Gìn giữ phong tục tết

(Baohatinh.vn) - Dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, đối với người Việt, tết Nguyên Đán vẫn là ngày lễ quan trọng nhất. Đây là dịp mà mọi người sẽ cùng nhau cử hành những nghi lễ, phong tục truyền thống đậm nét văn hoá Việt nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng.

Cúng tiễn Táo Quân

Gìn giữ phong tục tết

Việc cúng tiễn Táo Quân lên trời ở mỗi gia đình là một nét độc đáo trong văn hoá cổ truyền Việt Nam (minh hoạ Internet)

Mặc dù đến ngày 30 tháng Chạp mới là ngày chính thức bắt đầu tết Nguyên đán nhưng với nhiều người Việt, từ ngày 23 tháng Chạp khi họ thực hiện nghi lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời thì tết đã thực sự về. Táo Quân theo truyền thuyết là vua bếp gồm táo bà và 2 táo ông. Đây là những vị thần quyết định sự may rủi, phúc hoạ của gia chủ đồng thời ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia chủ. Việc thờ thần bếp ở mỗi gia đình là một nét độc đáo trong văn hoá Việt nhằm cầu mong một cuộc sống đủ đầy, đầm ấm, an lành, hạnh phúc.

Gìn giữ phong tục tết

Cúng tiễn Táo Quân là là nghi lễ đầu tiên của tết Nguyên đán

Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi việc của gia chủ ở trần gian trong cả năm. Chính vì vậy, tới ngày này, các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua giấy áo và mua cá chép về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây cũng được coi là nghi lễ để bắt đầu kết thúc năm cũ, chào đón năm mới.

Tục dựng cây nêu

Ngày nay, tuỳ từng vùng miền và sự phát triển của xã hội mà phong tục dựng cây nêu có nơi còn giữ có nơi không và nếu có thì cũng có thay đổi khác nhau.

Quan niệm dân gian cho rằng, đến 23 tháng Chạp, khi gia chủ đã cúng tiễn Táo Quân về trời thì từ đó, ma quỷ sẽ nhân cơ hội này mà đến quấy nhiễu. Chính vì thế, gia chủ phải dựng cây nêu để trừ tà. Cây nêu thường được làm bằng cây tre dài khoảng 5 - 6 mét, cành lá được chặt sạch sẽ, chỉ giữ lại ngọn cây. Trên ngọn nêu, người ta sẽ buộc nhiều thứ như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ rồi dựng trước sân nhà. Người ta cho rằng những vật treo ở cây nêu là tín hiệu để cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…

Gìn giữ phong tục tết

Dựng cây nêu đón vào ngày 23 tháng Chạp là một phong tục cổ đang "sống dậy" khá mạnh mẽ ở Hà Tĩnh với nhiều yếu tố hiện đại. Ảnh Dương Chiến

Tục dựng nêu sau một thời gian mai một, đã được nhiều địa phương khôi phục mạnh mẽ. Ngoài ý nghĩa duy trì văn hoá truyền thống, dựng nêu còn được coi là một trong những hoạt động trang hoàng ngày tết. Chính vì thế, thân nêu được người ta quấn thêm hoa, lá hoặc đèn led, đèn nháy đủ màu, trên ngọn nêu người ta còn treo thêm đèn lồng và thắp điện sáng trưng suốt từ ngày dựng cho đến ngày hạ nêu (mùng 7 tháng Giêng).

Gói bánh chưng

Cùng với sự phát triển, đổi thay của đời sống kinh tế xã hội, nhiều phong tục cổ truyền ngày tết đã bị mai một, tuy nhiên, tục gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên ngày tết thì vẫn được nhân dân cả 3 miền duy trì.

“Bên ngoài xanh lá dong xanh/ Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu/ Gói nghĩa tình, gói yêu thương/ Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”. Đó là những câu phản ánh thơ khá đầy đủ về cấu tạo vật chất cũng như giá trị tinh thần, giá trị văn hoá của chiếc bánh thuần Việt. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho bầu trời, được Lang Liêu (con trai Hùng Vương thứ 6) làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân. Màu xanh lá dong là hình ảnh của cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho hoa trái, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là văn minh lúa nước dân tộc.

Gìn giữ phong tục tết

Gói bánh chưng là một phong tục đẹp đang được mộ số bạn trẻ gìn giữ

Việc gói bánh chưng để thờ cúng tổ tiên cũng mang một thông điệp của con cháu muốn báo cáo với tổ tiên về một năm làm ăn, sản xuất hanh thông, cùng cầu mong cho một năm mới thuận hoà, may mắn. Ngoài ra, phong tục gói bánh chưng còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn khi đây là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Ngày nay, tục gói bánh chưng tuy không còn được duy trì ở nhiều gia đình nữa, dẫu vậy, tục thờ bánh chưng ngày tết vẫn được duy trì. Và, bánh chưng cũng được biến đổi nhiều về nguyên liệu, màu sắc nhằm tạo nên những nét độc đáo.

Chơi hoa ngày tết

Chơi hoa ngày Tết có truyền thống từ ngàn xưa và mang nhiều ý nghĩa. Hoa được coi là yếu tố tinh thần cao quý, thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân.

Gìn giữ phong tục tết

Chơi hoa ngày tết là một trong những mỹ tục của người Việt

Truyền thống cổ xưa, người miền nam sẽ chơi hoa mai, người miền bắc sẽ chơi hoa đào. Tuỳ theo quan niệm, tuỳ tâm hồn mà người chơi sẽ chọn đào phai hay đào thắm, đào thế hay đào tự nhiên, mai cũng thế, cũng có nhiều loại, nhiều kiểu dáng phù hợp với thẫm mỹ của người chơi. Dù hình thức thế nào thì con người vẫn quan niệm, cành đào, cành mai nở rộ đúng vào đêm giao là điềm lành, hứa hẹn mang đến cho gia chủ cả một năm vui vẻ. Màu đỏ của hoa đào, vàng của hoa mai còn lại tượng trưng cho khí dương ấm áp.

Gìn giữ phong tục tết

Cuộc sống ngày càng được cải thiện, thú chơi hoa ngày tết cũng chuyển dần sang xu hướng "săn" hàng nhập khẩu độc lạ.

Ngày nay, thú chơi hoa ngày tết đã phát triển rất đa dạng với nhiều loại cây cảnh độc đáo được trồng trong nước hoặc nhập khẩu. Nhiều người cầu kỳ sẽ gọt thuỷ tiên, trồng thược dược, đồng tiền, trồng phong lan, địa lan. Những người giàu có thì chơi những cây cảnh độc đáo như đào đá, đào cổ thụ, bưởi cảnh, quýt cảnh, quất khủng hoặc các loại hoa nhập khẩu sang trọng… Mỗi loại cây họ chọn chơi đều mang đến những ý nghĩa phong thuỷ, ý nghĩa tinh thần khác nhau nhưng tựu trung đều mang đến niềm vui trong đời sống tinh thần.

Chủ đề Tết Trung thu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast