Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

(Baohatinh.vn) - Theo báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTN Hà Tĩnh, tình hình dịch hại trên lúa xuân đang diễn biến phức tạp với các loại như: Bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên diện rộng; chuột gây hại phổ biến tại các địa phương...

Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình sâu bệnh tại một số vùng đồng thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)... Ảnh Nguyễn Oanh

Dự kiến đến 15/4/2020, diện tích lúa trổ trên toàn tỉnh khoảng 40.000 ha (chiếm 67,4% diện tích gieo cấy). Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong khoảng 10 ngày đầu tháng 4, khu vực Hà Tĩnh có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2-3 đợt hoạt động của lưỡi áp cao lạnh lục địa, trời nhiều mây, số giờ nắng trong ngày ít, một số ngày có mưa, nền nhiệt độ phổ biến trong khoảng 21-23 độ C, độ ẩm không khí 85-90%.

Trong những ngày tới, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng 2 đợt hoạt động của lưỡi áp cao lạnh lục địa vào ngày 8/4 và 12/4. Do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa nên các ngày 6 - 9/4 và 12 - 14/4, trời âm u, có mưa nhỏ rải rác, nền nhiệt độ thấp, nhiệt độ trung bình phần lớn các ngày chỉ dao động trong khoảng 21-23 độ C, độ ẩm ở mức 90-95%. Các ngày 10 – 11/4, phổ biến không mưa, ngày có nắng yếu, nền nhiệt độ có xu thế tăng nhẹ, nhiệt độ trung bình ngày ở mức 23-24 độ C, độ ẩm giảm xuống mức 85-90%.

Với thời tiết trời nhiều mây, nhiều ngày có mưa, nền nhiệt thấp và độ ẩm không khí ở mức cao sâu, sâu bệnh rất dễ phát sinh và phát triển ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, cần chủ động có các biện pháp phòng trừ.

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh

Như vậy, nguy cơ giai đoạn lúa vụ xuân trổ tập trung chịu tác động của điều kiện thời tiết bất thuận có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn làm giảm năng suất, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại, đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh gây hại trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung, do vậy, yêu cầu đối với phát triển nông nghiệp, nhất là việc đảm bảo ổn định lương thực, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó việc thực hiện thắng lợi toàn diện sản xuất vụ xuân 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

Thời tiết bất thuận là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Ảnh P.V

Để chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn xử lý dứt điểm 800 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn lá để hạn chế tối đa nguồn bệnh phát sinh gây hại trên cổ bông, đối với số diện tích hiện nay giai đoạn đòng già - trổ bông khẩn cấp phòng trừ đạo ôn cổ bông; tập trung phòng trừ chuột, bệnh khô vằn trên các diện tích nhiễm và có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức, giám sát, đánh giá chặt chẽ tình hình sinh trưởng các trà lúa, dự kiến thời gian trổ bông của từng giống, từng vùng, từng địa phương và diễn biến của điều kiện thời tiết để chủ động khoanh vùng, cắm vè và triển khai phun phòng kịp thời bệnh đạo ôn cổ bông.

Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

Các địa phương cần bám sát cơ sở, tiến hành hướng dẫn bà con phun phòng trừ bệnh trên lúa xuân đúng cách. Ảnh Tuệ Anh

Thành lập các đoàn công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại cây trồng vụ xuân, phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh về diễn biến tình hình, kỹ thuật phòng trừ dịch hại đến tận hộ dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Báo cáo kịp thời, trung thực về diễn biến tình hình, diện tích lúa nhiễm dịch hại trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nào thiếu quyết liệt trong chỉ đạo để dịch bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, gây thiệt hại đối với sản xuất thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

Chuột phá hại nhiều diện tích lúa xuân.

Giám đốc Sở NN&PTNT: Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát tình hình lúa trổ bông; thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của dịch hại; phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Đồng thời ban hành hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ các đối tượng dịch hại trên lúa vụ xuân.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Báo cáo diễn biến tình hình sản xuất, dịch hại và kết quả phòng trừ ở các huyện, thành phố, thị xã về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Bám sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm dịch hại trên cây trồng vụ xuân

Bà con nông dân dùng bao ni lông làm hàng rào ngăn chuột xâm nhập vào ruộng lúa. Ảnh Nguyễn Oanh

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT thường xuyên tuyên truyền và đưa tin về diễn biến dịch hại trên lúa vụ xuân, các giải pháp phòng trừ để người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động ứng phó.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng trừ dịch hại kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast