/lao động. Giờ thôn chỉ còn 9,7% hộ nghèo, là các hộ gia đình neo đơn, ông bà già yếu. Điều đáng mừng là người dân ở đây không chỉ biết tập trung phát triển kinh tế mà luôn tiên phong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Về việc chuyển đổi ruộng đất, đến nay, thôn đã hoàn thành giai đoạn 2, dồn 450 thưở lại còn 200 thưở. Đường ra đồng chạy được xe cơ giới. Đặc biệt, người dân đều nhận thức được sâu sắc về vấn đề dân số và phát triển. Từ năm 2005 đến nay, thôn không có người sinh con thứ ba trở lên. Lòng dân luôn đồng thuận xây dựng thôn và giúp đỡ lẫn nhau. Vừa rồi, bà con nhân dân và anh em, họ hàng quyên góp hơn 80 triệu đồng và ngày công xây dựng nhà mới, xoá NTTDN cho 2 đối tượng hộ nghèo là bà Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Thị Thu. Hiện thôn không còn nhà TTDN nữa. 100% đường giao thông nông thôn cũng đã được phủ kín pêtông…

Tạm biệt thôn Hoàng Hoa khi nắng còn gắt lửa nhưng lòng tôi thấy dịu mát lạ thường. Và tôi, muốn được chuyển bức thông điệp từ thôn Hoàng Hoa tới mọi người: : Hãy gieo những “ngọn gió xuân” từ bàn tay, khối óc để cho đất nở hoa; để có thêm nhiều làng quê trù phú và thanh bình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast