Lấy phiếu tín nhiệm - bước tiến về dân chủ trong Đảng

Việc lấy phiếu tín nhiệm càng khẳng định tính minh bạch, công khai của Đảng; tạo thêm uy tín của Đảng trước nhân dân.

Một trong những vấn đề quan trọng tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đang diễn ra tại Hà Nội là việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là việc được tổ chức lần đầu, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Việc lấy phiếu là một kênh rất quan trọng nhằm thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước. Và nếu việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đúng như Đảng mong đợi, nhân dân kỳ vọng thì sẽ là tiền đề tốt cho sự thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp tới.

Lấy phiếu tín nhiệm - bước tiến về dân chủ trong Đảng ảnh 1
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của 50 chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quang Trung)

Cách đây gần 3 năm, ngày 16/1/2012, trong Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đã được nêu lên với quy định thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Tuy rằng là chủ trương mới, nhưng sau hai lần Quốc hội khóa XIII tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã cho thấy sự cần thiết cũng như hiệu quả, tác động tích cực của nó trong công tác cán bộ, trong quản lý Nhà nước, điều hành xã hội. Nó cũng cho thấy, dân chủ là thực sự chứ không là giả hiệu trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Tính dân chủ được thể hiện trước nhất bằng việc Đảng không che giấu khuyết điểm mà thẳng thắn thừa nhận: "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Trong Đảng còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí… và một số mặt hạn chế khác. Từ những khuyết điểm ấy, Đảng đề ra các vấn đề cấp bách cần khắc phục, các nhóm giải pháp để quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.

Kết quả đánh giá đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI những năm qua với nhiều kinh nghiệm đã được rút ra. Nhiều đảng viên, trong đó có người đã từng hoặc đang giữ chức vụ nhưng không giữ được phẩm chất bị kỷ luật nghiêm khắc; nhiều người kịp sửa mình, tiếp tục phấn đấu để phục vụ nhân dân… đã phản ánh trung thực vấn đề đó.

Dân chủ còn được thể hiện rất rõ nét bằng sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, của người dân trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên. Nhiều hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách của đảng viên, người có chức vụ quyền hạn đã được phát hiện, chấn chỉnh thông qua sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua phản ánh của người dân. Việc làm đó góp phần quan trọng nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong cán bộ, đảng viên; củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương lần này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo đảng viên và người dân. Họ đồng tình, hưởng ứng và kỳ vọng. Bởi đó là một đòi hỏi của thực tiễn, một bước tiến về dân chủ trong Đảng. Điều này cũng khẳng định, Đảng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dân về các nhân sự được Đảng phân công, giao nhiệm vụ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng khẳng định, việc đánh giá này là thực chất, đúng đắn. Điều này càng khẳng định tính minh bạch, công khai của Đảng; tạo thêm uy tín của Đảng, tạo thêm lòng tin của đảng viên và quần chúng nhân dân. Và nó còn có tác động tích cực tới việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sắp tới của Đảng.

Mỗi lá phiếu tín nhiệm mà các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thực hành cũng hàm chứa tâm tư của mỗi người dân đối với các đảng viên đang giữ những chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị mỗi Ủy viên Trung ương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm. Đó cũng là mong mỏi của người dân. Vậy nên, lá phiếu tín nhiệm không chỉ thể hiện chính kiến, sự trung thực, khách quan, sự công tâm mà còn là trách nhiệm của các Ủy viên trước nhân dân, trước Đảng./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast