Truyện ngắn: Lối về

(Baohatinh.vn) - Lối rẽ vào nhà chị Nhạn phải băng qua một con hẻm nhỏ mọc đầy dứa dại và những cây giới quả vàng giống như những hạt ngô, thêm một khúc quanh dâm bụt là đến. Chị đang ngồi trước sân chẻ củi. Thấy tôi, chị cười, nước mắt chảy vòng quanh. Chị ôm lấy tôi bịn rịn khóc.

- Cậu à! Chị không đi ở với cậu đâu, ngoài ấy xa làng xa xóm, chị không chịu được.

- Vâng. Tôi sụt sịt khóc. Đưa tay áo quệt ngang mắt rồi cười. Có ai bắt chị đi đâu, chẳng lẽ em về là chỉ có mỗi việc ấy.

Nghe tôi nói vậy, chị Nhạn hoạt bát hẳn lên. Chị lăng xăng tìm ghế cho tôi ngồi, rót nước chè cho tôi uống rồi ngồi lại bên bậc tam cấp cùng nói chuyện. Tôi xích ghế ngồi lại gần chị để chị bắt trứng tóc. Tay chị đưa nhẹ trên đầu tôi:

- Sao tóc cậu bạc sớm thế?

- Sớm gì nữa chị, em cũng đã ngoài 50 tuổi rồi mà.

Truyện ngắn: Lối về

Lối rẽ vào nhà chị Nhạn phải băng qua một con hẻm nhỏ mọc đầy dứa dại và những cây giới quả vàng giống như những hạt ngô. Ảnh internet

Chị Nhạn không nói gì, chỉ thở dài. Mới đó mà đã hơn 40 năm qua rồi. Nhanh thật, nhanh như cơn gió nồm nam ngoài kia đang rào rạt thổi trên những bè lá dừa to trước ngõ. Ngày ấy đến giờ cây dừa có thay đổi gì đâu. Vẫn thế, mỗi năm một lần quả bói, trái nhỏ nhưng thơm và ngọt nhất trong vườn. Còn nhớ ngày trước mẹ tôi vắng nhà thường xuyên, mọi việc trông nom tôi, mẹ giao hết cho chị Nhạn.

Chị Nhạn gọi mẹ tôi bằng dì. Cả nhà chị Nhạn đều chết bom cả. Hôm ấy, bom nổ đúng giữa nhà khi cả gia đình đang ăn cơm. Bố mẹ chị chưa kịp bưng bát. Cơm văng lên mái nhà bếp và những mảnh áo bay lả tả. Chị đứng ở chuồng bò chết đứng trân trối cho đến khi mẹ tôi kéo đi chị mới bàng hoàng khóc thét lên rồi ngất lịm. Mẹ đưa chị về sống với gia đình tôi, rồi quen. Chiến tranh mà, nay còn mai mất. Khi mẹ tôi phải đi làm nhiệm vụ mới, việc chăm sóc tôi hoàn toàn một tay chị làm.

Làng tôi nào có ai, thanh niên đi bộ đội cả. Anh Hưởng cũng mấy lần xắm nắm ra đi nhưng tình cảnh mẹ già neo đơn như thế anh đi không đành. Mẹ đẻ đã đành, bà cụ lại là mẹ nuôi ơn sâu như biển. Anh bỏ đi không đành nên nán lại ít lâu, dẫu trong bụng nóng như lửa đốt, chỉ muốn đi bộ đội cho bằng bè bằng bạn.

Hồi ấy cả làng tôi biết chị thương anh Hưởng. Nhà anh nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có lấy bữa cơm nào nguyên vẹn huống hồ nói đến đủ no. Mẹ anh ốm đau quanh năm. Mỗi lần sang thăm bà, nhìn cảnh ấy, chị Nhạn cũng đều lén lau nước mắt. Chị muốn về làm dâu nhà anh, muốn làm lụng sắm cho được bộ bát tươm tất và thuốc thang cho mẹ anh. Nhưng anh Hưởng không nói, chị cũng đành im lặng. Đêm đêm hai người đi gánh nước ở giếng làng, gặp nhau đấy mà cũng chỉ ề à xã giao rồi ai đi đường nấy. Gánh nước trĩu nặng lại càng nặng thêm.

Truyện ngắn: Lối về

Đêm đêm, hai người đi gánh nước ở giếng làng, gặp nhau đấy mà cũng chỉ ề à xã giao rồi ai đi đường nấy.

Minh họa internet

Rồi cũng đến lúc anh Hưởng đi. Chị Nhạn đưa anh hết cả một quãng đồng mà không nói được một lời nào, chỉ dứ dứ vào tay anh chiếc khăn tay thêu hai chữ “HN” thêu hoa nở xoè như con bướm màu đỏ đang bay rực rỡ. Cả đời anh Hưởng chưa bao giờ được thấy chiếc khăn nào đẹp đến thế. Nhưng cái màu đỏ thì quen thuộc lắm, nó thắm như màu hoa gạo đầu làng vào những độ tháng 3 vậy. Anh nhìn theo dáng chị tấp tễnh chạy trên bờ đê mấp mô mà miệng ứ lại không nói được.

Từ hôm anh Hưởng đi, chị Nhạn xin với mẹ anh chặt đi hàng rào dâm bụt chia giữa hai vườn cho thoáng. Bà cụ đã đi lại được, cọm nọm ôm rơm vàng trải lên giàn mướp đang độ nở hoa. Tôi theo sau bà như một con mèo nhỏ. Bà là một cây đại thụ đã trải qua không biết bao nhiêu giông bão với hàng núi những kinh nghiệm thời chiến mà đến cả chị Nhạn nhiều khi cũng phải bật cười. Bà che cho những nụ hoa mướp vàng để tránh máy bay địch. Theo bà, chỗ nào có hoa trái ắt hẳn chỗ ấy có người ở. Thực ra, tôi không tán thành cách đó lắm. Ngoài đồng lúa vẫn xanh rì thì làm sao mà bọn Mỹ lại không biết được nhưng đi theo bà, tôi có thể tìm thấy cả những cụ chuồn chuồn ngủ quên trên những cọng rơm khô hay những anh rắn mối béo mẫm ngơ ngác trên giàn đầy rơm mà cứ ngỡ tơ hồng ai vừa hong trong nắng.

Chị Nhạn ở nhà vào du kích. Ngày ngày chị đi làm đồng, đến đêm tham gia lớp bình dân học vụ. Chị học cùng chương trình với tôi. Chị chăm học lắm, cứ hễ đâu có chữ là dẫu đang làm gì chị cũng dừng lại để dịch và đọc cho bằng được. Chị bảo chị muốn học để sau này tự tay viết được thư gửi cho anh Hưởng.

Nhưng lá thư viết chưa kịp gửi đi thì chị Nhạn nhận được tin anh Hưởng hy sinh. Chị không khóc. Đêm đêm chị tất tả gánh nước đổ vào đầy hai bể cạn trước sân nhà. Chị đi như chạy, hai ống quần ướt quẩn vào nhau làm chị suýt ngã. Tôi tất tả chạy sau liền bị chị mắng. Chưa bao giờ chị đuổi tôi đi. Ngồi học bài mà không vào một chữ. Ngọn đèn nhỏ ám khói đen quạch.

Sau đợt đó, mẹ tôi ghé về có ý định đón tôi đi với mẹ để tiện đi học. Chị Nhạn ngồi bệt xuống sân nhìn trân trân vào cây dừa như hồi bố mẹ chị mất. Mẹ tôi không nói gì, ôm cứng lấy chị. Chị không ôm. Chị ngồi thế cho hết đêm. Tôi biết có một điều hệ trọng sắp sửa xẩy ra. Gần sáng, chị với tay ôm tôi vào lòng, nước mắt chị ướt cả mặt tôi kèm nhem:

- Cún này, em đi theo mẹ nhé.

- Không, tôi hét lên, em không đi đâu hết.

- Lên cùng mẹ an toàn hơn và em sẽ được học hành.

Tiếng chị Nhạn chới với đuổi theo khi tôi bỏ chạy lên đồi. Tôi trốn tiệt để mẹ không tìm được mà vội vàng trở về đơn vị cho kịp chuyến công tác mới.

Mẹ tôi đã đi từ sáng sớm. Mẹ đi không kịp chào tôi. Tôi khóc một mình mà không hề hay biết rằng đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ. Trên đường đi công tác, mẹ tôi hy sinh. Sau này khi tôi lớn lên rồi đi học, khi mẹ được truy điệu liệt sĩ, tôi mới biết lý do mẹ không về thăm tôi những năm sau này.

Năm tôi 17 tuổi, tôi đi học xa nhà. Nhưng ngày tháng học hành ngốn gần hết quỹ thời gian của tôi. Chỉ thỉnh thoảng tôi về thăm chị. Thấy chị vẫn lẻ bóng mới giật mình nhận ra chị tôi đã trở thành một người quá lứa, lỡ thì. Nỗi niềm đó khiến tôi bứt rứt:

- Chị lấy chồng đi!

- Cậu không còn cần chị nữa?

Câu nói của chị làm tôi bàng hoàng. Tôi cố thanh minh rằng đó chỉ là vì tôi thương chị. Tôi không muốn chị một mình. Cả đời chị đã hy sinh cho tôi mà không hề nghĩ đến việc riêng của chị làm tôi áy náy. Chị không nói không rằng bỏ lên giường nằm. Căn nhà rộng rênh. Bóng tối thu lại đáng sợ.

Tôi không nói lại chuyện ấy thêm một lần nào nữa. Chị Nhạn cũng thôi không giận tôi. Tôi đi học xa nhà thỉnh thoảng mới tạt về thăm chị. Chị trông chậm đi, bàn tay khô gầy nhẳng vẫn chặt dừa, khâu áo cho tôi và kể chuyện cho tôi nghe những ngày tôi đi vắng.

Truyện ngắn: Lối về

Minh họa của Huy Tùng.

Tôi làm việc ở phố. Công việc bộn bề lại ít có thời gian về quê. Tôi muốn đưa chị đi. Gọi mãi, bàn mãi chị cũng chỉ ậm ừ. Lần này, tôi về thật. Chị thấy tôi kiên quyết cũng sợ làm tôi phật lòng.

- Cậu giận chị à? - Chị vừa đưa tóc sâu cho tôi - Thực lòng chị biết cậu lo cho chị, nhưng nhà mình chị quen rồi. Chị ở đây thôi. Còn hương hỏa bố mẹ, cậu dì và còn anh Hưởng nữa, chị đi không đặng.

- Vâng… - tôi rơm rớm nước mắt - Em thật đáng trách…

- Không, chị lo cho cậu, mãi mãi lo cho cậu. Còn chị ở đây, chị còn đỡ đần việc hương hỏa ông bà. Sau chị già, cậu già… một mình cậu, chị yên lòng sao được…

Chị Nhạn nói rồi lại rấm rứt khóc, ôm tôi vào lòng. Tôi sà vào lòng chị. Chị nhổ tóc sâu cho tôi nhẹ nhàng. Tay chị chậm chạm len vào tóc tôi nhẹ nhõm. Thật lòng, tôi muốn chị đi cùng tôi ra phố, nhưng khi thấy chị ngồi nơi góc sân nhà đã nghĩ đến lòng thật không đành mà bắt chị phải dứt đi chút nương náu yên ổn cuối cùng của chị. Cũng đành, tôi biết, còn chị là tôi vẫn còn quê hương, vẫn còn nơi chốn để neo về…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast