Mẹ của em ở trường

(Baohatinh.vn) - Câu chuyện nhỏ mở đầu bằng kỷ niệm của cô giáo với cậu học trò cá biệt, khi trưởng thành vẫn nhớ như in lời dạy của cô. Sau đó là những lời bộc bạch của học sinh (HS) về tình cảm với cha mẹ, trường lớp, những rung động đầu đời hay sự nhập vai ăn ý, tự nhiên của cô, cậu học trò trong tiểu phẩm phản ánh mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục con cái đã làm cho buổi sinh hoạt CLB “Người mẹ thứ hai trong trường học” trở nên cuốn hút, sâu lắng...

Cả hội trường bỗng im phăng phắc khi câu chuyện “Chiếc bình pha lê của thầy giáo cũ” của cô giáo Trần Thị Huyền, giáo viên Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên bắt đầu. Đó là kỷ niệm từ rất nhiều năm trước, khi trong lớp cô chủ nhiệm có cậu học trò cá biệt tên Hoàng. Ngày lễ 20/11, cả lớp đến nhà chúc mừng cô thì sự nghịch ngợm, hiếu động của Hoàng đã làm vỡ chiếc bình pha lê, kỷ vật của thầy giáo cũ tặng mà cô giáo coi như báu vật. Không nổi giận, trách móc, cô giáo chỉ ân cần: “Có ai bị làm sao không?”.

Mẹ của em ở trường ảnh 1

Một buổi sinh hoạt của CLB "Người mẹ thứ hai trong trường học" với chủ đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Cô giáo cũng không hề hay biết, câu nói của mình đã theo cậu học trò bướng bỉnh đến lúc trưởng thành. Để một ngày, cô nhận được món quà của cậu học trò cũ - chiếc bình pha lê kèm theo lời cảm ơn và xin lỗi. Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng ý nhị, sâu sắc. Một lời xin lỗi đi qua cả chục năm trời, thời gian có là gì khi tình thương, trách nhiệm của cô giáo đã chạm được vào trái tim của những cô, cậu học trò, để lớp lớp những thế hệ được trưởng thành và trở thành người có ích.

Cô Trần Thị Huyền cho biết: “Cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức văn hóa mà còn là tấm gương về đạo đức cho HS và là người mẹ thứ hai trong trường học uốn nắn, giáo dục các em nên người. Bởi thế, chúng tôi luôn cố gắng gần gũi, thấu hiểu tâm sinh lý của lứa tuổi để khuyến khích các em phát triển, hoàn thiện nhân cách một cách tự nhiên nhất”.

Có lẽ vì vậy mà CLB “Người mẹ thứ hai trong trường học” do LĐLĐ huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Ban nữ công Công đoàn Giáo dục huyện chỉ đạo điểm tại Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên thực sự đã vượt ra khỏi phạm vi của một diễn đàn. Cô Nguyễn Thị Hà - Trưởng ban nữ công Công đoàn Giáo dục cho biết: “CLB đã tạo ra không gian “mở” để cô - trò đối thoại, cùng bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, từ đó gắn kết yêu thương giữa cô giáo - người mẹ mến thương ở trường với HS, để cùng các em vượt qua thử thách của tuổi mới lớn. CLB còn là nơi đội ngũ giáo viên trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”.

Hiện, CLB có 41 thành viên là cán bộ, giáo viên của Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên. Để trở thành tấm gương cho HS, các cô luôn tự bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Được biết, năm học 2013-2014, Ban nữ công nhà trường có 4 giáo viên giỏi tỉnh, 18 giáo viên giỏi huyện. Đặc biệt, 1 cô được vinh danh giáo viên tiêu biểu cấp tỉnh và 1 cô được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Chất lượng mũi nhọn vì thế cũng tăng cao với 23 em đạt HS giỏi tỉnh, 181 em HS giỏi huyện.

Trên thực tế, vấn đề về giáo dục kỹ năng sống cho HS dù đã được trường học quan tâm nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự cứng nhắc, giáo điều. Và những “cậu ấm, cô chiêu” luôn coi mình là “tâm điểm” của xã hội, thể hiện bản lĩnh của mình bằng việc đua đòi ăn chơi cho bằng bạn, bằng bè, gây gổ đánh nhau vì hiềm khích, ghen tuông…

Hoặc, sự phát triển như vũ bão của internet và văn hóa hội nhập đã đưa giới trẻ đến với những mối quan hệ rộng lớn mà nếu thiếu đi sự định hướng và kỹ năng sống thì các em sẽ khó vượt qua được cám dỗ. Bày tỏ lo lắng, chị Mỹ Dung, một phụ huynh chia sẻ: “Ở tuổi mới lớn, con tôi có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Có khi chính mình cũng không thể nắm bắt được diễn biến tâm sinh lý của con cái. Tôi cho rằng, việc xây dựng diễn đàn nhằm đưa bài học đạo đức đến gần với thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em. Có kỹ năng sống tốt, ứng xử lành mạnh sẽ là tiền đề cho sự thành công sau này của con trẻ”.

Vì lẽ đó, các trường học trong tỉnh cần học tập mô hình CLB “Người mẹ thứ 2 trong trường học” như ở Cẩm Xuyên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast