Trên 90% cụm công nghiệp không có hệ thống thoát thải

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh những yếu kém của hệ thống thoát thải ở các cụm công nghiệp (CCN), vai trò kiểm tra, giám sát của một số đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) chưa cao cũng chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất phớt lờ các chế tài BVMT.

Ô nhiễm môi trường tại các CCN (bài 2):

>> Bài 1: Nỗi lo rác thải, nước sạch

Hạ tầng yếu, DN thiếu trách nhiệm

Kết quả khảo sát của Chi cục BVMT Hà Tĩnh cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã phát sinh một lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại tương đối lớn. Năm 2013, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 85.700 tấn, trong đó, chất thải nguy hại khoảng 17.100 tấn.

Trong tổng số 196 cơ sở sản xuất đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại tại Sở TN&MT, chỉ có một số cơ sở sản xuất lớn ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng xử lý được cấp phép, số còn lại đang tiến hành tận thu, tái chế hoặc đổ chất thải nguy hại ra bãi thải của nhà máy; một số khác xử lý chung với chất thải sinh hoạt.

Trên 90% cụm công nghiệp không có hệ thống thoát thải ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Thạch Hà đã đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả nhưng vấn đề xử lý nước thải vẫn đang gặp khó khăn.

Phó trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục BVMT Hà Tĩnh) Phan Ngọc Hà cho rằng, theo quy định, hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra quy trình xử lý chất thải ở các cơ sở sản xuất, CCN, tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trong khi số lượng đơn vị SXKD nhiều nên việc kiểm tra vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Nhiệm vụ BVMT không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà cộng đồng xã hội cần nêu cao vai trò giám sát, tố giác các hành vi làm tổn hại đến môi trường. Trong rất nhiều trường hợp, nếu có sự góp sức của cộng đồng xã hội, chắc chắn, tình trạng vi phạm quy định BVMT sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời. Đơn cử, vào thời điểm đầu tháng 11/2014, thông qua nguồn tin báo của nhân dân, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT tại Công ty TNHH Thương mại vận tải Bình Nguyên (CCN Phù Việt, Thạch Hà).

Các lực lượng chức năng phát hiện công nhân của DN này đang tiến hành thu gom chất thải nguy hại với khối lượng 400 lít (hỗn hợp dầu lẫn nước), khoảng 5 m3 được xả trực tiếp ra môi trường chưa được thu gom. Từ vi phạm của DN Bình Nguyên, lực lượng chức năng đi sâu kiểm tra quy trình bảo quản, xử lý chất thải nguy hại, cho thấy, mặc dù đơn vị đã có bản cam kết BVMT và đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, tuy nhiên, quy trình, hệ thống bảo quản, xử lý chất thải nguy hại tại đơn vị hết sức sơ sài. Lượng chất thải nguy hại phát sinh trung bình 6.425 kg/năm nhưng DN Bình Nguyên vẫn không có kho chứa chất thải nguy hại theo quy định.

Qua tìm hiểu tại các CCN, mặc dù các đơn vị sản xuất đã hoàn tất thủ tục liên quan đến công tác BVMT, song, trên thực tế, quy trình bảo quản, xử lý chất thải tại một số cơ sở sản xuất vẫn còn lỏng lẻo. Thậm chí, có DN còn cho rằng, quy trình xử lý chất thải sinh hoạt đang yếu kém thì kết quả xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại các CCN liệu có đảm bảo đúng quy định?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa có bất kỳ đơn vị nào được cấp phép bảo quản, xử lý chất thải nguy hại theo quy định nên việc xử lý loại chất thải này tại các cơ sở sản xuất trở nên khó khăn. Trong khi công tác kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, ai dám chắc rằng, DN sẽ không phớt lờ các chế tài BVMT?

Phó trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) Nguyễn Đức Hà cho rằng, theo quy định, trước khi đi vào hoạt động, các CCN phải hoàn thiện những hạng mục hạ tầng thiết yếu (trong đó có hệ thống thoát thải) mới được cấp phép đi vào sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực nên đến thời điểm hiện nay, mới có 2/18 CCN, làng nghề trên địa bàn xây dựng được hệ thống thoát thải.

Hoạch định hướng đi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù mức kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng tại các CCN rất lớn, nhưng nguồn vốn được bố trí xây dựng hàng năm tại đây vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư đang trông chờ vào kế hoạch bố trí vốn, hỗ trợ của tỉnh, các địa phương chưa thể tranh thủ được các nguồn lực khác.

Trên 90% cụm công nghiệp không có hệ thống thoát thải ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp đăng ký chủ sở hữu chất thải nguy hại nhưng không có nhà kho bảo quản đúng quy định.

Được phê duyệt đầu tư từ năm 2007, với số vốn 109 tỷ đồng, thế nhưng, đến nay, CCN Bắc Cẩm Xuyên mới chỉ “tranh thủ” được 16 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh. Với số tiền đó, huyện Cẩm Xuyên đang ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu như đường trục, hệ thống đường gom… để thu hút DN. Hệ thống nước sinh hoạt, xử lý chất thải biết là cần thiết nhưng địa phương đang thiếu nguồn lực nên sẽ đầu tư sau, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên - Nguyễn Đình Hải cho biết.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh - Nguyễn Văn Hổ, nếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng thì còn rất lâu các CCN mới đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Chúng ta chỉ lựa chọn một số CCN trọng điểm dùng ngân sách để đầu tư, các CCN còn lại nên xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN vào đầu tư, xây dựng hạ tầng. Nếu vận hành tốt hình thức chuyển giao và khai thác thì DN và Nhà nước đều có lợi.

Lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN trên địa bàn, trước mắt, cần ưu tiên đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chất thải rắn, cây xanh… tại đây. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lượng chất thải phát sinh tại nguồn; tiến hành điều tra, thống kê, phân loại và xây dựng biện pháp quản lý, xử lý phù hợp đối với các nguồn rác thải, chất thải; kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, không chấp thuận đầu tư các dự án có khả năng gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao nằm gần khu dân cư, khu vực nhạy cảm về môi trường…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast