Nhiều địa phương ở Đức Thọ vẫn đang bị cô lập với bên ngoài

Tính đến trưa 19/10, huyện Đức Thọ đã có 3 người chết do nước lũ cuốn trôi, 27/28 xã bị ngập chìm trong lũ với 20.000 hộ dân, trong đó có 16 xã bị ngập sâu từ 3 - 5m, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn bị chia cắt hoàn toàn...

>>Ghi ở vùng lũ Đức Thọ

>>Đi cất vó bị nước lũ cuốn trôi

Mưa lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng hoàn toàn 180 ngôi nhà, 520 tấn lúa, 18.548 con gia súc, gia cầm, 339 ha ngô đông và rau màu các loại bị nhấn chìm, 680 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập vì mất trắng, thiệt hại ước tính lên đến 60 tỷ đồng.

Các lực lượng tập trung cứu trợ nhân dân vùng ngoài đê Đức Thọ
Các lực lượng tập trung cứu trợ nhân dân vùng ngoài đê Đức Thọ

Trước tình hình đó, huyện đã trích kinh phí mua 26 ngàn tấn mì tôm, 30 ngàn chai nước uống để cấp về cho các xã bị ngập sâu nhằm cứu đói cho nhân dân.

Ông Nguyễn Công Hàm - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Dự đoán được tình hình nước lũ lên nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng như quân sự, công an tiến hành di dời dân tại những khu vực xung yếu gần hồ, đập, dưới chân núi, cửa sông đến nơi an toàn. Đối với những xã bị ngập, đặc biệt là 16 xã bị ngập sâu, huyện đã cấp mỳ tôm, nước uống về tận các hộ gia đình nhằm đảm bảo không để dân phải chịu cảnh đói rét.

Ông Trần Thúc Kim, thôn 3 - Châu Diên (xã Đức Châu) cho biết: Đợt lũ này nước dâng nhanh kèm với mưa to đã làm cho người dân hết sức bị động, nhiều hộ gia đình chỉ kịp chạy thoát thân còn lương thực, thực phẩm vật dụng trong gia đình đều bị nước lũ nhấn chìm. Chưa có năm nào mà mưa lũ lại dồn dập như năm nay, cơn lũ trước chưa kịp rút thì cơn lũ sau lại chồng lên vì thế đã làm thiệt hại rất lớn về tài sản của nhân dân. Có nhiều người cả đời sống trong vùng lũ nhưng cũng chưa từng được chứng kiến lũ lớn và liên tục như năm nay.

Nước lũ ở Đức Thọ vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống
Nước lũ ở Đức Thọ vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống

Công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ tại Đức Thọ những ngày này vẫn được các cấp, các ngành tiến hành rất khẩn trương với quyết tâm tuyệt đối không để người dân phải chịu đói, rét. Ngoài lực lượng tại chỗ của tỉnh, huyện, Bộ Công an đã tăng cường cho huyện Đức Thọ 3 xuồng cao tốc với 150 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ ứng cứu cho đồng bào. Trên tuyến đê La Giang lực lượng cứu hộ và xuống cao tốc được rải đều từ Linh Cảm xuống Trung Lương. Ngoài nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nước uống, lực lượng này còn có nhiệm vụ trực 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý những điểm sủi, điểm xung yếu trên toàn tuyến đê. Đến thời điểm hiện nay nước trên sông La vẫn đang ở trên mức báo động 3, bên cạnh đó mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống.

Không chỉ ở những xã ngoài đê, các xã ở trong đê cũng bị chìm trong nước lũ. Nhiều xã vùng trũng như: Thái Yên, Đức Thanh, Đức Thịnh, Đức Thủy, Đức Trung, Đức Lâm… ngập sâu từ 1 – 1,5m. Do không thường xuyên sống chung với lũ nên đại đa số những xã này đều rất bị động, hầu hết lương thực, vật dụng trong gia đình đều bị nước lũ nhấn chìm. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây rất khó khăn; giao thông bị tê liệt, thuyền bè không có nên người dân gần như không di chuyển được. Theo đó, công tác cứu trợ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khi nước trong đê không những không có dấu hiệu rút mà còn dâng lên sau mỗi đợt mưa.

Vùng trong - ngoài - thượng - hạ của huyện Đức Thọ đều chìm trong lũ
Vùng trong - ngoài - thượng - hạ của huyện Đức Thọ đều chìm trong lũ

Anh Nguyễn Văn Lịch ở xóm 4, xã Thái Yên cho biết: Từ khi sinh ra đến nay đã gần 40 năm rồi nhưng đây là lần đầu tôi chứng kiến một cơn lũ to như thế này. Vì nằm ở trong đê, người dân ở xã Thái Yên nói riêng và những xã vùng trong của huyện Đức Thọ nói chung đều chủ quan nước không bao giờ bị ngập sâu, vì thế lương thực, thực phẩm và mọi vật dụng trong gia đình đề bị nước lũ nhấn chìm.

Đối với những xã vùng thượng của huyện Đức Thọ, nước lũ ở sông Ngàn Sâu đổ về và dâng lên quá nhanh nên người dân cũng không kịp trở tay. Hàng ngàn hộ dân khu vực nằm ven sông Ngàn Sâu như: Đức Lạc, Đức Hòa, Đức Lạng, Đức Đồng bị ngập sâu trong lũ; đến nay, lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được do địa hình đi lại khó khăn, nước lũ sông Ngàn Sâu chảy xiết nên không có phương tiện nào vào được (kể cả xuồng cao tốc) để cứu trợ. Đại đa số người dân ở khu vực này đều tự gồng mình chống chọi với lũ dữ và đang ngày đêm trông chờ hàng cứu trợ.

Lũ chưa qua thì tin bão số 6 (còn gọi là siêu bão Megi) với sức gió giật cấp 17 đã đổ bộ vào biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến miền Trung. Thêm một lần người dân lại thấp thỏm lo âu và cầu mong bão đừng vào. Bởi nếu bão số 6 còn đổ vào Hà Tĩnh, người dân vùng lũ Đức Thọ nói riêng và cả tỉnh nói chung chắc chẳng còn sức mà chông chọi và gượng dậy!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast