“Chắp cánh” cho các mô hình kinh tế tập thể Hà Tĩnh lớn mạnh

(Baohatinh.vn) - Hơn 10 năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) Hà Tĩnh đã tiếp sức cho trên 210 dự án vay vốn đầu tư, đặt nền móng hình thành hàng trăm mô hình kinh tế tiềm năng.

4 lần vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh (Liên minh HTX tỉnh) là 4 lần HTX Chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng tổng hợp Hợp Lực (Cẩm Xuyên) có thêm nguồn lực để xây chuồng trại, mua sắm thiết bị, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa.

“Chắp cánh” cho các mô hình kinh tế tập thể Hà Tĩnh lớn mạnh

Dự án vay vốn đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 57%.

Ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX nhớ lại: “Thành lập năm 2012 với nhiều thử thách, nguồn vốn ít ỏi nên số tiền trên 1,6 tỷ đồng mà Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh cho vay có ý nghĩa lớn, giúp đặt những viên gạch đầu tiên trên bước đường sản xuất kinh doanh lúc bấy giờ.

Thời điểm dịch bệnh hoành hành, con giống không tiêu thụ được thì lãi suất ưu đãi của gói vay đã giúp HTX vơi bớt phần nào khó khăn. Từ những chuồng trại đơn sơ ban đầu, đến nay, HTX đã có 11 chuồng trại khép kín, hiện đại với quy mô 400 con nái. Bình quân mỗi tháng HTX xuất ra thị trường từ 700 - 800 con lợn giống và lợn thịt, mang về nguồn thu lớn”.

Thời gian qua, HTX Trang Anh (xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) đã nắm bắt thị trường may gia công nội địa và xuất khẩu với các bạn hàng Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của HTX bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Chắp cánh” cho các mô hình kinh tế tập thể Hà Tĩnh lớn mạnh

Xưởng may gia công của HTX Trang Anh

Bà Lê Thị Anh - Giám đốc HTX Trang Anh chia sẻ: “Với nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh, HTX đã đầu tư mua sắm thêm máy may, nâng dây chuyền may gia công lên 100 đầu máy. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất tại xưởng bị ngưng trệ. Nếu như trước đây 100 lao động thì nay đã giảm một nửa, doanh thu giảm sâu trong khi HTX vẫn phải hỗ trợ để giữ chân người lao động, may mà lãi suất của gói vay từ Quỹ thấp nên HTX còn xoay xở được".

“Chắp cánh” cho các mô hình kinh tế tập thể Hà Tĩnh lớn mạnh

HTX Đường Gia Trang (Can Lộc) được thụ hưởng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh (ảnh tư liệu).

HTX Chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng tổng hợp Hợp Lực và HTX Trang Anh là 2 trong nhiều đơn vị được thụ hưởng vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh.

Bà Hồ Thị Hiền – Giám đốc Quỹ cho biết: “Đến thời điểm này, tổng doanh số cho vay đầu tư đạt gần 69 tỷ đồng với 211 dự án xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất; dư nợ đạt hơn 21 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5,13%/năm. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 57%, thủ công nghiệp gần 27%, vận tải – môi trường trên 11%...".

Cũng theo bà Hiền, nguồn vốn từ quỹ đã phần nào giúp các HTX mở rộng ngành nghề, quy mô sản xuất kinh doanh. Hầu hết các đơn vị vay vốn sử dụng đúng mục đích, sản xuất liên kết, hiệu quả khá cao và khá nhiều dự án vay vốn đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Đây là cơ sở để các HTX tiếp cận vốn vay ở các ngân hàng dễ dàng hơn.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn của các HTX tăng cao, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh mong muốn tỉnh xem xét, tạo điều kiện bổ sung quy định về vốn điều lệ/điều kiện cho vay (5 tỷ đồng/năm) để giải quyết khó khăn về vốn với các HTX.

“Chắp cánh” cho các mô hình kinh tế tập thể Hà Tĩnh lớn mạnh

HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương (huyện Kỳ Anh) được vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh để đầu tư hạ tầng sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: "Quỹ không chỉ cho các HTX vay vốn mà còn tư vấn, hướng dẫn lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường theo hướng liên kết. Các HTX sau khi tiếp nhận thêm nguồn vốn từ quỹ đã nhanh chóng đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, đi vào hoạt động ổn định, lợi nhuận tăng lên rõ rệt, tạo thêm việc làm mới cho gần 1.500 lao động, cải thiện cuộc sống cho người lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast