Hương Khê phòng chống đói rét cho gia súc

(Baohatinh.vn) - Rét đậm, rét hại ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi, nhất là tại các địa phương vùng núi. Huyện Hương Khê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật các hộ chăn nuôi, chủ động phòng chống đói, rét

Khắc phục tình trạng thả rông gia súc

Huyện Hương Khê hiện có hơn 27.000 con trâu, bò và vài nghìn con hươu, dê, chủ yếu tập trung tại các xã miền núi như: Hương Lâm, Hương Liên, Hương Trạch, Phúc Trạch, Hòa Hải, Phú Gia… Người dân nơi đây thường có thói quen chăn thả trong rừng, do đó, nguy cơ trâu, bò chết do rét và dịch bệnh rất cao. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 30% trâu, bò thả trong rừng; trong đó, Hòa Hải, Hương Lâm, Hương Liên… có 100%. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Hương Khê chủ động triển khai nhiều biện pháp, hướng dẫn các hộ dân phòng chống đói, rét, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, đặc biệt khi nhiệt độ xuống thấp, phải “lùa” trâu, bò về nhà để chăm sóc, giữ ấm.

Hương Khê phòng chống đói rét cho gia súc ảnh 1

Hương Khê tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Gia đình ông Đinh Văn Truyền (xóm 3, xã Hương Lâm) có 3 con trâu thường xuyên thả trong rừng. Khi đài báo rét đậm, rét hại, ông đã huy động anh em lên rừng đưa trâu về. Ông Truyền cho biết: “Trước đây, tôi chưa nắm được thông tin nên để trâu, bò ở trên núi. Tìm không được thì cứ tưởng bị mất trộm, hoặc đi lạc chứ ít khi nghĩ bị chết rét. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền, qua đài, báo, đặc biệt là loa truyền thanh của xóm, chúng tôi nắm được diễn biến của thời tiết và nguy cơ gia súc có thể bị chết đói, chết rét. Do đó, khi có thông tin là gia đình lên rừng đưa trâu về chuồng trại, che chắn, giữ ấm và cho ăn thêm thức ăn giàu chất dinh dưỡng”.

Ông Nguyễn Minh Long - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết, Hương Khê là huyện miền núi có diện tích khá rộng nên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Trước đây, người dân thường chủ quan, lơ là trong việc phòng tránh rét cho gia súc, thường xuyên thả rông trong rừng; không chủ động dự trữ thức ăn khi cần thiết nên nhiều gia súc bị chết đói, chết rét. Năm nay, ngay từ đầu mùa đông, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phòng chống đói, rét cho gia súc.

Cùng với đó, Phòng NN&PTNT phối hợp trung tâm cử cán bộ xuống tận các địa phương kiểm tra, giám sát và hướng dẫn bà con các biện pháp cụ thể phòng chống rét đối với cây trồng, vật nuôi. Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các địa phương đã hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo đủ ấm cho gia súc. Đối với các xã giáp ranh với rừng núi, yêu cầu các hộ dân không thả rông trâu, bò, nhất là vào những ngày nhiệt độ dưới 120C; đồng thời, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin, cho uống nước ấm để tăng cường sức khỏe cho gia súc. Những con già, yếu, người dân cần có kế hoạch nuôi vỗ béo để bán, hoặc có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Tăng cường dinh dưỡng

Song song với việc đưa gia súc thả rông trong rừng về chăm sóc, huyện Hương Khê đã triển khai tiêm phòng định kỳ phòng chống các loại dịch bệnh. Đặc biệt, chú trọng việc trồng cỏ, dự trữ thức ăn, tăng cường thức ăn tinh để bổ sung dinh dưỡng, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi trong mùa rét. Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên - Nguyễn Văn Hưng cho biết, xã hiện có khoảng 2.000 con trâu, bò; hộ nuôi ít nhất cũng 1-2 con, hộ nhiều 7-10 con. Để đảm bảo thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt là vào mùa đông, chính quyền xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng ngô, cỏ, dự trữ rơm khô. Được biết, ở Lộc Yên, các hộ chăn nuôi đều trồng vài ba sào cỏ voi, cỏ sữa, ngô đông để làm thức ăn cho gia súc. Riêng vụ đông năm nay, theo thống kê, toàn xã trồng khoảng 7 ha cỏ voi, cỏ sữa; gần 20 ha ngô đông.

Tính đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã có 150 ha ngô và trồng thêm các loại cỏ. Các địa phương đã chủ động giám sát tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi có biểu hiện suy kiệt do đói, rét, dịch bệnh. Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là gia súc, gia cầm được người dân mua về làm giống, nhằm phát hiện dịch sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả. Tại các khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, cơ sở giết mổ, chế biến và chợ buôn bán gia súc, gia cầm đều được tiêu độc, khử trùng nhằm làm sạch môi trường, giảm mầm bệnh phát sinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast