Yêu Bác lòng con trong sáng hơn

(Baohatinh.vn) - Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày được gặp Bác Hồ nhưng những hình ảnh, xúc cảm về lần gặp ấy vẫn luôn in sâu trong tâm trí cô Nguyễn Thị Mão - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 5, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh...

75 phút bên Bác…

Vụ thảm sát kinh hoàng mà đế quốc Mỹ dội xuống ngôi trường Hương Phúc (Hương Khê) vào 4h30’ chiều 9/2/1966 khiến 33 học sinh chết, 24 em khác bị thương. Cô Nguyễn Thị Mão là một trong những học sinh may mắn sống sót trong buổi chiều định mệnh đó. Lúc ấy, cô Mão mới 14 tuổi. Sau vụ thảm sát, cô được đi với đoàn cán bộ của Ty Giáo dục (nay là Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), hiệu trưởng nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh ra Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước học sinh, sinh viên thủ đô và 120 nhà báo nước ngoài. Trong chuyến đi đó, cô vinh dự được gặp và thưa chuyện cùng Bác Hồ.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh: Tư liệu)

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh: Tư liệu)

Cô Mão bồi hồi nhớ lại: Khi nghe tin đoàn Hương Phúc ra Hà Nội, Bác đã dành thời gian cho đoàn đến gặp Người ở Phủ Chủ tịch. Đó là tối ngày 9/3/1966. Bác bước vào phòng với bộ đồ kaki giản dị, đến bắt tay từng người một và khi đến chỗ cô, Bác đã bế cô lên và ôm hôn rất lâu. Sau khi hỏi thăm tình hình chung của cả đoàn, Bác hỏi han về hoàn cảnh gia đình cô, cô đứng dậy trả lời, Bác ân cần bảo cô ngồi xuống. Cô vẫn nhớ như in, Bác nói: “Bác cháu ta chứ có phải ai đâu mà đứng dậy”.

Khi biết cô là con liệt sỹ, ông bà nội ngoại đều mất, mẹ đi thêm bước nữa, cuộc sống vất vả, đường đi học xa, Bác nhìn Bộ trưởng và Trưởng Ty giáo dục là thầy Lê Sỹ Nghĩa, căn dặn: Các chú phải lo cho cháu học tốt.

Rồi Bác cầm tay cô nói: Cháu phải cố gắng học tốt, làm nhiều việc tốt...

Bác chu đáo bảo các chú phục vụ lấy bánh kẹo ra tiếp đoàn. Bác lấy cho cô Mão một nắm kẹo nhưng thấy áo cô không có túi, Bác nói “Thiếu niên mặc áo mà không có túi”, rồi Bác quay sang nhắc nhở người lớn xung quanh: “May áo cho thiếu nhi là phải có túi để đựng quà”. Chỉ những điều đơn giản ấy thôi nhưng đã thể hiện sự ân cần và tình thương bao la của Bác.

Lúc chia tay, Bác dặn mọi người đều phải cố gắng công tác tốt, học tập tốt như thế cũng là đánh thắng giặc. Bác còn gửi lời hỏi thăm và động viên đến toàn thể đồng bào Hương Phúc... Ai cũng xúc động không muốn rời, Bác dắt cô từ nhà khách xuống sân và ôm hôn từ biệt rất lâu. Bóng Bác khuất dần phía sau Phủ Chủ tịch mà cả đoàn vẫn đứng lặng nhìn theo...

“75 phút được ở bên Bác là thời khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời mà mãi mãi không bao giờ tôi quên. Bác đã truyền cho tôi rất nhiều nghị lực. Càng trưởng thành, tôi càng thấm sự vĩ đại của Người - tấm gương đạo đức sáng ngời mà suốt đời tôi học tập và noi theo” – cô Mão xúc động.

Niềm tin từ lần gặp Bác

Trở về từ lần gặp Bác, cô có thêm niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, học tập tốt. Dịp nghỉ hè, cô còn đến tận các chiến hào, các tiểu đội kể về vụ thảm sát, qua đó hun đúc thêm ý chí chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của các chú bộ đội.

Cô Mão bồi hồi lật giở từng trang ký ức.
Cô Mão bồi hồi lật giở từng trang ký ức.

Sau này, thầy Lê Sỹ Nghĩa - Trưởng Ty Giáo dục trở thành cha nuôi của cô Mão. Ông đã cùng gia đình nuôi nấng, chăm sóc và coi cô như con đẻ. Năm 1976, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh - khoa Vật lý, cô về công tác tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Hơn 30 năm trong nghề cũng là chừng ấy thời gian cô miệt mài với bao trang giáo án, chèo lái con thuyền tri thức. Không thể đếm hết bao nhiêu thế hệ học sinh đã trưởng thành từ những ân cần chỉ dạy của cô.

Trong từng giờ dạy, cô còn kể cho học trò nghe những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là những bài học về đức tính giản dị, lối sống khoa học, tiết kiệm... Chính cô cũng luôn là một tấm gương mẫu mực đối với học trò, đồng nghiệp...

Chị Nguyễn Thị Mai Thủy (học trò cũ của cô), hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Cô Mão là một giáo viên mẫu mực, nghiêm khắc với học trò. Bài học đầu tiên cô dạy chị là giữ đúng vai trò của người học trò – đó là phải học tập tốt. Cũng như ở mỗi một địa vị nào cũng phải luôn giữ đúng vai trò, trách nhiệm. Trong cuộc sống, cô là người vợ, người mẹ đảm đang, hiền hậu. Cô là một tấm gương, là động lực để chị học tập”.

Năm 2007, đến tuổi nghỉ hưu, cô Mão trở về tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố 5, phường Tân Giang. Cô được chi bộ, tổ dân phố tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học phường kiêm Chủ nhiệm CLB “Gia đình hạnh phúc”. Cô Mão luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Cô cũng chính là người khởi xướng phong trào “Bát cháo tình thương” dành cho phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ em làng SOS, trẻ nhiễm chất độc da cam và bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện tỉnh, thành phố… Chi hội còn nhận chăm nom, giúp đỡ thường xuyên cháu Lê Thị Ánh, nạn nhân chất độc da cam, con của một cựu chiến binh trong tổ dân phố. Ý nghĩa hơn khi phong trào này đã được Hội Phụ nữ phường Tân Giang nhân rộng và đang lan tỏa mạnh mẽ. Riêng gia đình cô đã thực hiện phương châm chi tiêu tiết kiệm, góp tiền ủng hộ trẻ em làng SOS, ủng hộ chương trình “Vì biển đảo Việt Nam”...

Ngoài ra, cô Mão cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua trong chi hội như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Mái ấm tình thương”; “Mô hình tiết kiệm theo gương Bác”, CLB “Gia đình hạnh phúc”… Riêng CLB “Gia đình hạnh phúc” đã thu hút gần 100% gia đình hội viên tham gia.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Giang chia sẻ: “Bằng những việc làm của mình, cô Mão đã tạo được niềm tin cho chị em, bà con trong tổ dân phố và góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ dân phố 5 luôn là đơn vị văn hóa tiêu biểu, chi hội xuất sắc, nhiều năm liền được Hội LHPN, UBND thành phố, phường Tân Giang tặng giấy khen. Bản thân cô được Tỉnh ủy tuyên dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn tỉnh. Gia đình cô được vinh danh là “Gia đình hạnh phúc” tiêu biểu toàn tỉnh năm 2013”.

Cô luôn năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động phong trào; đảm đang, khéo vun vén, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Chồng cô là đảng viên, thương binh từ chiến trường chống Pháp trở về, cũng là một đồng nghiệp cùng trường. Vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật, hai vợ chồng cô đã cùng nuôi dạy 3 cô con gái giỏi giang. Hiện 3 người con của cô đều là đảng viên, 2 chị nối nghiệp bố mẹ công tác trong ngành giáo dục, 1 chị công tác tại Bộ Tư pháp.

Ngay ở gian phòng khách, ngoài ban thờ gia tiên, ở phía trái cô đặt ban thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luôn hương khói cẩn thận, chu đáo. Ngày 2/9 hàng năm, cô Mão đều làm mâm cơm cúng giỗ Bác Hồ. Cô cũng vận động chị em trong tổ dân phố, con cháu trong nhà mỗi tháng một lần đến dọn dẹp vệ sinh tại Khu lưu niệm Bác Hồ. Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã phần nào nói lên niềm tôn kính mà gia đình cô dành cho Bác Hồ kính yêu. “Năm nay, cô đã ở tuổi 62 nhưng thấm nhuần lời Bác dạy nên còn sức, cô còn tiếp tục công tác xã hội, góp phần mình vào công việc chung. Có điểm tựa là gia đình luôn quan tâm, chia sẻ, cô sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mọi người tín nhiệm giao phó” – cô Mão trải lòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast