Bên trời phố Diễn

(Baohatinh.vn) - Tôi dừng xe bên đường. Trời phố Diễn nóng như đổ lửa. Con đường trưa vơi người thỉnh thoảng lại như sôi lên trong bụi đỏ bởi những đám xe công trình chở đá sỏi rồi lại yên lặng. Cứ như thế, cơn bụi này chưa kịp lắng xuống, cơn bụi khác lại bốc ngược lên cao ngút ngát.

Tôi không có duyên nợ gì với thị trấn này nếu như không có lần tình cờ nhìn thấy Hàn ở đây, ngay trong tầm nhìn qua ô cửa kính ô tô đang đóng kín trong một mùa mưa rét. Là người đàn ông đang đứng đó. Dáng người khắc khổ. Khuôn mặt chỉ có một ánh nhìn. Một hốc mắt trơ khấc, vô hồn, kéo khuôn mặt của anh dúm lại dưới vành mũ cối che gần hết khuôn mặt. Hàn đang bê hàng, từng thùng hàng chở đồ hải sản bốc mùi tanh lờm lợm. Tự nhiên, lúc đó tôi lặng im. Trái tim tôi như đông cứng khi nhận ra người mà mỗi tháng vào ngày mồng một hay ngày rằm, mình đều xướng tên cầu siêu trong ngôi chùa gần nhà, giờ đang ở trước mặt mình nhưng không thể há miệng ra được. Cảm giác trôi tuột, kéo tôi theo những năm tháng xa xôi của những ngày trong rừng.

*

Đúng là tôi đã lạc thật rồi. Suốt hai ngày lang thang trong khu rừng một mình, tôi mới đinh ninh là mình đã bị bỏ lại. Trời lấp xấp mưa. Tôi ngồi trong một cái hang đá rộng rênh một mình, cảm giác nỗi vắng vẻ xộc lên từ mũi. Mùi cỏ cháy, mùi khét của một trận quần đảo kinh hoàng vẫn còn vương lại trên những thân cây cháy. Tôi cố hình dung mình đang ở đâu, nhưng chịu. Đơn vị tôi nhận lệnh hành quân trong đêm từ Bình Định lên Gia Lai từ tờ mờ tối. Ngang qua thị xã An Khê đã gần 9 giờ rưỡi tối rồi, khi bị đánh úp chắc đang ở gần đèo Mang Yang. Tôi ngất đi sau một cú tung người, rồi tỉnh dậy dưới một cái hố sâu bên trên um tùm một bụi ô rô lớn. Có thể thế mà đồng đội không tìm thấy tôi.

Bên trời phố Diễn ảnh 1
Minh họa của Huy Tùng

Vậy mà, đã ba đêm rồi, ba đêm trải qua một cách căng thẳng, không dám ngủ. Cũng có thể trong một phút giây nào đó, tôi đã chợp mắt một lúc nhưng thật sâu, khiến tôi không có cảm giác đói ngủ như mọi lần ở cùng đồng đội. Giữa rừng già, những nấm mộ non vừa mới đắp, đất đỏ tươi như ngấy sốt. Giữa thinh không bao la, yên ắng, đến nỗi tôi cảm thấy như mình có thể nghe được cả tiếng nấm cựa đất làm tôi bần thần. Bao nhiêu ý nghĩ dồn lại, đặc quánh, hỗn độn không biết từ đâu dồn dập ùa về.

Một ngày nữa qua đi. Tôi đã bắt đầu không hình dung được là mình đang ở đâu trên cái bản đồ tác chiến nằm trong túi áo ngực bê bết máu đỏ đã khắm khú mùi. Tôi chuồi chân xuống suối. Con suối không tên, chảy quanh co như một con lạch nhỏ lẫn trong những tảng đá to nằm sít cạnh nhau rồi xoãi ra một cái bãi mênh mông, rộng lổn nhổn đá cuội. Tôi ngồi trên một mỏm đá nhìn lên hun hút cánh rừng tứ phía như nhìn từ dưới đáy giếng. Tôi từ từ ngồi xuống. Nước liếm dần cơ thể tôi từng tí một. Máu và đất cùng trôi theo nước chảy xuống những gộp đá. Tôi thấy mình như bay lên, thanh thoát và nhẹ nhàng giống như đang nằm trên cánh đồng quê mình mùa vụ gặt. Cái mùi rơm, mùi đất ngai ngái và mùi phân bò làm tôi nôn nao nhớ. Giá như giờ này được ở quê. Tôi lục lại ba lô, lấy chiếc áo phông của ba ra mặc. Nhớ quá, chiếc áo còn vương mùi mồ hôi ba. Cái thứ quen thuộc, ngai ngái như mùi dầu lẫn mùi mồ hôi lấm tấm trên lưng ngựa óng mượt.

Đang yên lặng, chợt nghe có tiếng thở mạnh, tôi giật mình bật dậy, tay lăm lăm khẩu súng. Trước mặt tôi, một khối to lững lững lết lại rồi đổ ập xuống. Bụi lửa bay bật tán loạn. Tôi không còn sợ hãi. Cái khối to lừng lững nằm bất động đó nói với tôi rằng: tôi đã sống. Nghĩa là, đơn vị tôi đã và đang ở quanh đây, rồi họ sẽ tìm ra tôi giữa rừng già thăm thẳm này.

Tôi kéo anh lính sát lại đống lửa. Đổ nước trong cái hăng-gô ra lau rửa khắp mặt cho anh. Tôi không hỏi gì anh, mà có hỏi, anh cũng không trả lời được. Cứ thế, tôi im lặng, tiếng thở trên đùi tôi dồn dập, ngắt quãng.

Ánh sáng chói lòa, chếch chếch từ cửa hang lọt qua chỗ tôi nằm. Anh lính nằm cạnh kê đầu trên tay tôi vẫn thiêm thiếp ngủ. Tôi thoáng rụt tay lại xấu hổ nhưng rồi dẹp ngay ý nghĩ đó. Tôi nhìn khắp lượt trên người anh. Chạm tay lên đôi mắt rợp mi nhắm nghiền, trên nét mũi thẳng và cả trên bờ môi khô đóng cắn những máu.

Tôi đã gặp Hàn như vậy trong một khu rừng già dài theo trục đường 19. Mùa mưa đã chớm trên những cánh rừng trước đây còn trống hơ, trống hoác, bây giờ dịu lại, nhanh chóng phủ một màu xanh sậm. Với tôi, màu xanh đó có ý nghĩa lớn lao vô cùng. Nó nói với tôi rằng, sự sống sẽ không bao giờ bị mất đi cả nếu con người cùng nghĩ về nó với niềm tin mãnh liệt nhất.

Tự nhiên, tôi muốn hát. Tiếng hát tự trong cổ họng khe khẽ cất lên làn điệu dân ca quê tôi. Những lời ca dân dã, mộc mạc về nỗi nhớ của người con gái đang yêu nhung nhớ người yêu như thế nào: “Chơ thương anh lắm anh ơi, nhớ anh lắm anh ơi, thương đáo để, sục sôi, nhớ đáo để trần đời. Bưng cơm ăn nỏ được, bưng nước uống không trôi…”. Tôi không nhớ mình đã hát trong bao lâu nữa, chỉ đến khi bàn tay anh lính cựa quậy cầm lấy bàn tay tôi, tôi mới bừng tỉnh giấc...

Ba ngày bị lạc trong rừng, Hàn đã hồi tỉnh, dù vết thương ở chân vẫn còn ứa máu. Hàn nói đơn vị của anh chỉ qua ngọn núi này là đến, phải về đó trước khi tôi có thể liên lạc để trở lại với đơn vị. Hai chúng tôi dìu nhau đi được một hồi lâu thì đêm tối. Trăng non vừa lên, chợt sáng, chợt tối trên đỉnh rừng đầy sương trắng đùng đục. Phía ngang triền dốc, khi tưởng chừng như sắp hụt hơi, chúng tôi đã nhận ra những dãy lán có quầng sáng hắt ra mùi khói thơm như nhựa thông và nghe chừng như mùi khoai sắn nướng.

Hàn úp hai tay lên làm loa hú gọi. Tiếng bước chân thậm thịch chạy ra. Chợt có tiếng hỏi:

- Bệnh nhân ở đâu về mà muộn thế anh Hàn.

- Tôi là bệnh nhân đây, còn cô kia giúp đưa tôi về đây.

Mọi người đỡ Hàn vào lán, còn tôi, một mình ra suối rửa mặt. Bao nhiêu âm thanh nh ư sống động hẳn lên. Nó rạo rực chạy khắp cơ thể tôi, nhanh và nhẹ nhàng như gió. Tôi có cảm tưởng như mình là cỏ lau và gió cứ phất trần như thế, nâng tôi lên, hạ tôi xuống, dập dềnh. Tôi giống như người được hồi sinh thêm lần nữa và muốn hét lên, hú lên để mọi người đều biết.

*

Mùa thu ở rừng rất đẹp. Mọi thứ nhìn như tươi hơn. Lá xanh như xanh hơn. Lá vàng như vàng hơn và những bông lau rừng như rực rỡ hơn giữa cái nắng thanh tao nhè nhẹ của mùa dìu dịu. Tôi ngồi bên suối. Con suối trong veo, đầy nước chảy lững lờ như dạo. Đâu đó có tiếng chim thi thoảng cất lên ríu rít, ồn ào rồi lại yên ắng. Tôi lắng nghe âm thanh của rừng. Âm thanh của sự sống chuyển mình một cách hồ hởi và sáng rõ. Nó mặc cho những trận mưa bom vừa cày xới và những vết thương sâu hoác giữa thân rừng chưa kịp xí xóa hồi đêm. Mặc, chim vẫn hót, bướm vẫn tìm hoa và ong vẫn tìm đường lấy mật.

Hàn ngồi bên cạnh tôi. Anh không nói được nhiều. Vết thương ở vai khá nặng, kéo vai anh lệch xuống một bên nhưng trông anh đã linh hoạt hơn hẳn. Anh đưa cho tôi một bắp ngô non vừa bung sữa được nướng thơm lừng.

- Mai em đi rồi.

- Em biết bài này không? Rồi anh hát: “Buồn không hỡi người đã đi rồi. Tìm đâu những ngày vui êm ấm. Người đi theo năm tháng không cùng. Thương mắt em hay buồn. Nhìn mùa thu chết bên song...”.

Tôi giật mình nghe anh hát bài hát ấy. Bài hát trong một lần qua nội thành tôi đã được nghe qua. Nhưng giọng hát anh, giọng hát trầm và buồn đã làm tôi bối rối vào lúc ấy, khi anh nói anh chỉ hát bài đó cho tôi nghe thôi vì ngày mai tôi đã xa anh rồi.

Đêm đó. Một đêm trăng non. Chúng tôi đã hẹn thề với nhau sẽ chờ độc lập. Tôi không có kỷ vật gì cho anh ngoài chiếc lược được làm từ mảnh bom mà một đồng đội đã làm để gửi tặng người yêu ở nhà nhưng không kịp. Trước lúc hy sinh, anh chỉ kịp tặng lại tôi chiếc lược khắc tên hai người như một người làm chứng cho tình yêu của anh và cô gái. Giờ tôi tặng lại anh. Anh hứa nếu còn sống sẽ cùng tôi trở về, sẽ cùng tôi tìm đến tận nhà của anh lính kia để cùng trao lại kỷ vật ấy. Thế rồi, Hàn ở lại đơn vị, còn tôi theo một đơn vị khác trở về đơn vị cũ. Thư qua, thư lại cũng tròn 2 năm.

*

Tôi nhận được tin báo tử của Hàn từ một đơn vị bộ đội tác chiến từ Bắc vào. Họ nói, đơn vị quân y đóng quân qua quốc lộ 19 đã bị bom chết hết. Không một ai sống sót. Họ đã chôn cất cho hết thảy 25 người bằng ba hố chôn tập thể.

*

Hết chiến tranh. Tôi trở về làm ở bảo tàng quân đội tỉnh. Trong suốt chặng đường vào Nam, ra Bắc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang quân khu, tôi đã không nguôi nhớ về vùng đất nơi Hàn đã hy sinh ở đó.

- Thế mà, anh ta đã không trở về tìm tôi, cô ạ! - người đàn bà nấc lên cùng tôi - anh ta đã sống, đã trở về và đã không quay lại tìm tôi lấy một lần, cô ạ!. Khi tôi nhìn thấy anh ấy, tôi tưởng chừng như mình lại chết thêm lần nữa.

- Có thể chú ấy có lý do để không trở lại tìm cô? - tôi vờ hỏi - nhỡ chú ấy bị thương rất nặng và không muốn cô phải chịu cực khổ vì chú.

Người đàn bà không trả lời tôi. Cô lặng im chốc lát như hồi nhớ lại chuyện cũ, rồi lại nói một mình: Chiến tranh mà, có ai được trở về nguyên vẹn hả cô?. Có những người, bom đạn không cứa nổi một vết rách trên da, thịt nhưng lại đào sâu hun hút hố bom trong lòng người. Như tôi đây, tôi đã từng vào chỗ anh ấy hy sinh, đã tìm hết từng lòng bờ suối, từng cành cây, ngọn cỏ, những gì có thể ghi dấu anh ấy của tôi, dù chỉ một lần nhưng không thể. Cái phiến đá tôi ngồi cũng bị bom nổ tung rồi, không tìm thấy dấu. Không thấy dấu vết của anh ấy là suốt đời vết thương của tôi cũng sẽ không thể nào hàn gắn được, cô ạ.

Tôi lặng nhìn người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi. Bàn tay bà bối rối đan vào nhau trước ngực như thừa thãi. Phố Diễn ngoài kia xao xác gió trở mùa. Những cây lộc vừng đã qua mùa cho hoa, lúc lỉu những dây quả xanh xanh trong gió chướng. Tôi nghĩ đến chú Hàn, đến điệu bối rối của chú khi gọi điện nhờ tôi chuyển giùm chiếc lược đến bảo tàng quân đội. Chú kể cho tôi nghe chuyện sau khi lành vết thương, chú được điều động sang chiến trường Campuchia và bị thương ở đó. Trở về, chú cũng đã đi tìm cô, biết cô có gia đình êm ấm và hạnh phúc rồi, chú không nỡ làm cô đau lòng lần nữa. Biết cô năm nào cũng về quê mình, chú Hàn đã không về phố Diễn, quê ngoại của chú nữa.

Tôi cũng không ngờ, cô Tú khi nhìn thấy chiếc lược ấy lại lần mò để đi tìm tôi. Tôi không biết phải nói thế nào về chú cho cô nghe cả. Nhìn cô ngồi đó, mắt ngấn nước, những giọt nước mắt hạnh phúc và đau đớn như nén lâu ngày, trào ra, ướt đầm cả chiếc khăn trong tay.

- Lần tôi nhìn thấy anh ấy, tôi tưởng chừng như mình bị ảo giác. Đã an ủi mình rằng, đó là ảo giác thôi. Nhưng khi nhận chiếc lược này, theo địa chỉ của cô, tôi biết chắc rằng, anh ấy còn sống. Còn sống thì dù có lật tung cả tỉnh này lên, tôi cũng phải tìm cho được anh ấy.

Cô nói rồi khóc nấc. Tôi lặng lẽ rời ghế đứng dậy. Bởi tôi biết, mình không còn có lý do gì để an ủi người đàn bà đã từng sống chết và chờ đợi cả một đời người như thế và tôi biết, đằng sau tấm rèm kia, chắc chú Hàn tôi cũng khó cầm lòng.

Mùa thu 2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast