Nguy cơ vượt “lằn ranh đỏ”

Hãng thông tấn AP dẫn lời các quan chức Mỹ mới đây cho biết, Mỹ sẽ cử 50 lính đặc nhiệm tới hỗ trợ các lực lượng người Cuốc và A-rập ở Bắc Xy-ri. Động thái này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chính sách can dự vào Xy-ri của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama), người trong mấy năm qua luôn phản đối việc đưa quân tới Xy-ri.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Át-xtơn Ca-tơ (Ashton Carter) cho biết, đây có thể chưa phải là lần điều chỉnh quan trọng cuối cùng đối với chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Xy-ri và I-rắc. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới để đẩy mạnh công việc”. Ông cho biết, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiếp tục đưa lính đặc nhiệm tới Xy-ri.

Theo thông báo của Nhà Trắng, nhóm đặc nhiệm 50 người có nhiệm vụ đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Xy-ri. Nhưng Người phát ngôn Nhà Trắng Giô-sơ Ơ-nét (Josh Earnest) từ chối cho biết thêm chi tiết về vai trò của nhóm đặc nhiệm này. Hãng tin Roi-tơ dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ, theo kế hoạch, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ phối hợp hoạt động tiếp vận bằng đường không cho phe đối lập, sau đó cung cấp số hàng viện trợ này cho các lực lượng đối lập đang tiến về Rắc-ca, thủ phủ của IS ở miền Bắc Xy-ri. Ngoài ra, họ cũng có thể phối hợp cung cấp thông tin từ mặt đất để liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện các cuộc oanh kích.

Nguy cơ vượt “lằn ranh đỏ” ảnh 1

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov) và người đồng cấp Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) tại cuộc họp báo sau Hội nghị quốc tế về Xy-ri tại Viên (Áo) ngày 30-10. Ảnh: AP.

Quyết định của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang chịu áp lực mạnh mẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống IS. Chiến dịch oanh kích Xy-ri nhằm tiêu diệt IS do Mỹ phát động vào tháng 9 năm ngoái đến nay chưa đạt kết quả mong muốn. Trong khi đó, chương trình đào tạo và trang bị cho lực lượng đối lập ôn hòa ở Xy-ri của Mỹ cũng không hiệu quả nên đã buộc phải chấm dứt. Đến nay, IS không những củng cố được địa bàn chiếm đóng mà còn tiếp tục mở rộng lãnh thổ chiếm đóng ở cả Xy-ri và I-rắc. Không những vậy, lực lượng này đang thu hút ngày càng nhiều các phần tử cực đoan từ các nước tới tham gia phong trào thánh chiến kéo theo nhiều quan ngại.

Vì vậy có thể nói rằng, động thái trên của chính quyền Oa-sinh-tơn là nhằm cứu vãn tình thế trước nguy cơ chiến dịch quân sự của Mỹ thất bại hoàn toàn ở Xy-ri. Tuy nhiên, đây vẫn là một bước đi dè dặt và mang tính thăm dò của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma bởi Mỹ không muốn một lần nữa sa lầy vào một cuộc chiến mà chưa biết khi nào kết thúc.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, ông B.Ô-ba-ma đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do chính mình đặt ra, bởi ngay cả khi quyết định đưa quân trở lại I-rắc hay tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan, ông vẫn nhấn mạnh sẽ không điều bộ binh tới Xy-ri.

Việc Mỹ đưa bộ binh vào Xy-ri cũng gây nhiều quan ngại. Trước tiên là những lo ngại về nguy cơ thương vong sẽ gia tăng đối với binh sĩ Mỹ, cho dù các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn khẳng định, lực lượng đặc nhiệm vừa được triển khai sẽ không trực tiếp tham gia nhiệm vụ chiến đấu và sẽ chỉ làm việc tại các trụ sở. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ cũng thừa nhận rằng quyết định cử lính đặc nhiệm tới Xy-ri sẽ đặt họ vào “con đường nguy hiểm”.

Ngoài ra, giới phân tích lo ngại động thái điều bộ binh tới Xy-ri của Mỹ có nguy cơ khiến tình hình nước này càng thêm bất ổn và phức tạp hơn. Trong bối cảnh chia rẽ và hỗn loạn bởi cuộc chiến phe phái ở Xy-ri, sự hiện diện của các lực lượng quân sự bên ngoài tại đây sẽ đẩy nước này trước nguy cơ lún sâu hơn vào bất ổn. Cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể về việc các lực lượng Mỹ sẽ ở lại Xy-ri trong bao lâu. Trước đó, Tổng thống B.Ô-ba-ma từng tuyên bố chung chung rằng, chiến dịch chống IS tại Xy-ri và I-rắc có thể kéo dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nhưng rõ ràng, Tổng thống Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác trong bối cảnh không thể “rút chân” trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại địa bàn trọng yếu Xy-ri, nhất là khi Nga cũng đang có các động thái quân sự quyết liệt hơn ở Xy-ri. Dù sao, nhiều người hy vọng bước điều chỉnh trong chính sách can dự vào Xy-ri này của chính quyền Mỹ cũng sẽ giúp Oa-sinh-tơn tìm kiếm những cách thức mới để giải quyết vấn đề Xy-ri trong bối cảnh đang lâm vào bế tắc.

Theo MAI NGUYÊN/qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast