Đảm bảo thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác PCLB&TKCN

Những năm gần đây, Hà Tĩnh liên tiếp hứng chịu những trận bão, lũ, hạn hán chưa từng có trong lịch sử, gây tổn hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCLB&TKCN hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 28/2011/QĐ-UBND quy định một số nội dung về công tác PCLB&TKCN. Xung quanh vấn đề này, PV Hà Tĩnh Online có cuộc trao đổi với ông Bùi Lê Bắc – Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ và PCLB kiêm Chánh Văn phòng BCH PCLB Hà Tĩnh.

- Xin ông cho biết, từ lý do nào mà UBND tỉnh lại ban hành quy định mới về công tác PCLB&TKCN trên địa bàn?

Công tác PCLB&GNTT lâu nay chịu sự điều chỉnh của Quyết định 733/2000/QĐ-UB-NL2 ngày 09/4/2000 về phân cấp quản lý, chỉ huy điều hành công tác PCLB-GNTT và Quyết định số 83/2004/QĐ-UB-NL ngày 26/8/2004 về quy chế hoạt động của BCH PCLB tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các quy định trên, nhất là Quyết định 733/2000/QĐ-UB-NL2 đã bộc lộ những hạn chế khi chỉ quy định nguyên tắc chung, trong khi trách nhiệm các cấp, ngành và việc phân cấp cho địa phương chưa được làm rõ.

Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND nhằm đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở về công tác PCLB -TKCN trên địa bàn toàn tỉnh
Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND nhằm đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở về công tác PCLB -TKCN trên địa bàn toàn tỉnh

Đặc biệt, ngày 27/2/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của BCĐ PCLB trung ương, BCH PCLB&TKCN các Bộ, ngành và địa phương. Việc ban hành Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND nhằm đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở về công tác PCLB -TKCN trên địa bàn toàn tỉnh.

- Theo Quyết định 28/2011/QĐ-UBND thì khâu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của BCH PCLB&TKCN các cấp, ngành sẽ được chi tiết hóa thế nào, thưa ông?

Trước hết, về chính quyền có 3 cấp rõ ràng được thống nhất cả lĩnh vực PCLB gắn với công tác TKCN được gọi là BCH PCLB&TKCN tỉnh, BCH PCLB&TKCN cấp huyện và BCH PCLB&TKCN cấp xã. Về cấp ngành gồm BCH các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về đơn vị gồm các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. BCH từng cấp sẽ do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập. Riêng BCH cấp tỉnh có thêm các tiểu ban như: tiểu ban lực lượng, tiểu ban đảm bảo giao thông – phương tiện, tiểu ban dự báo khí tượng – thủy văn, tiểu ban kỹ thuật công trình, tiểu ban thông tin liên lạc, tiểu ban báo tin động đất - cảnh báo sóng thần và tiểu ban hậu cần. BCH PCLB cấp tỉnh và huyện có Văn phòng thường trực, có con dấu, được cấp kinh phí hoạt động và mở tài khoản tại kho bạc.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh trong quyết định mới này chính là UBND tỉnh rất coi trọng bộ máy PCLB&TKCN cấp cơ sở.

Nhờ thống nhất trong chỉ đạo điều hành và xây dựng phương án ứng phó nên hàng năm "rốn lũ" Phương Mỹ (Hương Khê) đã giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra
Nhờ thống nhất trong chỉ đạo điều hành và xây dựng phương án ứng phó nên hàng năm "rốn lũ" Phương Mỹ (Hương Khê) đã giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra

BCH PCLB&TKCN cấp xã giúp UBND cùng cấp trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi của xã. Ở mỗi thôn, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập một đội xung kích PCLB&TKCN do thôn trưởng chỉ huy, gồm các chức danh của thôn và lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ. Đây là yếu tố có tính quyết định nhằm tăng trách nhiệm và năng lực tổ chức, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong PCLB&TKCN, vừa đảm bảo tính kịp thời, thiết thực, hiệu quả và bền vững.

Quy định mới cũng cho thấy công tác tổ chức trực ban PCLB&TKCN rất được coi trọng, vì đây là bộ phận nắm bắt tình hình thiên tai trực tiếp tham mưu cho BCH PCLB&TKCN các cấp, ngành để quyết định các phương án, biện pháp ứng phó. Về thời gian trực hàng năm, văn phòng BCH PCLB&TKCN cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành chủ lực (quân sự, biên phòng, công an, tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và tiểu ban báo tin động đất - sóng thần) trực 24/24h bắt đầu 5/5 - 30/11; các ngành khác trực từ 15/7 - 15/11.

- Trước đây, đề cập đến việc phân cấp quản lý thiên tai chỉ mới nêu nguyên tắc chung. Vậy quyết định mới này có tạo nên sự khác biệt lớn không, thưa ông?

Nguyên tắc phân cấp của quyết định mới theo 4 hình thức. Một là quản lý theo lãnh thổ, nghĩa là các đối tượng có khả năng và bị ro do thiên tai gây ra trên địa bàn xã/phường/thị trấn nào, huyện/thành phố/thị xã nào quản lý thì Chủ tịch UBND huyện/thành phố/thị xã đó, xã/phường/thị trấn đó chịu trách nhiệm tổ chức triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả; trường hợp vượt quá khả năng xử lý của địa phương mình thì Chủ tịch UBND cấp dưới phải kịp thời báo cáo lên Chủ tịch UBND và BCH PCLB cấp trên một cấp.

Hai là quản lý theo ngành, tức là các các đối tượng có khả năng và bị rủi ro do thiên tai gây ra thuộc ngành nào quản lý thì thủ trưởng ngành đó có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và phối hợp với các địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, đồng thời báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh và BCH PCLB tỉnh.

Ba là nguyên tắc tự quản: thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động phương án bảo vệ con người, tài sản và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc đơn vị quản lý trực tiếp; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để chủ động tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo điều động của UBND và BCH PCLB&TKCN các cấp.

Các doanh nghiệp phải chủ động phương án bảo vệ con người, tài sản và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc đơn vị quản lý trực tiếp (Trong ảnh là một đợt xả tràn Kẻ Gỗ của Công ty TNHH MTV thủy lợi Kẻ Gỗ)
Các doanh nghiệp phải chủ động phương án bảo vệ con người, tài sản và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc đơn vị quản lý trực tiếp (Trong ảnh là một đợt xả tràn Kẻ Gỗ của Công ty TNHH MTV thủy lợi Kẻ Gỗ)

Bốn là nguyên tắc phối hợp: trong quá trình triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nguyên tắc phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm theo quy chế và chịu sự chỉ đạo, điều hành của UBND và BCH PCLB &TKCN các cấp.

Công tác phân cấp cụ thể về quản lý thiên tai là BCH PCLB&TKCN cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác PCLB&TKCN trên địa bàn toàn tỉnh; phê duyệt và tổ chức thực hiện các phương án PCLB công trình trọng điểm: Hộ đê La Giang, cụm hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, cụm hồ Sông Rác – Kim Sơn trên cơ sở các phương án của các đơn vị quản lý công trình được giao quản lý trình lên.

BCH PCLB&TKCN cấp huyện sẽ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án tổng hợp PCLB&TKCN trên địa bàn cấp huyện như: phương án lực lượng PCLB&TKCN, phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ - đường sông, phương án hộ đê các tuyến đê cấp IV, phương án vận hành cống tiêu thoát dưới đê, phương án đảm bảo an toàn nghề cá, phương án sơ tán dân, phương án an toàn hồ chứa dung tích trên 1 triệu khối nước hoặc hồ chứa có chiều cao đập trên 12m...

BCH PCLB&TKCN cấp xã, sẽ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án tổng hợp PCLB&TKCN trên địa bàn xã như: phương án lực lượng PCLB&TKCN, phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ - đường sông, phương án hộ đê các tuyến đê cấp V, phương án vận hành cống tiêu thoát dưới đê, phương án đảm bảo an toàn nghề cá, phương án sơ tán dân, phương án an toàn hồ chứa dung tích từ 1 triệu khối nước trở xuống hoặc hồ chứa có chiều cao đập từ 12m trở xuống…

- Xin cảm ơn ông !

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast