Ngăn chặn nạn đưa người đi nước ngoài trái phép: Cần giải pháp đồng bộ

(Baohatinh.vn) - Liên tục thời gian gần đây, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cần giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.

“Nóng” tình trạng đưa người trốn đi nước ngoài

Chúng tôi có mặt tại Công an TX Hồng Lĩnh khi lực lượng Công an Hà Tĩnh vừa phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Sỹ Đức (SN 1992, ở xã Phú Lộc, Can Lộc) về hành vi tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép. Theo lời khai của Nguyễn Sỹ Đức, do có thời gian lao động tại Thái Lan, Malaysia nên y có quen một số đối tượng bên nước bạn. Khi về địa phương, Đức đã tổ chức đưa người sang Malaysia lao động với lệ phí 7-8 triệu đồng/người. Trong số tài liệu liên quan mà lực lượng công an thu giữ, có rất nhiều thông tin về việc đưa lao động sang Malaysia bằng đường hàng không và đường bộ, kèm theo số điện thoại ở Thái Lan và Malaysia.

Ngăn chặn nạn đưa người đi nước ngoài trái phép: Cần giải pháp đồng bộ ảnh 1

4 đối tượng ở Kỳ Anh đưa 58 người đi nước ngoài trái phép bị bắt giữ tại địa bàn Can Lộc.

Khác với Nguyễn Sỹ Đức là nhận đưa người ở các tỉnh khác đi nước ngoài trái phép thì 4 đối tượng ở Kỳ Anh, gồm: Nguyễn Văn Giang (SN 1992, Kỳ Hợp); Nguyễn Tiến Tùng (SN 1970, Kỳ Tây); Nguyễn Xuân Bắc (SN 1988) và Hoàng Trọng Lĩnh (SN 1993), đều ở Kỳ Tân, lại đưa chính người thân, người cùng làng, cùng xã đi lao động ở Trung Quốc, với mức giá 6-8 triệu đồng/người. Trong số 58 người được các đối tượng hứa đưa sang Trung Quốc, nhiều người không biết việc đi nước ngoài không có giấy tờ là trái pháp luật; những bất trắc có thể xảy ra khi không biết ngôn ngữ nước sở tại và có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Được biết, trong năm 2013, cơ quan an ninh điều tra đã bắt 4 đối tượng đưa 51 người và năm 2014, bắt 3 đối tượng tổ chức đưa 32 người đi nước ngoài trái phép. Mới đây (ngày 27/3), cơ quan an ninh điều tra phối hợp với Công an huyện Thạch Hà đã bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Văn Bình (SN 1983) và Phạm Trung Chiến (SN 1989), đều trú tại xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên), khi đang chuẩn bị đưa 19 người sang Trung Quốc; tang vật thu giữ gồm 40 triệu đồng. Trước đó, lực lượng Biên phòng và Công an Hà Tĩnh phối hợp phá thành công chuyên án 464L, bắt khẩn cấp đối tượng cầm đầu đường dây đưa hơn 50 người Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Nhị - Phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, tình trạng người lao động nông thôn đi lao động trái phép ở nước ngoài tăng đột biến, làm ảnh hưởng đến tình tình ANTT. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Can Lộc và TX Hồng Lĩnh điều tra, làm rõ các đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép nói chung và sang Trung Quốc, Malaysia lao động trái phép nói riêng.

Đại úy Bùi Việt Hùng - Phó trưởng Công an TX Hồng Lĩnh cho biết thêm: Qua các vụ án về tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép cho thấy, nhu cầu về việc làm của lao động nông thôn hiện nay rất cao, trong khi hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Các đối tượng đứng ra tổ chức môi giới là người đã từng đi nước ngoài, có mối quen biết. Người lao động là người thân của đối tượng nên khi vụ việc vỡ lở, dù mất tiền cũng không đấu tranh tố giác. Đó là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác điều tra.

Cần giải pháp đồng bộ

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng đưa lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Malaysia chủ yếu do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, nhưng phần lớn trình độ phổ thông, chất lượng lao động thấp. Họ khó đáp ứng các yêu cầu nếu đi bằng chính ngạch nên đành lựa chọn con đường lao động “chui”. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế nên họ không hiểu rằng hành động này là vi phạm pháp luật. Nghiêm trọng hơn, nếu không may gặp rủi ro thì rất khó được can thiệp từ phía Nhà nước Việt Nam. Đó là chưa kể người lao động có thể bị bóc lột; phụ nữ bị bán vào những ổ mại dâm và hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.

Chị Phạm Thị Đào (Phổ Yên - Thái Nguyên) từng lao động ở Malaysia nhắn nhủ, việc đi lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp bị Công an Việt Nam phát hiện, bắt giữ còn may mắn hơn nhiều so với những người đi trót lọt. Bất đồng ngôn ngữ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bị cảnh sát nước ngoài truy đuổi ráo riết, có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào, nên người lao động cần tính toán kỹ trước khi lựa chọn.

Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với lực lượng công an và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, thông qua số lao động đã về nước, kêu gọi những người đang sống và làm việc trái phép ở nước ngoài trước khi có rủi ro xẩy ra. Cùng với tăng cường quản lý lao động, hộ tịch, hộ khẩu, các địa phương cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, khâu nối với các đơn vị liên quan để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức để người lao động hiểu rằng, họ có thể “đổi đời” ngay trên chính quê hương mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast