Hồi sinh xóm chài Sông Tiến, Sông Hải

Dự án Ngọt hóa Sông Nghèn hoàn thành vào năm 2008, bên cạnh mang lại những nguồn lợi lớn cho nhiều địa phương, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải của xã Thạch Sơn do bị mất ngư trường đánh bắt. Sau nhiều trăn trở tìm hướng đi mới cho nhân dân, xã Thạch Sơn đã triển khai mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Hiện nay mô hình đã thành công. Dòng sông quê hương tiếp tục đem lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân.

Trở lại với 2 xóm đạo Sông Tiến và Sông Hải lần này, chúng tôi như được vui lây bởi không còn cảnh ảm đạm “lưới treo, thuyền úp, dân tha hương” như những ngày đầu công trình bara Đò Điệm - Ngọt hóa Sông Nghèn, hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hệ thống lồng bè của xóm Sông Hải phía dưới bara Đò Điệm

Hệ thống lồng bè của xóm Sông Hải phía dưới bara Đò Điệm

Đường vào Sông Tiến và Sông Hải được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới phẳng phiu, thoáng đãng chứ không còn cảnh chui luồn trong cây bụi; chài lưới làm “thảm” lót đường, chài lưới giăng mắc như mạng nhện trên các bờ dậu, cành cây. Bà con giáo dân cũng rạng ngời niềm vui khi cuộc sống dần đi vào sung túc và từng bước phát triển...

Năm 2008, sau bao năm chờ đợi, Dự án công trình bara Đò Điệm chính thức hoàn thành, có chức năng ngăn dòng nước mặn của biển từ lạch Cửa Sót, trả lại nguồn nước ngọt mát lành cho sinh hoạt và sản xuất của nhiều địa phương hưởng lợi từ Sông như: Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà. Nhưng cũng từ đây, riêng ở xã Thạch Sơn đã nảy sinh một thách thức không nhỏ.

Khi nguồn nước mặn bị chặn đứng, nguồn lợi thủy sản nước mặn dồi dào bao đời cũng tan theo. Hơn nữa, không chỉ phía thượng nguồn, phía dưới bara, nơi nguồn nước có độ mặn cao cũng không còn hải sản sinh sống. Bởi vậy, trên 300 hộ giáo dân của 2 thôn Sông Tiến và Sông Hải, bao đời sống nhờ vào nghề đăng, đáy trên Sông bỗng dưng hết đường kiếm kế sinh nhai.

Lồng nuôi cá nước ngọt của xóm Sông Tiến

Lồng nuôi cá nước ngọt của xóm Sông Tiến

Làm thế nào để tạo việc làm mới cho nhân dân khi nghề truyền thống không còn? Đây là một câu hỏi lớn không chỉ đặt ra đối với xã Thạch Sơn. Sau nhiều trăn trở, tìm tòi, cuối cùng nghề nuôi cá lồng trên sông đã được lựa chọn để làm thí điểm.

Năm 2010, với 2 lồng cá nước mặn đầu tiên được thả nuôi tại gia đình ông Thưởng và gia đình ông Cầu ở xóm Sông Hải, sau gần 6 tháng thả nuôi đã khẳng định được kết quả khả quan.

Với thể tích mỗi lồng nuôi 150m3, mỗi lứa thả nuôi trừ hết các khoản chi phí còn có lãi ròng trên 20 triệu đồng. Từ kết quả khả quan qua thả nuôi thí điểm, nghề nuôi cá lồng nhanh chóng được nhân rộng và phát triển mạnh.

Đến nay, phía dưới công trình bara, xóm Sông Hải đã phát triển lên 120 mô hình nuôi cá lồng bè, trong đó có 68 mô hình đã có thu nhập cao sau nhiều mùa thu hoạch, chủ yếu là giống cá chẽm nước mặn, trong đó mỗi gia đình có từ 1 đến 2 lồng. Thu nhập bình quân mỗi lồng cá đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Hồng - Xóm trưởng xóm Sông Hải, thì nghề nuôi cá chẽm trong lồng trên Sông Nghèn khá thuận lợi, bởi thứ nhất là nguồn nước sông thường xuyên được thay do sự điều tiết nước từ cống bara; thứ hai là chỗ đặt lồng khá rộng rãi nên rất đảm bảo về yếu tố môi trường, vì vậy hầu như không xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó có sự đầu tư thỏa đáng về chủ trương, chính sách của Nhà nước và sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với những điều kiện thuận lợi này, người dân Sông Hải đang có nhu cầu phát triển thêm nghề nuôi cá lồng bè để nâng cao thu nhập và tiếp tục xây dựng nghề nuôi cá lồng trở thành nghề truyền thống của địa phương.

Khác với xóm Sông Hải, xóm Sông Tiến nằm ở phía trên cống ngăn mặn nên tất cả các hình thức nuôi trồng thủy sản đã chuyển sang nước ngọt. Sau thành công của phong trào nuôi cá lồng nước mặn ở xóm Sông Hải, từ năm 2011, Sông Tiến bắt đầu triển khai nuôi cá lồng nước ngọt trên sông với các loại cá dễ thích nghi với môi trường sống trong lồng bè và có giá trị cao như: cá diêu hồng, cá trê, cá chẽm nước ngọt...

Với thu nhập cao nên số lượng hộ nuôi cũng như số lượng lồng bè tăng nhanh. Đến nay, toàn xóm đã có 64 chiếc lồng cá được thả nuôi, trong đó, nhiều hộ đã kiên cố hóa lồng nuôi bằng việc đầu tư sản xuất lồng bằng ống tuýp sắt không rỉ, vừa kéo dài tuổi thọ lồng, vừa đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Hơn 100 ha ao hồ nuôi tôm, cua trước đây của xóm Sông Tiến đã trở thành các mô hình cá - lúa - vịt cho thu nhập cao

Hơn 100 ha ao hồ nuôi tôm, cua trước đây của xóm Sông Tiến đã trở thành các mô hình cá - lúa - vịt cho thu nhập cao

Ngoài kết quả nghề nuôi cá lồng, xóm Sông Tiến còn có trên 100 ha ao hồ, mặt nước (mặn) trước đây nuôi tôm và cua, cho thu nhập bấp bênh chuyển sang nuôi trồng theo mô hình cá - lúa - vịt. Sau mấy vụ đầu cho thu nhập cao, hiện bà con đã bỏ tiền đầu tư đào đắp, gia cố lại hệ thống hồ để sản xuất lâu dài và hiệu quả. Không chỉ biết sống với nghề cá, từ khi Sông Ngèn mang dòng nước ngọt, ngư dân Sông Tiến bắt đầu làm quen với sản xuất nông nghiệp và bắt nhịp khá nhanh. Những cánh đồng trước đây ngập mặn đến cây cỏ cũng không sống nổi, nay đã trở thành đồng ruộng tốt tươi với 2 vụ lúa năng suất cao. Rất nhiều hộ dân đã có thu nhập cao và đồng đều từ các loại hình sản xuất từ nuôi cá lồng, mô hình cá - lúa - vịt, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Những ngư dân vốn chỉ quen với nghề sông nước đã bắt nhịp khá nhanh với nghề nông

Những ngư dân vốn chỉ quen với nghề sông nước đã bắt nhịp khá nhanh với nghề nông

Ông Nguyễn Hữu Niêm - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, thành công từ việc chuyển đổi nghề ở Sông Tiến, Sông Hải, ngoài sự quan tâm nỗ lực tìm tòi hướng đi phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn phải kể đến sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.

Theo Quyết định 24 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp nông thôn, các hộ nuôi đã được hỗ trợ gần 50 triệu đồng/hộ. Còn đối với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất từ nguồn xây dựng NTM, xã Thạch Sơn được phân bổ gần 2,3 tỷ đồng cho năm 2012, đến nay đã được giải ngân hết và phần lớn trong số vốn này đều được đầu tư cho các hộ dân tham gia mô hình chyển đổi nghề ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải.

Với điều kiện sản xuất thuận lợi và cho giá trị thu nhập cao, rất nhiều người dân 2 thôn, trước đây không còn nghề cha ông, ra đi làm ăn xa đã lần lượt trở về quê hương để làm nghề nuôi cá lồng.

Sông Tiến và Sông Hải đã thực sự hồi sinh từ hướng chuyển đổi nghề phù hợp, hiệu quả. Kinh tế khấm khá, điều kiện về văn hóa - xã hội, an ninh, trật tự trong thôn xóm cũng ổn định và phát triển hơn. Cao hơn là, bà con giáo dân đã thực sự tin tưởng ở chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền, từ đó phấn đấu làm giàu cho gia đình, đóng góp sức mình vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Một mùa Giáng sinh đang đến, mang nhiều niềm vui và dự cảm an lành cho bà con giáo dân xứ đạo Sông Tiến và Sông Hải.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast