Xuân trên quê biển

(Baohatinh.vn) - Từng cơn gió mùa đông bắc vẫn hun hút thổi, sóng vẫn ầm ào lời ca muôn thuở của biển. Dù vậy, trên những cây ổi khẳng khiu đã ló ra mấy búp nõn non tơ, vườn vải, vườn xoài đã đơm hoa đầy đặn như mâm cốm Làng Vòng. Thi thoảng những cánh hoa nở tung trắng xóa...

Bình yên làng biển. Ảnh: Hương Thành
Bình yên làng biển. Ảnh: Hương Thành

Dọc theo con đê chạy bên triền sông, sắc xuân đã tươi thắm cả đất trời. Tôi đi trong rợn ngợp màu xanh. Xanh của nước sông Lam, xanh của rừng bần ngập mặn đang xôn xao trong gió, rướn thân lên đón ánh sáng mà đâm chồi nẩy lộc, mà thành lũy, thành rừng che gió, chắn sóng cho làng biển. Con đê xanh mượt cỏ non như một bức tường thành sừng sững gìn giữ kho báu của làng quê. Ấy là những cánh đồng tôm mênh mông, ấy là mượt mà những cánh đồng lúa đang thì con gái. Tiếng những con sóng nhỏ nhẹ vỗ vào bờ đê như âm thanh thì thầm tình yêu lứa đôi của đất và nước.

Trên những rừng bần ngút ngát, từng đàn cò lao xao xây tổ. Những cánh cò chớp trắng như những nốt nhạc bình yên. Dưới bãi bùn lầy lội kia, bất chấp cái giá lạnh còn sót lại, những mầm non vẫn đội đất mọc lên, vươn thẳng như những mũi chông thành những cây bần vững chãi, sẵn sàng hứng chịu sóng gió, bão giông, góp sức gìn giữ quê hương! Những cánh buồm nâu, buồm trắng thấp thoáng trên sông, mênh mang giọng đò đưa, man mác “gừng cay, muối mặn…”.

Mùa đánh bắt hải sản. Ảnh: Đậu Bình
Mùa đánh bắt hải sản. Ảnh: Đậu Bình

Xa kia là Hòn Ngư. Hai hòn núi xanh thẫm hiện lên trong sương sớm mang dáng hai con trâu húc nhau bất phân thắng bại. Đảo đá hình con trâu sao người đời lại gọi là Hòn Ngư – ngư là cá - Hòn Cá? Truyền thuyết kể rằng: “Một con trâu của Ngọc Hoàng chọi nhau với con trâu hạ giới chí tử. Nghe đâu phần thắng thuộc về trâu hạ giới nên Ngọc Hoàng bực mình làm cho cả hai con hóa đá, biến thành Hòn Ngư”.

Hay vì đây là cửa biển, người dân làm nghề đánh cá, cá đã đi vào tâm thức nên gọi chệch ra ngưu thành ngư những mong cá luôn đầy khoang thuyền? Hòn Ngư chắc đã có từ thuở khai sơn lập địa. Nó như một nét đẹp điểm tô cho biển quê hương, cho thị xã Cửa Lò, cho cửa Lạch Hội quê tôi. Song Ngư hý thủy - hai con cá giỡn trên sóng nước là một trong Nghi Xuân bát cảnh mà người dân quê tôi luôn tự hào. Khách thập phương đến đây không hết ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thủy hữu tình lung linh sắc màu huyền thoại.

Biển chiều Cương Gián. Ảnh: Quang Vinh
Biển chiều Cương Gián. Ảnh: Quang Vinh

Quê biển của tôi như một bán đảo được bao bọc bởi ba bề sóng nước. Phía Tây là sông Lam, phía Đông là biển cả, phía Bắc là Cửa Lạch. Quê tôi từ xác xơ nghèo đói, nay đang hóa thân cùng sự đổi mới của đất nước và công cuộc xây dựng nông thôn mới của Đảng. Những dãy nhà tranh dột nát đã nhường chỗ cho những ngôi nhà tường xây, ngói đỏ. Nhà cao tầng mọc lên thấp thoáng sau những dãy phi lao. Con đường cát ngày nào chúng tôi đi bàn chân lấm bụi, giờ đã được thay thế bằng những con đường rải nhựa phẳng lì vào tận mọi ngõ ngách, vào tận mỗi nhà. Xe máy, xe ô tô đi lại như mắc cửi. Mỗi buổi thuyền về, tôm, cá đầy khoang. Đêm xuống, ánh đèn trên thuyền cùng với ánh đèn đường cao áp ven biển về thành phố làm ấm lòng người. Nhìn nét mặt ai cũng sung sướng, hân hoan…

Tôi đi trong mùi hương dìu dịu, ngọt ngào của làng quê biển mùa xuân. Có cái gì đó thật tươi mới, trong lòng tôi dâng lên một tình cảm thật thân thiết, đầm ấm đến nao lòng. Phải rồi! Ấy là cái mặn mòi của biển, ấy là cái hương xuân của trời đất giao hòa. Ngoài kia, biển vẫn tung sóng trắng quanh đảo Hòn Ngư. Sóng vẫn rì rào muôn thuở tràn lên bãi cát. Nhịp sống quê biển vẫn hối hả từng giờ. Tôi lắng nghe tiếng gió xuân từ biển tràn vào xôn xao. Mùa xuân đã về trên quê biển của tôi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast