Tiến độ XDCB chậm do... mưa nhiều!

Tỉnh ta là một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu hậu quả của thời tiết bất thường. Đặc biệt những tháng gần đây là tần suất mưa xuất hiện dày đặc trên khắp cả tỉnh đã cản trở nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình.

Đê biển Cẩm Trung là một trong những tuyến đê xung yếu của huyện Cẩm Xuyên. Với chiều dài 6 km được đầu tư xây dựng gần trăm tỷ đồng, công trình này có vai trò rất quan trọng trong việc chắn sóng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cùng hàng trăm ha đất canh tác của nhân dân Cẩm Xuyên.

Do gặp phải thời tiết mưa nhiều nên tuyến đường 15A thi công hơn 1 năm vẫn còn dang dở.
Do gặp phải thời tiết mưa nhiều nên tuyến đường 15A thi công hơn 1 năm vẫn còn dang dở.

Được triển khai trong tháng 3-2011, lẽ ra đến thời điểm này công trình đã cơ bản hoàn thành và đạt kế hoạch phòng chống lũ lụt, triều cường. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, các đơn vị thi công luôn phải đối mặt với tình trạng thời tiết không thuận lợi. Vì thế, đến nay, hạng mục quan trọng nhất là 2 cống thoát nước trên tuyến đê Cẩm Trung vẫn đang còn dở dang.

Mưa nhiều khiến đất ở khu vực xây dựng cống thoát nước luôn trong tình trạng lầy lội, lún sụt, nên xe máy không thể lu lèn và hệ quả là các khớp nối từ cống với thân đê không thể thực hiện được. Trận mưa lũ do cơn bão số 3 và số 5 vừa qua cùng với triều cường dâng cao đã làm sạt lở nhiều đoạn. Huyện Cẩm Xuyên đã phải huy động mọi lực lượng dùng hàng trăm bao tải, hàng trăm khối đất đá mới bảo vệ được an toàn cho thân đê Cẩm Trung. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, nếu ở thời điểm này mưa bão tiếp tục đổ bộ thì với tình trạng công trình đang dang dở như hiện nay, nguy cơ vỡ đê rất có thể xẩy ra.

Ông Trần Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Tuyến đê Cẩm Trung là một công trình trọng điểm. Vì thế, huyện đã chỉ đạo Ban quản lý dự án phải nghiêm túc lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ngay từ khi khởi công, huyện cũng đã đặc biệt quan tâm về mặt tiến độ, nhưng năm nay thời tiết có nhiều biến đổi, mưa xẩy ra ngay giữa mùa khô và kéo dài nhiều tháng qua nên đến nay gói thầu số 2 và số 3 chỉ mới đạt được khoảng 40-45% so với dự kiến.

Đê biển Cẩm Trung dở dang trong mùa mưa bão
Đê biển Cẩm Trung dở dang trong mùa mưa bão

Tại Lộc Hà, sau khi khởi công xây dựng tuyến đê biển Thạch Bằng cũng là lúc các đơn vị thi công thường xuyên phải đối mặt với diễn biến thời tiết xấu. Lượng mưa xuất hiện dày đặc cùng với nước thủy triều dâng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công. Mỗi lần mưa xuất hiện đã kéo theo hàng chục khối đất, cát lấp đầy các hố đào để lắp đặt ống bi.

Đơn vị thi công cho biết, thời tiết xấu không chỉ cản trở tiến độ công trình mà sau mỗi trận mưa, đơn vị thi công phải mất thêm nhiều ca máy, tiêu tốn hàng chục triệu đồng để đào lại, mới có thể lắp đặt được ống bi mái thượng lưu. Hơn 2 tháng qua, hoạt động thi công ở tuyến đê biển Thạch Bằng chỉ diễn ra cầm chừng. Trong khi đó thời tiết vẫn có nhiều diễn biến xấu, áp thấp nhiệt đới liên tục xuất hiện khiến mưa ngày càng nhiều điều này sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu.

Quốc lộ 15A đoạn nối TP Hà Tĩnh đến đường Hồ Chí Minh (Phúc Đồng - Hương Khê) là tuyến huyết mạch đi các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, hơn nữa đây là tuyến đường vượt lũ hết sức quan trọng giữa 2 huyện miền núi này với trung tâm tỉnh lỵ. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 7-2010, đến nay công tác GPMB hầu như đã hoàn tất, các đơn vị đã triển khai thi công phần móng, nền đường nhưng trong quá trình thi công gặp mưa nhiều nên đến nay trên toàn tuyến (33 km) đều đang trong tình trạng dở dang, lầy lội, thậm chí có nhiều đoạn không một phương tiện nào có thể lưu thông, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Danh Kỷ - Giám đốc Công ty CP xây dựng Hà Thành cho biết: Công ty chúng tôi trúng thầu 4km đoạn km 401+900 - km 404+900, hầu hết đoạn này đường nhấp nhô nên phải đào đoạn cao lấp đoạn thấp. Đơn vị đã tích cực thi công gần xong toàn bộ phần móng và mặt đường, nhiều đoạn đã được đắp bây nhưng vào thời điểm gặp trời mưa liên tục, xe quá tải cày xới nên đường nát bét, toàn bộ khối lượng bây đổ vào đây biến thành bùn nhão sình lầy. Để đảm bảo giao thông theo yêu cầu của chủ đầu tư, công ty đã tiêu tốn hơn 500 triệu đồng để mua bây đắp bù vào những đoạn bị sình lầy. Cũng theo ông Kỷ, nếu tình trạng mưa kéo dài như thế này đến cuối năm thì thiệt hại đối với các đơn vị thi công là rất lớn, đó là chưa kể đến vấn đề dân sinh, giao thông....

Trên đây là 3 trong số hàng chục công trình xây dựng cơ bản bị ảnh hưởng đến tiến độ bởi yếu tố thời tiết. Trong năm 2011, hầu hết các công trình phòng chống bão lũ đều thi công trong điều kiện thời tiết khó khăn. Nhiều nhà thầu sau khi tập kết phương tiện máy móc đều phải dừng hoạt động vì thời tiết xấu. Vì vậy, có những công trình mặc dù thời gian hợp đồng thi công đã gần hết, thế nhưng khối lượng chỉ đạt trên dưới 30%.

Điều mà các chủ đầu tư và các nhà thầu cần quan tâm lúc này là phải chuẩn bị huy động mọi lực lượng, vật tư thiết bị, phương tiện máy móc ứng trực, đồng thời đưa ra các giải pháp thích hợp để đối phó với những diễn biến mưa lũ sẽ xẩy ra trong thời gian tới. Có như thế mới hạn chế tối đa mọi thiệt hại đối với những công trình xây dựng cơ bản đang còn dang dở như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast