Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

(Baohatinh.vn) - Do dịch bệnh Covid-19 khiến giá gia cầm trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng giảm mạnh. Tuy nhiên, người chăn nuôi Hà Tĩnh vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, với mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, giá cả ổn định trở lại, gia tăng thu nhập.

Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

Dịch bệnh Covid-19 khiến giá gia cầm giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ vốn

Bà Trương Thị Công – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) vừa bán đàn gà 300 con với giá 55.000 đồng/kg. Với giá này, tính ra bà lỗ gần 3 triệu đồng sau 4 tháng chăm sóc. Thế nhưng, bà vẫn quyết định mua thêm 300 gà con về tiếp tục nuôi.

Bà Công chia sẻ: “Đàn gà của tôi được nuôi theo quy trình VietGap, sạch thịt, bình thường bán được giá 65-70.000 đồng/kg. Nhưng đợt này tiêu thụ khó do dịch Covid-19 nên giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ. Tuy nhiên, đó là ảnh hưởng chung nên tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Tin rằng, với sự chung sức đồng lòng của cả nước, dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế, khi đó sức tiêu thụ tăng nên tôi vẫn mạnh dạn đầu tư nuôi lứa mới”.

Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

Thời điểm này, gà chỉ bán được với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ

Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Trần Đình Cúc cho biết: Tổng đàn gia cầm trên địa bàn khá lớn, hiện tại đang có khoảng 60.000 con, chủ yểu ở các thôn Phú Hòa, Bắc Hòa, Mỹ Hòa. Khoảng tuần trở lại nay, do các nhà hàng, trường học đóng cửa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên giá gà chỉ từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Nhìn chung, các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm ở đây dù lỗ vốn nhưng vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, chờ thời cơ “cứu” lại vốn.

Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

Vịt cũng chỉ bán được từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, giảm gần 20% so với trước

Ông Phan Văn Đại ở thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) nuôi 2.000 con vịt và 1.000 con gà. Vừa bán gần 1 nửa số gia cầm trên với giá khá rẻ, nhưng ông cũng xác định do đợt này đầu ra khó nên lỗ cũng phải bán. Bởi lẽ, đàn gia cầm đang đến kỳ xuất chuồng, nếu để nuôi, mỗi ngày, ông phải bỏ ra gần 1 triệu đồng tiền thức ăn.

Ông Đại cho hay: Đầu ra gặp khó nên ông nhờ người thân rao bán trên mạng xã hội để "cứu” vớt vốn. Cũng may đợt này giá thịt lợn đang cao nên nhiều người chuyển qua ăn thịt gà, bởi vậy, chỉ hơn một tuần, 500 con gà và 1.000 con vịt được tiêu thụ hết. Số gia cầm còn lại ông mua cám ngô về chăm sóc nhằm giảm chi phí, chờ khi nào được giá mới đem bán.

Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

Nhờ bán trên mạng xã hội ông Phan Văn Đại ở xã Thạch Thắng (Thạch Hà) đã tiêu thụ được 1.500 con gia cầm

Không riêng cơ sở chăn nuôi, tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, tình hình tiêu thụ thịt gia cầm cũng giảm mạnh. Theo lãnh đạo Ban Quản lý chợ Vườn Ươm (Chợ Bắc Hà - TP Hà Tĩnh), trước đây, trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ lượng lớn gia cầm. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng gia cầm về chợ giảm hơn một nửa và giá các loại gia cầm đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Người chăn nuôi gia cầm Hà Tĩnh duy trì sản xuất, chuyển hướng bán hàng online

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm cần xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo ổn định đầu ra

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Khắc Khánh cho hay: Do dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên các trang trại khó tiêu thụ. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trước đó nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung tăng mạnh...

“Thời điểm này, một số vùng chăn nuôi gia cầm lớn cần xây dựng chuỗi giá trị. Qua đó, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo ổn định về giá. Mặt khác, các hộ chăn nuôi cần tiếp cận các hình thức bán hàng mới khác như qua hệ thống mạng internet, chợ online.., nhằm tăng lượng tiêu thụ...” - ông Khánh nói thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast