Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

(Baohatinh.vn) - 75 năm trôi qua, thời gian đã lùi xa nhưng dư âm Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng. Dưới lời hiệu triệu của Bác, toàn dân đã đứng lên quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc và đã giành thắng lợi vẻ vang.

Sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước muôn ngàn thử thách cam go bởi thù trong giặc ngoài. Quân đội nước ngoài dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật lũ lượt kéo vào nước ta.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Ở miền Bắc, từ cuối tháng 8/1945, hơn 20 vạn quân Quốc dân Đảng kéo vào đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, kèm theo bè lũ lâu la phản động gây rối, phá hoại, lăm le lật đổ chính quyền nhân dân non trẻ. Ở miền Nam, từ tháng 9/1945, dưới sự giúp sức của quân đội Anh, quân Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Sài Gòn rồi lấn dần ra nam Trung bộ (*).

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng sáng suốt, linh hoạt, khôn khéo vận dụng sách lược “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, hòa để tiến, nhân nhượng có nguyên tắc. Với Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9, Bác đã phân hóa kẻ thù, từng bước chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh hiểm nguy. Hội nghị Phôngtennơblô diễn ra ở Pháp rất nhiều ngày không đi đến kết quả do kẻ thù hiếu chiến, rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23/9, Nam Bộ nổ súng kháng chiến chống lại thực dân Pháp.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện nước Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Ảnh: Tư liệu

Những thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14/9 không được Pháp tôn trọng, từ tháng 11 trở đi, Pháp bội ước đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, bắt đầu chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại chính phủ Việt Nam. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định đưa Bác lánh ra ngoại thành.

Ngày 19/12, từ 14h30 đến 15h15, Bác họp với các đồng chí Trung ương ở Vạn Phúc, thống nhất Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (*). Bác đã đanh thép vạch trần âm mưu xâm lược nước ta lần thứ 2 của thực dân Pháp và tha thiết kêu gọi, thúc giục toàn dân quyết tâm cứu nước. Lời của Bác đã như ngọn lửa thổi vào những trái tim hừng hực yêu nước của đồng bào.

Chỉ 17 dòng ngắn gọn thôi nhưng lời kêu gọi của Bác đã nói rõ thái độ của Đảng, Chính phủ trước âm mưu đen tối của kẻ thù và tình thế của đất nước buộc phải cầm súng: Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. “Phải nhân nhượng” vì thế nước còn yếu, kẻ thù quá mạnh và nham hiểm, xảo quyệt. “Phải nhân nhượng” để chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ.

Tiếp đó là các câu, các mệnh đề khẳng định và hô ngữ toát lên thái độ không khoan nhượng, quyết tâm hy sinh để cứu nước của toàn dân: Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Nhưng “đứng lên”bằng cách nào, kháng chiến với thực dân Pháp, một kẻ thù hùng mạnh như thế nào, trong khi đất nước ta vừa trải qua nạn đói 1945, nhiều làng quê còn nghèo xơ xác? Bác lại vận dụng chiến tranh nhân dân trong lịch sử. Lời hiệu triệu nói rất rõ cách thức chống Pháp, đó là toàn dân, toàn diện, với bất kỳ vũ khí gì mình có được: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Tha thiết kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh thực dân Pháp với vũ khí có được, Bác cũng dành cho các chiến sĩ tuyến đầu trực tiếp đối mặt với kẻ thù những lời động viên cổ vũ, thúc giục họ hy sinh quên mình cho dân tộc: Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Kết thúc Lời kêu gọi, Bác đã truyền cho toàn thể Nhân dân, toàn thể các lực lượng tuyến đầu một niềm tin tất thắng, niềm lạc quan lớn lao, khẳng định với quyết tâm hy sinh, kháng chiến nhất định thắng lợi:

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Lời kêu gọi của Bác đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, quyết tâm hy sinh quên mình của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện đã diễn ra trên cả nước.

Đường phố Hà Nội trở thành chiến lũy. Mùa Đông 1946 trở thành một mùa đông đặc biệt không thể nào quên của những người dân Hà Thành khi quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

Nhân dân Hà Nội mang đồ dùng gia đình ra ngăn chặn xe cơ giới Pháp, mùa đông năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Sau chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chiến dịch Biên Giới 1950 là đến chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thực hiện đúng như lời của Bác, không khí kháng chiến hừng hực khắp các làng quê. Từng đoàn xe đạp thồ vượt đèo núi chở hàng lên Điện Biên, khắp nơi sôi nổi diễn ra phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” “áo ấm cho chiến sĩ”...

Thanh niên xung phong xẻ núi làm đường dưới làn bom đạn địch. Bộ đội ta chịu đựng gian khổ hy sinh “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu cổ vũ tinh thần toàn quân... Hoa chiến công nở rộ khắp các trận địa, các làng quê. Những nơi thực dân Pháp đóng chiếm, Nhân dân thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”, chiến sỹ du kích bám trụ tiêu diệt đồn địch.

Ở miền Nam, đồng bào Nam bộ không chịu khom lưng làm thân nô lệ, nhiều đội du kích được thành lập ở khu kháng chiến. Và người con gái Anh hùng Võ Thị Sáu (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm liên lạc cho Đội Công an xung phong Đất Đỏ đã dũng cảm ném lưu đạn vào cuộc mít tinh của thực dân Pháp, bị bắt khi chưa tròn 18 tuổi, bị giam cầm và tra tấn dã man, bị địch xử bắn vào ngày 23/1/1952.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta hoàn toàn thắng lợi vào ngày 7/5/1954 “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đã chứng minh lời khẳng định, niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân từ lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: Tư liệu

Bài học khơi dậy sức mạnh chiến tranh nhân dân còn được Đảng và Bác Hồ vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và ngày nay, cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam trong 2 năm qua cũng cho thấy sức mạnh to lớn “toàn dân, toàn diện” của chiến tranh nhân dân được phát huy và khơi dậy.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh cũng đòi hỏi sức mạnh toàn diện của các tầng lớp nhân dân. Bài học từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến mãi mãi còn nguyên giá trị.

(*) Đỗ Hoàng Linh. ”Hồ Chí Minh-474 ngày độc lập đầu tiên”. NXB Thanh niên. 2008

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast