“Tắc biên” vì Covid-19, nhiều chủ shop thời trang Hà Tĩnh “méo mặt”!

(Baohatinh.vn) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu Việt - Trung bị trì trệ khiến nhiều chủ shop thời trang ở Hà Tĩnh gặp khó khăn bởi thị trường tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) là nguồn hàng chủ đạo bấy lâu.

“Tắc biên” vì Covid-19, nhiều chủ shop thời trang Hà Tĩnh “méo mặt”!

Thời trang Quảng Châu (Trung Quốc) được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn.

“Hàng Quảng Châu” là một khái niệm quen thuộc với giới kinh doanh thời trang và các tín đồ mua sắm. Với ưu điểm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc đẹp, giá cả vừa phải, phù hợp với giới trẻ, quần áo có xuất xứ thành phố của Trung Quốc này được nhiều khách hàng lựa chọn, và cũng là nguồn hàng chính của nhiều shop.

Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, “cấm biên”, “tắc cửa khẩu” là những từ được giới kinh doanh nhắc đến như một nỗi ám ảnh. Bởi lẽ, điều đó đồng nghĩa với nguồn hàng không thể đổ về, các chủ kinh doanh thời trang không có thêm hàng mới để bán.

“Tắc biên” vì Covid-19, nhiều chủ shop thời trang Hà Tĩnh “méo mặt”!

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng thời trang bị ảnh hưởng nặng nề

Chị H. - chủ một shop thời trang nữ trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) cho hay: Hơn 60% hàng hóa trong shop là từ Quảng Châu nên sự ảnh hưởng khi thiếu nguồn hàng đối với shop là rất lớn. Thời điểm này lẽ ra là lúc có nhiều mẫu mới cho mùa hè và số lượng dồi dào nhưng do tác động của dịch, biên giới bị cấm giao thương nên lượng hàng shop nhập về sụt hẳn, các mẫu hàng cũng ít hơn.

"Thời trang không phải là ngành hàng có thể tích trữ để bán dần được, vì phải cập nhật các mẫu hot, đặc biệt là thời trang cho giới trẻ. Kinh doanh thời trang mà không có hàng mới về, có gì bán nấy, khách vào lần sau mà các mẫu hàng vẫn như lần trước thì sẽ rất dễ mất khách” - chị H. nói thêm.

Bạn Mai Huyền (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Không xét về mặt chất liệu thì thời trang Quảng Châu có nhiều mẫu mã hợp model, giá cả rẻ, nhiều nguồn hàng khác khó cạnh tranh được. Tuy nhiên, đi mua hàng đợt này ở các shop, hầu như không có nhiều mẫu mới. Nếu như trước đây những shop quen, khoảng 1 tuần mình quay lại một lần thì có nhiều hàng mới nhưng nay chỉ thêm vài mẫu, thế nên mình cũng lười đi mua đồ hơn”.

“Tắc biên” vì Covid-19, nhiều chủ shop thời trang Hà Tĩnh “méo mặt”!

Với nguồn hàng chính từ Quảng Châu (Trung Quốc), hàng lưu thông chậm khiến các shop thời trang gặp khó.

Không riêng gì các cửa hàng thời trang, các shop online - những tài khoản chuyên nhận đặt hàng từ Trung Quốc và các nước khác cũng rơi vào tình trạng “méo mặt” vì không có hàng, không thể order cho khách.

Chị Liên (xã Xuân Giang, Nghi Xuân) – chuyên kinh doanh thời trang nữ online cho biết: "Mình thường xuyên đặt hàng trên trang Taobao (trang mua sắm thời trang online của Trung Quốc – PV) cho khách nhưng đợt này do tình hình dịch bệnh, hàng không về được hết nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn.

Một số hàng quần áo, giày dép khách đã đặt rồi nhưng không thể chuyển về, mình đành lỗi hẹn với khách. May mắn, đây là tình hình chung của thị trường nên khách cũng thông cảm. Hi vọng là việc giao thương sớm trở lại bình thường”.

“Tắc biên” vì Covid-19, nhiều chủ shop thời trang Hà Tĩnh “méo mặt”!

Cửa hàng thời trang Gió Quảng Châu nhập thêm hàng Việt Nam để có thêm nhiều mẫu mới cho khách lựa chọn.

Trước tình hình kinh doanh khó khăn do nguồn hàng không đủ đáp ứng, một số shop trước đây chuyên kinh doanh thời trang Quảng Châu thì nay đã chuyển hướng, gia tăng thêm hàng nội địa để phục vụ khách hàng, đảm bảo doanh thu.

Anh Trần Hậu Minh Vương - chủ shop thời trang Gió Quảng Châu (đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Cửa hàng mình chuyên về thời trang nam, đến 90% là hàng nhập về từ hàng Quảng Châu, khoảng 10% là hàng Việt Nam nhưng trong đợt dịch bệnh vừa qua, nguồn hàng về không đủ, không có thêm mẫu mới nên mình nhập thêm khoảng 10 - 20% các mặt hàng Việt như áo thun, sơ mi… để khách hàng dễ lựa chọn. Nhìn chung, hàng Việt bây giỡ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên cũng thu hút được khách hơn”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast