Bi hài chuyện "bắt" xe vào Nam ra Bắc những ngày sau Tết

Sau khi đã đón một cái tết đầm ấm bên gia đình, những người con của quê hương Hà Tĩnh đi làm ăn xa lại bắt đầu chuyến li hương để kiếm sống. Và cuộc hành trình của họ trên những chuyến xe Bắc, Nam đã diễn ra không ít chuyện bi hài.

Bị "chặt chém" vô tội vạ

Chọn ngày mùng 6 tết (ngày đẹp đầu năm - theo quan niệm của nhân gian), chúng tôi đã có cuộc hành trình dọc quốc lộ 1A, 8A và đường mòn HCM trên địa bàn Hà Tĩnh để ghi nhận cảnh tượng các sinh viên lên đường đi học, cảnh người dân rời quê đi làm ăn xa. Dọc các tuyến đường này đâu đâu cũng thấy các nhóm người tay xách nách mạng tụ tập để đón xe. Và để đón được những chuyến xe hợp lí trong những ngày đầu năm quả là không phải chuyện dễ.

Đón khách bên lề ngay điểm cấm dừng xe
Đón khách bên lề ngay điểm cấm dừng xe

Anh Ngô Đức Tùng ở xã Sơn Lộc (Can Lộc) cho biết: "Tôi đã đứng ở đây gần 3 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa bắt được xe đi vào TP.HCM. Lý do là nhà xe lấy giá vé quá cao, trong khi đó xe đi TP.HCM vẫn nườm nượp lao qua địa bàn Hà Tĩnh. Các nhà xe đều hét giá từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/chỗ vé giường nằm và 1,3 - 1,6 triệu đồng/chỗ ghế cứng khi vào TP.HCM.

Sau nhiều giờ đón xe đi vào Đắk Lắk để làm thuê, nhưng không bắt được vì xe không có chỗ ngồi với giá hợp lý khiến anh Đặng Bá Thủy, ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc đành xách túi trở về.

“Cứ xe này qua, xe khác tới nhưng vẫn không bắt được chỉ vì trong người tôi có vẻn vẹn được 1,5 triệu đồng. Trong khi đó nếu lên xe với giá bèo nhất cũng mất tới 1,3 triệu đồng. Nếu lên đi thì dọc đường biết lấy chi mà ăn. Thôi đành quay về chờ sau rằm rồi hẵng hay...”, anh Thủy tâm sự.

Nhà xe làm xiếc với giá vé khiến nhiều hành khách phải hoãn chuyến
Nhà xe làm xiếc với giá vé khiến nhiều hành khách phải hoãn chuyến

Chỉ vì muốn đón được xe ra Hà Nội cho kịp đám cưới của một người bạn, anh Nguyễn Hoài Nam, ở xã Sơn Bình (Hương Sơn) đã phải trả 500.000 đồng cho một chỗ nằm dọc hành lang của xe.

"Thấy giá quá đắt và không có chỗ ngồi, tôi phản ứng thì nhà xe nói là do xe đã hết chỗ và tại hành khách không đặt trước. Nếu trước tết đi ra Hà Nội thì giá vé cho một chỗ ngồi hẳn hỏi cũng chỉ 200.000đồng", anh Nam cho biết.

Bất chấp bến bãi

Để đảm bảo việc vận chuyển hành khách trước và sau tết Quý Tỵ, Sở GTVT Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an Hà Tĩnh ra quy chế về đảm bảo ATGT và quy về giá vé vận tải hành khách để thực hiện. Theo đó các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm giám sát, thực hiện theo các cam kết nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho hành khách. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi thì việc làm này đang rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi" khiến tình trạng giao thông vận còn lộn xộn cũng như quyền lợi của hành khách vẫn chưa được đảm bảo.

Bến vắng vì xe không vào
Bến vắng vì xe không vào

Dọc quộc lộ1A, đoạn từ thị xã Hồng Lĩnh vào huyện Can Lộc và đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh các loại xe khách vẫn ngang nhiên hoạt động ở những nơi cấm dừng, cấm đỗ.

Đặc biệt, tại thị trấn Can Lộc, hàng trăm chiếc xe dừng đậu bắt khách dọc đường bất chấp quy định bến bãi. Nếu như nạn bắt khách dọc đường ở địa phận này diễn ra rất lộn xộn khiến nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra rất cao thì ngay trung tâm bến xe của huyện này lại vắng teo.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, cảnh tượng trên cũng diễn ra tương tự.

Khi được hỏi, vì sao lại để xây ra tình trạng giao thông như trên thì chúng tôi được một vị lãnh đạo đội CSGT huyện Can Lộc trả lời: "Do đang tập trung lực lượng cho việc bảo vệ lễ hội chùa Hương Tích?"

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast