Đến Man City, Pep Guardiola có hèn nhát?

Thêm một lần Pep tạo ra sự hoài nghi, tại sao ông luôn dẫn dắt những đội bóng tốt nhất?Tại sao các lựa chọn của ông thường nghiêng về tính an toàn hơn là các thách thức?

Không cần phải đợi cho đến khi Man City chính thức xác nhận, người ta cũng có thể đoán ra, Pep Guardiola sẽ đánh bật Pellegrini để ngồi vào chiếc ghế tại Etihad. Đã từ lâu, nửa xanh thành Manchester theo đuổi mô hình tương tự Barcelona và 4 năm trước họ cố gắng cám dỗ HLV người Tây Ban Nha.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Pep đã là người của Man City trong ít nhất 3 năm tới. MU và Chelsea đưa ra những lời đề nghị và chiến lược gia 44 tuổi liên tục chơi trò đuổi bắt, song với những ai theo dõi ông ta trong một thời gian dài, câu trả lời đã có.

Những lựa chọn an toàn

9 năm trong sự nghiệp huấn luyện đầy rẫy danh hiệu nhưng Pep rất nhiều lần gây ra sự hoài nghi, tại sao ông luôn kế thừa một CLB có vị trí đặc quyền?

Pep thành công nhờ chọn bến đỗ tốt?

Pep thành công nhờ chọn bến đỗ tốt?

Tại Barcelona năm 2008, Pep có trong tay một bộ khung hoàn hảo cho tương lai. Thời điểm đó, Xavi, Iniesta đang ở độ chín, Eto’o, Henry vẫn đều đặn mang về cả tá bàn thắng, Yaya Toure cực kỳ sung mãn trong khi Puyol, Marquez là những trung vệ hàng đầu thế giới.

Quan trọng nhất, không chỉ Pep mà cả thế giới đều nhận thấy Lionel Messi đang trên đường trở thành ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới. Vì vậy, quá dễ dàng để loại bỏ Ronaldinho, người chỉ ghi 9 bàn ở mùa giải trước để dọn đường cho cầu thủ người Argentina.

Còn tiqui-taca, đúng là Pep đã đưa lối đá này lên tầm cao mới nhưng cũng phải lưu ý rằng, nó được hình thành từ triết lý của Johan Cruyff trong suốt những năm từ 1988-1996, sau đó được nhắc lại lần nữa trong hai giai đoạn quản lý của Van Gaal. Trong ít nhất 2 thập niên trước khi Pep trở thành HLV, lò La Masia đã được truyền bá tư tưởng về thứ bóng đá tổng lực đề cao sở hữu bóng.

Những năm rực rỡ nhất của Pep gắn liền với Messi.

Những năm rực rỡ nhất của Pep gắn liền với Messi.

Guardiola dĩ nhiên là một chiến lược gia tài năng, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ông đã quá may mắn khi sở hữu lứa cầu thủ tài năng nhất, không phải của riêng Barcelona mà cả thế giới.

Năm 2013, Pep cũng khá “tinh tế” khi chọn Bayern là bến đỗ sau khi rời Nou Camp, thay vì MU, Chelsea, Milan và cả Man City. Tại sao ư? Đó là lựa chọn rất an toàn. Đội bóng xứ Bavaria khi đó là đương kim vô địch ở 3 giải đấu, Champions League, Bundesliga và Cúp Quốc gia.

Trong sự may mắn không hề tình cờ, Bayern cũng được rèn luyện trong 2 năm về triết lý kiểm soát bóng với Van Gaal. Đồng thời, có những ngôi sao hàng đầu như Ribery, Robben và thế hệ vàng của nước Đức, kể từ sau thời của Juergen Klinsmann, gồm Schweinsteiger, Neuer, Lahm, Toni Kroos, Mueller cùng Mario Gomez. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Hùm xám của Pep làm mưa làm gió tại Bundesliga và phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

“Tôi không phải kẻ khôn ngoan trong việc lựa chọn CLB và quốc gia để dẫn dắt. Giá mà tôi có thể chọn một CLB khác, một quốc gia khác - nơi trở thành nhà vô địch dễ dàng hơn bao giờ hết”, Mourinho đá xoáy kình địch vào tháng 5 năm ngoái. Vào tháng 10, trước khi nhận lời đến Allianz Arena, Ancelotti cũng từng tuyên bố không thích Bayern vì họ vô địch quá dễ trong môi trường ít cạnh tranh. Pep thì khác.

Tại sao lại là Man City?

Trong quá khứ, Pep luôn dành sự ngưỡng mộ với phong cách của Arsenal, truyền thống của MU và ca ngợi tình yêu bóng đá của Abramovich. Vậy tại sao ông chọn Man City và quay lưng với những cái tên này?

Pep đã tính toán kỹ khi chọn Man City.

Pep đã tính toán kỹ khi chọn Man City.

Ở góc độ nào đó, Man City cũng có những thuận lợi tương tự Barcelona và Bayern. Thời điểm này, họ vẫn là đội bóng chất lượng nhất Premier League so với MU ngày càng tiều tụy, Chelsea mỏi mòn ở phía dưới BXH và một Arsenal không bao giờ lớn.

Etihad cũng đang là tập hợp của những tên tuổi hàng đầu, như Silva, Aguero, Kompany hay những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới như Sterling, De Bruyne. Ngân sách khổng lồ của các ông chủ Qatar cũng ủng hộ Pep mang thêm về bất kỳ ngôi sao nào ông muốn.

Mặc dù vào nghề muộn hơn Wenger, Sir Alex Ferguson, Van Gaal, Benitez nhưng HLV 44 tuổi vượt xa những người này về khoản tiêu tiền với 520 triệu euro đã chi. Chỉ Man City mới có thể thỏa mãn thú vui mua sắm của ông ta.

Thêm một điều nữa, Man City không quá xa lạ với triết lý kiểm soát bóng. 5 năm qua dưới định hướng đề ra của bộ đôi Ferran Soriano (phó chủ tịch Barca 2003-2008) và Txiki Begiristain (giám đốc bóng đá Barca 2003-2010), kiến trúc sư cho những thành công gần đây ở Barcelona, đội bóng này luôn theo đuổi phong cách tấn công và đề cao sở hữu. Trung bình các mùa tỷ lệ cầm bóng của họ là 55.3, 57.0, 57.5, 57.8 và 58.0%, cao thứ nhì Premier League.

Một lần nữa, Man City là điểm đến an toàn. Và cũng một lần nữa người ta lại đặt câu hỏi, phải chăng Pep quá hèn nhát khi không dám tiếp nhận thách thức lớn?

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast