Gìn giữ giếng làng

(Baohatinh.vn) - Chưa có nhà nghiên cứu nào xác định được giếng làng có từ bao giờ, chỉ biết ở mọi làng quê Việt Nam hầu như làng nào cũng có giếng. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng trở thành biểu tượng của làng quê Việt, niềm tự hào về hồn cốt quê hương. Tiếc thay, giá trị của những biểu tượng đẹp ấy đang dần mất đi...

Giếng làng tồn tại trong nếp sống sinh hoạt có từ thuở xa xưa. Gần như làng Việt nào cũng có ít nhất một giếng, có thể là giếng đất, giếng khơi và đến nay là giếng khoan. Giếng có hình tròn, hình vuông hay chữ nhật và thường được gọi theo tên làng. Giếng làng đã tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống xã hội, trong tục ngữ, ca dao, trong các câu đố dân gian. Nó không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước trong mát mà còn là nơi gặp mặt, chuyện trò của cư dân trong làng.

Gìn giữ giếng làng ảnh 1
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng trở thành biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Ảnh: Quang Sáng

Mọi câu chuyện vui buồn của cả xóm đều được bắt đầu từ giếng làng. Nhà ai chuẩn bị cưới hỏi, có đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, mọi người đều biết. Đã vậy, chuyện mất chó, mất gà, chuyện đánh nhau vì ghen tuông, “lăng nhăng” làng trên xóm dưới hay gái chửa hoang... cũng được bàn tán xôn xao. Phụ nữ mang cả thau quần áo ra giếng vừa giặt giũ, vừa “tám chuyện” cười sang sảng. Những đêm trăng sáng, nam thanh, nữ tú lại quây quần bên miệng giếng để nhìn trăng nhấp nhô dưới đáy. Nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ cũng nhờ cái giếng làng.

Người dân làng yêu quý và giữ gìn giếng làng như máu thịt. Không chỉ vì nó là nguồn nước nuôi sống bao thế hệ mà còn chứa đựng nhiều tầng lớp giá trị văn hóa. Bao nhiêu người trưởng thành luôn nhớ tuổi thơ của mình được nuôi dưỡng bởi dòng sữa mẹ và nguồn nước giếng làng. Có thể nói, giếng làng đã đi vào ký ức và là kỷ niệm đẹp của mỗi người theo một cách riêng. Giếng làng đã trở thành một trong tam vật làm nên bức họa làng quê Việt Nam: Cây đa, giếng (bến) nước, sân đình, giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”. Với lớp lớp người xưa, giếng làng còn như một thứ bùa ngải trấn trạch cho cộng đồng dân cư sinh sống trong làng được mạnh khỏe, đăng khoa, thành đạt. Giếng làng được ví như mắt của con rồng trong thế đất của làng có long mạch chạy qua. Vì thế, giếng làng phải luôn được bảo vệ, giữ gìn sạch sẽ ngay từ trong ý nghĩ, tâm linh của nhiều thế hệ.

Trải qua thăng trầm thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, nước máy đã về khắp mọi nơi kể cả nông thôn. Bằng không, mỗi nhà đều có giếng khoan. Chỉ bật công tắc điện là nước chảy đến trong tích tắc. Bởi vậy, một số nơi, giếng làng không còn giá trị sử dụng, nhiều giếng làng đã chìm vào lòng đất… Nhưng, trong tâm thức người Việt, giếng làng có giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc. Nó như gương soi ngàn xưa gửi lại. Bởi thế, không ít làng đã nhận ra một điều gì đó thật hệ trọng với sự hiện diện của những cái giếng cho dù không rành mạch. Và dù không còn giá trị sử dụng, ở nhiều làng quê, giếng làng vẫn được giữ gìn sạch sẽ. Mới đây, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm một hệ thống giếng cổ Hà Tĩnh mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm-pa, riêng ở Kỳ Anh có gần 50 giếng cổ. Hầu hết các giếng cổ đều bị bỏ hoang, hư hỏng nhiều và cần được bảo tồn.

Bảo tồn giếng làng không đơn thuần là hoài cổ, nhân dân bảo lưu nó để nhớ về đời sống xã hội Việt Nam một thời đi không trở lại và sử dụng nó cho nhu cầu cuộc sống hôm nay. Đó còn là chuyện người dân có ý thức và nhắc nhau về vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi trường sống, trong đó có nguồn nước thông qua cái giếng làng. Khôi phục thành công giếng làng là gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa làng Việt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast