Vì sao người dân Timor Leste bất ngờ muốn tái gia nhập Indonesia?

Vì sao sau 21 năm thoát khỏi sự chiếm đóng của Indonesia, người dân Timor Leste bất ngờ muốn quay trở lại sáp nhập với nước này?

Theo Ngân hàng thế giới, một trong những lí do khiến người dân Timor Leste muốn quay trở lại với Indonesia đó là thay vì thịnh vượng, Timor Leste lại trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới sau 2 thập kỷ tách khỏi Indonesia.

Vì sao người dân Timor Leste bất ngờ muốn tái gia nhập Indonesia?

Bản đồ Timor Leste. Nguồn: Tribunnews

Timor Leste, tiền thân là Đông Timor sát nhập Cộng hòa Indonesia vào năm 1976. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, Timor Leste bị Indonesia coi như một nước thuộc địa. Thông qua cuộc trưng cầu dân ý do Australia và Bồ Đào Nha dẫn đầu, ngày 30/8/1999, Timor Leste chính thức tách khỏi Indonesia. Trên khắp đất nước Công giáo nhỏ bé, mọi người mặc trang phục đẹp nhất của họ và tự hào vẫy cờ Tổ quốc, cùng với những huy chương được trao cho những người đã giúp chấm dứt 24 năm chiếm đóng của Indonesia.

Tuy nhiên, các lực lượng quân sự phản đối việc Đông Timor độc lập đã bắt đầu một chiến dịch báo thù sâu rộng. Gần 1.500 người thiệt mạng và nửa triệu người buộc phải chạy trốn trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đổ bộ khôi phục trật tự. Hơn 80% cơ sở hạ tầng bị hư hại, trường học và gần 100% hệ thống mạng lưới điện đã bị phá hủy vào thời điểm đó. Sau một thời gian dưới sự quản lý trực tiếp của Liên Hợp Quốc, Timor Leste thực sự trở thành quốc gia độc lập vào ngày 20/5/2002.

Nhưng cũng phải nói thêm là mặc dù trải qua ách đô hộ hơn bốn thế kỉ của các thế lực ngoại bang khác nhau như Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Indonesia, nhưng chỉ có Indonesia đầu tư thực sự vào hạ tầng cơ sở, hành chính và giáo dục của Timor Leste.

Mặc dù đã phải đánh đổi rất nhiều thứ và phải trả giá đắt cho nền độc lập, song trớ trêu thay, ngày nay, những người dân 21 năm trước còn vui mừng khi thoát khỏi ách đô hộ của Indonesia, lại muốn quay trở lại sáp nhập nếu có cơ hội thứ hai.

Sau lễ kỉ niệm 21 năm thoát khỏi Indonesia (1/9/1999-1/9/2020), trên mạng Twitter thịnh hành hashtag #TimorLeste để thể hiện mong muốn của những người dân được quay trở lại với Indonesia.

Timor Leste là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới

Sau hơn 20 năm độc lập, Timor Leste vẫn không thoát khỏi sự nghèo nàn là lí do chính khiến người dân quốc gia này muốn quay trở lại với Indonesia. Thống kê của Ngân hàng thế giới năm 2020 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Timor Leste chậm nhất so với các nước Đông Nam Á khác.

Vì sao người dân Timor Leste bất ngờ muốn tái gia nhập Indonesia?

Timor Leste là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nguồn: pikiran rakyat

Nhìn chung, người dân ở đây hạnh phúc hơn rất nhiều so với cách đây 5, 10, 15 năm. Nhưng so với các nước có lịch sử tương tự gần đây, chẳng hạn như Campuchia thì Timor Leste không có nhiều tiến bộ về kinh tế. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi Timor Leste là quốc gia gần như bị cô lập.

Trong khi đó, Campuchia có vị trí chiến lược thu hút chi tiêu lớn của Trung Quốc, có chung đường biên giới với các nền kinh tế tương đối phát triển như Thái Lan và Việt Nam, có tư cách thành viên ASEAN và thương mại tự do trong toàn khu vực. Timor Leste không có tất cả những điều này khiến cho sự phụ thuộc của nước này vào Indonesia tăng lên.

Dựa trên báo cáo của Chương trình Phát triển Quốc gia Thống nhất (UNDP), Timor Leste xếp ở vị trí 152/162 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. GDP bình quân đầu người của Timor Leste ước tính đạt 2.356 USD vào tháng 12/2019, vẫn thấp hơn thu nhập bình quân đầu người của Indonesia vào năm 2019 là 4.174,9 USD. Một số lĩnh vực của nền kinh tế Timor Leste vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Australia và Indonesia, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu.

Không chỉ vậy, nền kinh tế nước này chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu vào của Timor Leste chủ yếu dựa vào thu nhập từ các sản phẩm dầu mỏ. Báo cáo Kinh tế Timor Leste do Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 4/2020 cho thấy, nền kinh tế của Timor Leste sẽ xấu đi vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 và các điều kiện chính trị bất ổn.

Chính phủ Timor Leste đã giải ngân 250 triệu USD từ Quỹ Dầu khí, trong đó 60% được sử dụng để xử lý Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã làm xấu đi nền kinh tế của Timor Leste, góp phần khiến lượng du khách nước ngoài đến thăm nước này giảm, thương mại xuất nhập khẩu chậm lại và chính phủ phải chi lớn để kiềm chế đại dịch. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng đầu tư tư nhân ở Timor Leste vẫn chậm chạp từ năm này qua năm khác sau khi độc lập, điều này liên quan đến sự ổn định chính trị và kinh tế ở đất nước vốn vẫn còn nhiều biến động./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast